29/03/2024 lúc 17:53 (GMT+7)
Breaking News

Bình Liêu (Quảng Ninh): Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

VNHN – Với lợi thế về phong cảnh miền núi nên thơ, hoang sơ cùng nhiều nét văn hóa truyền thống còn được lưu giữ, Bình Liêu là địa phương có những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra bước đột phá về du lịch – dịch vụ, góp phần đưa nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh lên một tầm cao mới.

VNHN – Với lợi thế về phong cảnh miền núi nên thơ, hoang sơ cùng nhiều nét văn hóa truyền thống còn được lưu giữ, Bình Liêu là địa phương có những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra bước đột phá về du lịch – dịch vụ, góp phần đưa nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh lên một tầm cao mới.

Thế mạnh về hệ sinh thái tự nhiên và bản sắc văn hóa đậm đà

Du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Theo đó, Bình Liêu sẵn sàng phát huy những lợi thế khác biệt sẵn có để tạo điểm nhấn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Bình Liêu có địa hình đồi núi đa dạng với những địa danh như: Bãi đá thần ở dãy núi Cao Ba Lanh gắn liền với truyền thuyết và lịch sử đấu tranh giữ biên cương của nhân dân các dân tộc Bình Liêu. Thác nước Khe Vằn đã được xếp hạng danh thắng cấp tỉnh. Thác nước cao gần 100m, không gian rộng lớn với 3 tầng nước chảy rì rào như bản hùng ca đêm ngày của núi. Thác nước cũng mang theo sắc thái từng mùa. Vào mùa mưa, dòng thác mang nguồn nước dồi dào tuôn chảy xối xả. Mùa khô, thác hiền hòa như khúc ca trữ tình nồng ấm. 

Cảnh sắc hùng vĩ, nên thơ ở Bình Liêu

Quần thể sinh thái Cao Ba Lanh thuộc xã Đồng Văn. Với độ cao 1.050m so với mực nước biển, đứng trên đỉnh Cao Ba Lanh, du khách có thể thu vào tầm mắt một không gian tuyệt đẹp, bao quát cả một vùng biên giới Việt – Trung. Trên đỉnh núi có quần thể đá được gọi là “Bãi đá thần”. Bãi đá có nhiều hòn đá lớn với hình thù dị biệt, được gắn với truyền thuyết rằng ngày xưa, khi quân giặc cướp từ bên kia biên giới tràn sang cướp bóc, người dân gõ vào hòn đá ở bãi đá thần, phát ra tiếng vang lớn làm cho giặc khiếp sợ, hoảng loạn, bỏ chạy. Trong tương lai, Cao Ba Lanh trở thành khu du lịch dành cho những người thích khám phá kết hợp du lịch nghỉ dưỡng bởi ở đây không khí mát mẻ, cảnh đẹp nên thơ.

Quần thể sinh thái Cao Xiêm với độ cao 1.429m, dãy núi Cao Xiêm thuộc địa phận xã Lục Hồn, được mệnh danh là “Nóc nhà của Quảng Ninh”. Với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và thơ mộng, Cao Xiêm là điểm đến lý tưởng của nhiều nhóm du lịch phượt, ưa mạo hiểm. Với điểm cao lý tưởng, quần thể thực vật núi Cao Xiêm rất đa dạng và phong phú, phân hóa theo độ cao, thích hợp cho các đoàn du lịch nghiên cứu, tìm hiểu sinh thái.

Cao Xiêm – nơi gặp gỡ đất trời vùng Đông Bắc Tổ quốc

Ngoài ra, với diện tích hơn 2.616,65ha rừng tự nhiên, nằm trọn trong vùng khí hậu nhiệt đới, hệ sinh thái rừng ở Bình Liêu mang đặc trưng của tiểu vùng sinh thái nhiệt đới và á nhiệt đới. Đặc điểm đó tạo nên quần thể sinh thái độc đáo hiếm có, thay đổi theo 4 mùa rõ rệt trong năm. Khai thác thế mạnh hệ sinh thái rừng gắn liền với tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số để làm du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những thế mạnh đặc trưng của địa phương.

Đặc biệt, huyện Bình Liêu có khoảng 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là 3 dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ). Vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc còn giữ được khá nguyên vẹn đã hình thành cho vùng đất này nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Điều đó thể hiện qua các lễ hội truyền thống như Hội Soóng cọ của người Sán Chay, Hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán, Hội đình Lục Nà của đồng bào các dân tộc Bình Liêu... Các hình thức diễn xướng văn nghệ dân gian như hát then - đàn tính, hát Soóng cọ, hát Sán cố được đồng bào lưu giữ, sử dụng trong sinh hoạt tạo nên đời sống tinh thần vô cùng phong phú.

Hát then – tài nguyên du lịch văn hóa của Bình Liêu

Giải pháp cho phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Với tiềm năng và cơ hội rất lớn song thực tế hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế, nhỏ lẻ, manh mún, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Trước thực trạng đó, từ năm 2014, Huyện ủy, UBND huyện Bình Liêu đã quyết liệt chỉ đạo công tác phát triển du lịch trên địa bàn; triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển Du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện để làm cơ sở phát triển du lịch trong thời gian tới. Đồng thời, huyện chỉ đạo phát triển các sản phẩm nông lâm sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương để phục vụ phát triển du lịch theo Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Đặc biệt, huyện đã quan tâm huy động các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn xã hội hóa để ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc: Bản Văn hóa người Tày ở Đồng Thanh (xã Hoành Mô), bản văn hóa người Sán Chay ở Thánh Thìn (xã Húc Động), bản văn hóa người Dao ở Nà Nhái (Vô Ngại), Sông Moóc (xã Đồng Văn). Tại các địa điểm này sẽ khôi phục và đưa các sinh hoạt cộng đồng như lễ mừng cơm mới, Lễ Lảu then (dân tộc Tày), Lễ cấp sắc, Lễ Phùn Voòng (dân tộc Dao). Đồng thời xây dựng các chương trình hướng dẫn chế biến món ăn, tạo thành hoạt động trải nghiệm ẩm thực... Đây sẽ là những địa chỉ tiêu biểu cho du khách tìm hiểu giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu.

Từ nay đến năm 2022, tỉnh Quảng Ninh dự tính xây dựng 3 mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng gồm: Khu bảo tồn văn hóa người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ); làng văn hóa dân tộc Tày thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu) và điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp xã Tiền An (TX Quảng Yên). Giai đoạn 2023-2025, sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững; dựa trên giá trị văn hóa bản địa vùng miền núi, sinh thái khu vực ven biển; kết hợp du lịch nông nghiệp, làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái...

Với mục tiêu năm 2025 Quảng Ninh đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 triệu lượt khách quốc tế; năm 2030 đón 3 triệu lượt khách nội địa và 1,8 triệu lượt khách quốc tế tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, vì vậy rất cần tăng cường đầu tư, phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng./.