29/03/2024 lúc 16:40 (GMT+7)
Breaking News

Bỏ biên chế “viên chức suốt đời”: Bước tiến đột phá!

VNHN - Bỏ biên chế chuyển sang chế độ hợp đồng sẽ là một bước đột phá, một bước tiến bộ lớn về mặt tổ chức cũng như chất lượng công chức, viên chức.

VNHN - Bỏ biên chế chuyển sang chế độ hợp đồng sẽ là một bước đột phá, một bước tiến bộ lớn về mặt tổ chức cũng như chất lượng công chức, viên chức.

Quốc hội đã quyết định không giữ hợp đồng không xác định thời hạn kể từ 1/7/2020, đồng nghĩa với việc không còn “viên chức suốt đời”, trừ những người làm việc ở vùng có điều kiện khó khăn.

Quyết định này đã và đang nhận được sự đồng tình cao của dư luận.

Bỏ chế độ biên chế “viên chức suốt đời”

Chiều 25/11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với 426/454 đại biểu bấm nút tán thành (chiếm 88,20%).

Theo Luật vừa thông qua, tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về thực hiện chế độ hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới trong dự thảo luật là thể chế hóa Nghị quyết T.Ư về “Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn)”.

Quy định này áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Luật này có hiệu lực (1/7/2020). Viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. Việc quy định như vậy là phù hợp với Điều 240 của Bộ Luật Lao động hiện hành và Điều 220 của Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Một bước tiến về mặt tổ chức

Viên chức đã từ lâu như một thứ bổng lộc mà ai cũng cố bằng mọi giá để có được một suất. Vào được biên chế là hàng tháng có lương, có bảo hiểm, được nhà nước và các tổ chức đoàn thể bảo vệ.

Ai có năng lực, làm tốt thì thăng quan tiến chức. Ai không có năng lực, nhưng không vi phạm khuyết điểm thì nhà nước vẫn trả lương đều đặn hàng tháng, thậm chí trả nhiều hơn rất nhiều so với giá trí lao động mà người đó bỏ ra.

Với tính ưu việt như vậy nên người người, nhà nhà bằng mọi cách để có được một suất trong biên chế nhà nước.

Dĩ nhiên, có một bộ phận cán bộ công – viên chức bày tỏ băn khoăn vì đó là một trong những chế định trong Bộ luật Lao động về bảo vệ sự yếu thế của người lao động trước người sử dụng lao động. Trong khi đó, Bộ luật Lao động đã có hiệu lực từ lâu và trong quá trình thực hiện, không có vướng mắc. Nếu đặt vấn đề bỏ biên chế suốt đời thì cán bộ công chức, viên chức không yên tâm làm việc. Tức là người lao động luôn ở trong tư thế “sẵn sàng” bị sa thải.

Có điều, xin nhắc lại, nỗi băn khoăn đó chỉ là một bộ phận nhỏ trong đội ngũ cán bộ công – viên chức mà thôi. Thẳng thắn mà nhìn nhận rằng, trong một thời gian dài chúng ta tiến hành công cuộc tinh giản biên chế nhưng kết quả “càng tinh giản bộ máy càng phình to” bởi rất nhiều người vẫn chỉ lo cho các lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà không quan tâm đến đại cục.

Trước nay, chỉ cần ký được cái hợp đồng viên chức “không xác định thời hạn” này thì cán bộ viên chức có thể xem như mình sẽ nghiễm nhiên có được cái danh xưng “viên chức suốt đời”, không ai đụng đến nữa dù chất lượng công việc, thái độ làm việc có tệ đến đâu.

Theo thống kê, hiện nay số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách khoảng 11 triệu người, bao gồm cả các đối tượng chính sách. Trên tổng dân số hơn 90 triệu dân mà có đến 11 triệu người đang hưởng lương từ ngân sách cũng đủ cho thấy một số lượng lớn tiền ngân sách đang được rót vào để nuôi lực lượng này.

Bằng chứng là, hàng năm trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68-69% tổng chi ngân sách, có lúc lên đến 72% tổng chi ngân sách. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua ký phê duyệt chi thường xuyên có ít hơn đôi chút, nhưng vẫn ở con số 65%. Khoảng 30% dùng để trả nợ. Đầu tư cho phát triển năm nay chỉ vào khoảng 17%.

Việt Nam đã phá kỷ lục thế giới về quy mô tổ chức bộ máy nhà nước. Một điều tệ hại và là gánh nặng cho ngân sách đó là bộ máy hoạt động không hiệu quả và theo đánh giá của các chuyên gia thì có đến 30% trong số viên chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.

Nói cách khác, tình trạng ngân sách nhà nước nuôi, nuôi không tính toán đã dần dần biến các cơ quan, công sở thành nơi nuôi dưỡng những kẻ lười biếng, là nơi trú ngụ của những người thiếu năng lực làm việc. Trong khi đó những người có chức quyền thì lợi dụng kẻ hở của pháp luật, tranh thủ cơ hội đưa con cháu, anh em, họ hàng vào các cơ quan, công sở nơi mình quản lý để được hưởng cái “bánh ngân sách”.

Thực tế trên cho thấy, giảm biên chế hiện là vấn đề hết sức cấp bách, muốn làm được phải có quyết tâm rất cao. Hãy lấy chính sách “Giá- Lương – Tiền” năm 1985 là một ví dụ. Bỏ bao cấp lương thực, thực phẩm đã đưa Việt Nam từ một nước thiếu ăn, hàng tháng phân phối lương thực, thực phẩm theo tem phiếu thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Theo đó, bỏ biên chế chuyển sang chế độ hợp đồng sẽ là một bước đột phá, một bước tiến lớn về mặt tổ chức cũng như chất lượng công chức, viên chức. Từ nay sẽ không có chuyện chạy chọt hoặc đưa con cháu vào nhà nước để hưởng suốt đời, kích thích người lao động làm việc có trách nhiệm và có chất lượng. Tạo nên sức mạnh góp phần đưa Việt Nam thành một nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Điều này cũng có nghĩa, một xã hội văn minh không thể chấp nhận những công chức tồn tại vật vờ như người thừa, được các vị “ông cha” gửi gắm vào bộ máy công quyền để lĩnh lương hàng tháng và nghĩ cách hành dân.