29/03/2024 lúc 13:24 (GMT+7)
Breaking News

Bịt lỗ hổng để minh bạch thu phí BOT

VNHN - Sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, vấn đề an ninh, an toàn cho các trạm thu phí và minh bạch doanh thu đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

VNHN - Sau vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, vấn đề an ninh, an toàn cho các trạm thu phí và minh bạch doanh thu đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tăng cường an ninh các trạm thu phí

Mới đây, đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Vũ Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Nam Định) và Trần Tuấn Anh (26 tuổi, ngụ Tiền Giang) để điều tra về hành vi cướp tài sản. Nam và Tuấn Anh là hai bị can đã cướp hơn 2,2 tỉ đồng tại Trạm thu phí Dầu Giây thuộc đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây ngày 7/2, (tức sáng mùng 3 Tết).

Sau vụ cướp, vấn đề siết chặt an ninh, an toàn được các trạm thu phí đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam (nhà đầu tư 3 dự án BOT Bình Thuận, BOT Sóc Trăng và BOT Bạc Liêu) cho biết, để tránh xảy ra sự việc như ở trạm Dầu Giây, đơn vị đã rà soát lại toàn bộ lý lịch hệ thống nhân sự trong công ty, kể cả nhân sự đã nghỉ việc. Ông Phương cho biết, phải tăng cường thêm nhân sự bảo vệ đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, nhất là trong quá trình giao nhận ca, khi ngân hàng thu tiền lãi.

Bịt lỗ hổng để minh bạch thu phí BOT

Ông Phương cho biết, những ngày trước và sau Tết, doanh thu tại trạm tăng khoảng 20%, nhưng những ngày trong Tết doanh thu chỉ đạt khoảng 30% so với ngày thường. Theo ông Phương, để phản ánh đúng thực tế doanh thu có ảnh hưởng đến phương án tài chính hay không phải tính trung bình trong cả năm, không thể căn cứ vào một vài dịp cao điểm.

Trả lời về việc nhà đầu tư có giấu được doanh thu như dư luận nghi ngờ tại trạm Dầu Giây sau vụ cướp, ông Phương cho biết, hiện dữ liệu thu phí được Tổng cục Đường bộ VN kiểm tra và đều biết được doanh thu, lưu lượng xe.

“Số liệu báo cáo doanh thu hàng tháng phải đúng với thực tế, vé là hóa đơn giá trị gia tăng, khi xuất hóa đơn không báo cáo coi như trốn thuế. Nhà đầu tư đóng thuế VAT là khai báo đầy đủ, không thể báo cáo Tổng cục Đường bộ VN một con số, báo cáo thuế một con số khác. Tổng cục Đường bộ VN và cơ quan thuế đã giám sát doanh thu tất cả các trạm”, ông Phương nói.

Ông Ngô Trí Hồng, Trạm trưởng Trạm thu phí BOT tuyến Hà Nội - Bắc Giang cho biết, năm 2016 khi bắt đầu thu phí, tại trạm cũng đã xảy ra trường hợp bị cướp túi đồ ở cabin, rất may đó chỉ là túi đựng vé nên báo hủy với cơ quan thuế là xong. “Ý thức được nguy cơ sau sự việc ở trạm Dầu Giây, chúng tôi chấp nhận mất chi phí thuê thêm đơn vị dịch vụ, đặt thêm chốt bảo vệ thường trực hai đầu trạm.

Bên cạnh đó, phòng kế toán tại trạm được “gia cố” thêm nhiều camera giám sát. Trạm cũng đã làm việc với cơ quan công an khu vực nhờ phối hợp, tập huấn công tác giữ gìn an ninh”, ông Hồng cho biết.

Thừa nhận doanh thu ngày Tết tại trạm có tăng nhưng ông Hồng không tiết lộ mức tăng cụ thể. “Doanh thu trạm ổn định, minh bạch, không xảy ra thất thoát. Nhà đầu tư không thể và không muốn khai báo doanh thu không trung thực vì nếu có thì danh tiếng và thiệt hại của Tập đoàn Văn Phú (đơn vị chủ quản) sẽ bị mất gấp nhiều lần con số gian lận”, ông Hồng nói.

Ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại trạm được đảm bảo 24/24h theo cách bố trí vòng trong, vòng ngoài. Hệ thống báo động được lắp đầy đủ. Trong trường hợp xảy ra sự cố, hệ thống sẽ báo động tới trung tâm. Công ty phối hợp với lực lượng công an ứng phó ngay khi có sự việc.

“Lực lượng CSGT phối hợp 24/24h tại trạm. Hệ thống đảm bảo an ninh tại trạm tương đối tốt. Công ty dự tính lắp thêm hàng rào dây thép gai quanh nhà điều hành trạm”, ông Oánh cho biết thêm.

Về doanh thu dịp Tết, ông Oánh cho biết, ngày thường lưu lượng xe qua trạm khoảng 50 nghìn xe/ngày đêm, doanh thu đạt xấp xỉ 2 tỷ đồng. Vào cao điểm Tết, lưu lượng tăng khoảng trên 100 nghìn xe/ngày đêm, doanh thu lên đến 3,5 tỷ đồng chưa kể vé tháng, vé quý.

“Với thực tế doanh thu như vậy, đương nhiên phương án tài chính của dự án sẽ thay đổi theo cộng doanh thu thực tế. Sau một năm căn cứ theo doanh thu thực tế sẽ ký lại phụ lục hợp đồng với nhà nước”, ông Oánh cho biết thêm.

Bịt lỗ hổng gian lận thu phí

Theo tìm hiểu của PV, việc theo dõi, kiểm tra doanh thu thu phí của hầu hết các trạm thu phí hiện nay mới chỉ thông qua báo cáo doanh thu thu phí theo tháng, quý, 6 tháng, 1 năm của nhà đầu tư và thanh, kiểm tra hàng năm. Điều này có nghĩa việc xác nhận doanh thu của Tổng cục Đường bộ VN chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện, chưa có số liệu đối chiếu, chỉ dựa trên số liệu báo cáo của nhà đầu tư.

Công nghệ chống thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí hiện nay được xây dựng theo tiêu chuẩn công nghệ thu phí một dừng, sử dụng ấn chỉ mã vạch. Công nghệ này có chức năng lưu trữ, hậu kiểm. Tất cả thông tin về lượt xe, chủng loại, biển số, mệnh giá vé, seri vé đều được lưu trữ dưới dạng file ảnh, file video. Để hỗ trợ việc giám sát, kiểm tra của đơn vị thu phí cũng như các cơ quan Nhà nước, nhân viên giám sát, cán bộ quản lý, cơ quan chức năng có thể tra cứu, kiểm tra, trích xuất các báo cáo tại bất cứ thời điểm nào.

Tất cả các trạm đều xây dựng quy trình tổ chức thu, có bộ phận giám sát, hậu kiểm. Các phòng giám sát hậu kiểm được trang bị màn hình và phần mềm giám sát tại các làn thu phí, cabin thu phí và toàn cảnh. Nhân viên giám sát, hậu kiểm trực 24/24h để phát hiện những sai sót, hỗ trợ nhân viên thu phí tại cabin thu đúng, thu đủ và nhanh gọn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc khối giao thông, Công ty Giải pháp công nghệ FPT, nghi vấn gian lận ở Trạm thu phí Dầu Giây cũng giống vụ việc ở trạm thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Doanh nghiệp có thể can thiệp vào hệ thống thu phí. Hiện nay, công nghệ thu phí mã vạch một dừng của các trạm do nhà đầu tư tự mua từ nhiều nhà cung cấp khác nhau và do nhà đầu tư tự quản lý. Ở đây có thể có lỗ hổng. Trong quá trình duy tu bảo dưỡng, nhà đầu tư có thể “chỉ đạo” đơn vị cung cấp phần mềm can thiệp.

Cũng theo ông Thắng, khi chưa áp dụng được công nghệ kết nối trực tuyến về một đầu mối là Tổng cục Đường bộ VN, việc kiểm tra, giám sát phải làm thường xuyên mới có thể hạn chế được gian dối của doanh nghiệp.

Theo ông Thắng, quy định hiện nay dữ liệu phải lưu trữ tại trạm thu phí 5 năm nhưng cũng do nhà đầu tư quản lý. Tiến tới phải kết nối dữ liệu thu phí trực tuyến về Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN, số thu từng trạm sẽ được công khai, cơ quan quản lý dùng số liệu này để đối sách với nhà đầu tư.

“Muốn công khai minh bạch, cơ quan quản lý phải có dữ liệu để đối soát. Muốn làm được việc này dữ liệu tại các trạm thu phí phải kết nối với cơ quan quản lý nhà nước, số liệu sẽ rõ ràng, hệ thống sẽ cộng dồn số thu theo từng loại xe qua trạm. Việc kết nối này không khó được thực hiện.

Trong quy trình quản lý thu phí hiện nay cần tách bạch rõ ràng giữa hai phần đầu tư hạ tầng và quản lý khai thác, có nghĩa là phải có bên thứ 3 độc lập đứng ra thu phí. Về lâu dài, thu phí không dừng sẽ đáp ứng điều kiện này, đảm bảo công khai minh bạch, thu đúng thu đủ”, ông Thắng đề xuất thêm.

Để làm rõ hơn về công tác quản lý, giám sát doanh thu tại các trạm thu phí hiện nay, ngày 11/2, Báo Giao thông đã gửi câu hỏi đề nghị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN trả lời. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều qua (12/2), Tổng cục Đường bộ VN vẫn chưa có phản hồi.

Quy trình thu phí và giám sát của VEC 

Liên quan đến quy trình thu phí, đại diện VEC cho biết, thời gian làm việc của các nhân viên thu phí chia làm 3 ca/ngày đêm (ca 1 từ 6h30 - 11h30; ca 2 từ 11h30 - 18h30; ca 3 từ 18h30 - 6h30 sáng hôm sau). Đầu ca làm việc, nhân viên thu phí tiếp nhận vé, thẻ điện tử từ bộ phận kế toán vé thẻ và thực hiện thu phí tại trạm theo quy định. Cuối ca, nhân viên thu phí đối chiếu số liệu với nhân viên giám sát, hậu kiểm, thực hiện giao nộp số vé, thẻ còn thừa cho kế toán vé thẻ và thanh toán số tiền thu được trong ca làm việc cho thủ quỹ trạm. Nhân viên thu phí có trách nhiệm bảo quản tiền thu phí trong suốt ca làm việc, thanh toán và bàn giao cho thủ quỹ trạm theo đúng quy định. Thủ quỹ có trách nhiệm quản lý tiền thu phí trước khi bàn giao cho ngân hàng.

“VEC ký hợp đồng hợp tác với các ngân hàng để tổ chức thu tiền thu phí. Những ngày bình thường, ngân hàng trực tiếp đến thu tiền tại các trạm thu phí định kỳ 1 ngày/lần; đối với các ngày lễ, Tết là 2 ngày/lần hoặc theo yêu cầu của VEC”, đại diện VEC thông tin.

Để bảo đảm công tác thu phí chính xác, công khai và minh bạch, ngoài bộ phận hậu kiểm, giám sát nội bộ thu phí của các đơn vị vận hành khai thác các tuyến cao tốc do VEC quản lý (VEC O&M, VEC S, VEC E), Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (VEC M) tổ chức giám sát công tác thu phí. Việc giám sát, hậu kiểm quá trình tổ chức thu phí được VEC thực hiện 24/24h, qua nhiều khâu, nhiều bộ phận tham gia, từ giám sát trực tiếp tại hiện trường, giám sát qua màn hình khổ lớn, đến giám sát qua hệ thống camera và phần mềm giám sát và bố trí bộ phận hậu kiểm rà soát, kiểm tra lại. Hình ảnh các thông tin của máy tính tại cabin thu phí cũng như hình ảnh tại các cabin thu phí đều được truyền trực tiếp về văn phòng giám sát hiện trường của Trung tâm VEC M.

Dữ liệu thu phí định kỳ được sao lưu để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm. Trong đó bao gồm: Các tập tin cơ sở dữ liệu, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 5 năm. Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh được sao lưu dưới dạng tệp dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 1 năm theo đúng quy định hiện hành.

“Công tác tổ chức thu phí, giám sát, hậu kiểm và giám sát hậu kiểm của VEC tuân thủ các quy định hiện hành, phù hợp với từng điều kiện hiện trường tại mỗi dự án đường cao tốc, bảo đảm công khai và minh bạch”, đại diện VEC thông tin và cho biết thêm, Tổng cục Đường bộ VN và các cơ quan bảo vệ pháp luật thường xuyên có các đợt kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác vận hành khai thác, thu phí trên các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư./.

Theo Giaothong.vn