29/03/2024 lúc 16:31 (GMT+7)
Breaking News

Bí thư Hoàng Trung Hải: Phát triển nông nghiệp Thủ đô bền vững, không còn manh mún, nhỏ lẻ

VNHN - Sáng 27/2, tại huyện Chương Mỹ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi gặp gỡ, tiếp xúc với nông dân Thủ đô.

VNHN - Sáng 27/2, tại huyện Chương Mỹ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có buổi gặp gỡ, tiếp xúc với nông dân Thủ đô.

 

Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; cùng đại diện Đảng đoàn HĐND TP, Ban Cán sự Đảng UBND TP, lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan TP, lãnh đạo các Ban của Thành ủy, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND TP, các ban của HĐND TP.
''...Khi đã nhìn ra thị trường thế giới thì chúng ta buộc phải nâng chất lượng sản phẩm lên, không còn sản xuất manh mún'', Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy cùng đoàn công tác của TP Hà Nội đã đến thăm HTX rau sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ghi nhận những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ của mô hình sản xuất rau an toàn tại đây, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị lãnh đạo UBND TP tích cực chỉ đạo, cùng Sở NN&PTNT và huyện Chương Mỹ mở rộng mô hình này và HTX đặc biệt lưu ý: Đầu tư cần xét kỹ nhu cầu thị trường, không thể chỉ cung cấp sản phẩm cho Hà Nội mà cần tính đến xuất khẩu; cần mở rộng quy mô, chấm dứt lối sản xuất thủ công, song song với làm tốt thương hiệu, cũng đồng thời tăng sản lượng, như vậy phát triển mới bền vững.


“HTX hoàn toàn có thể tăng hiệu quả bằng cách tăng quy mô, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng liên kết với DN để đầu tư; lôi kéo bà con ở các vùng xung quanh đến học tập mô hình… Khi đã nhìn ra thị trường thế giới thì chúng ta buộc phải nâng chất lượng sản phẩm lên, không còn sản xuất manh mún”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Dương Thị Hằng cho biết: Năm 2017, với khối lượng công việc nhiều, có những nhiệm vụ mới, khó, các cấp Hội Nông dân TP đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực; phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp hội tiếp tục triển khai sâu, rộng; vận động hơn 277.000 hộ hội viên đăng ký danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Cuối năm bình xét có trên 175.000 hộ đạt danh hiệu (đạt 63% so với số đăng ký). Quỹ Hỗ trợ nông dân TP đã thu hồi 125,495 tỷ đồng vốn đến hạn của trên 11.000 hộ tham gia 292 dự án; chỉ đạo giải ngân giám sát 389 dự án với số tiền 136,367 tỷ đồng cho 8.344 hội viên vay...
Dù vậy, “công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ở một số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Tại một số ít cơ sở, cán bộ Hội chưa chủ động tham mưu với cấp uỷ giải quyết những băn khoăn, bức xúc của nông dân...”, bà Hằng nhận định.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc.
Được gặp Bí thư Thành ủy, đã có 15 ý kiến đại diện cho cán bộ Hội nông dân cơ sở, hội viên nông dân SXKD giỏi tiêu biểu, các HTX, DN nông nghiệp, làng nghề phản ánh những khó khăn trong thực tế sản xuất nông nghiệp (SXNN) hiện nay và kiến nghị lãnh đạo TP, trực tiếp Bí thư Thành ủy hỗ trợ tháo gỡ, chủ yếu xoay quanh: Các cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn, đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện về thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… cho nông dân.
Trong đó, nhiều ý kiến phản ánh, hiện không ít sản phẩm nông nghiệp Thủ đô đã có nhãn hiệu được công nhận song việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Vì vậy, ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì đề nghị TP có cơ chế chính sách cụ thể hỗ trợ tổ hợp tác, HTX trong việc liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của TP đi vào ổn định và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) cho biết: Phúc Thọ là huyện nông nghiệp vành đai xanh được TP quy hoạch từ những năm trước, do đó để phát triển nông nghiệp bền vững, rất mong được TP quan tâm đầu tư trọng điểm cho những giống cây, con có năng suất chất lượng cao; quan tâm về kinh phí đầu tư xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và bảo hộ nông sản để phát triển bền vững, vì thực chất SXNN ở đây vẫn manh mún, nhỏ lẻ.
“TP cần quan tâm hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm truyền thống duy trì nhiều năm nay, hỗ trợ sản xuất và xây dựng tem nhãn hiệu để người tiêu dùng có lòng tin với người sản xuất. Đồng thời, TP cũng cần chỉ đạo các cơ quan thường xuyên tư vấn cho nông dân đăng ký xây dựng nhãn hiệu bảo hộ sản phẩm, bởi nhiều người vẫn chưa hiểu rõ việc này”, ông Hiền đề nghị.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác của TP Hà Nội thăm HTX rau sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ).
Đề cập đến những khó khăn trong SXNN theo chuỗi, bà Hoàng Thị Hậu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) đề xuất TP có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đẩy mạnh thông tin, quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ; có một chính sách rõ ràng cho sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi… “Người nông dân “làm thật” không có niềm tin thì sẽ bỏ cuộc, không cố gắng vượt qua khó khăn. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo TP quan tâm đồng bộ, quyết liệt với sản phẩm nông nghiệp, giúp TP có những sản phẩm thực sự an toàn cung cấp cho thị trường”, bà Hằng nhấn mạnh.
Đến từ huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Đức Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Trúc lại đề xuất TP quan tâm hơn tới các chính sách đầu tư về giao thông thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật cho SXNN và đẩy mạnh dồn đền đổi thửa, tạo sản phẩm nông nghiệp giá trị cao; hỗ trợ nông dân mua máy móc tiến tới cơ giới hóa toàn bộ SXNN. Đồng thời, cần phê duyệt thủ tục nhanh gọn, kịp thời cho các dự án; tạo điều kiện liên doanh liên kết phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư… Muốn vậy, “rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cần là trọng tài giữa người thuê đất và người cho thuê đất”, ông Lâm nêu rõ.
Đại diện cho các hội viên SXKD giỏi, ông Trần Văn Bảy - Hội viên trồng rau hữu cơ xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng) đề nghị TP quan tâm đầu tư các cơ sở nghiên cứu vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao; các nhà khoa học đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu cho SXNN. TP cũng cần tạo điều kiện cho nông dân tích cực chuyển đổi SXKD, chủ động hội nhập; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cho tiêu thụ nông sản đảm bảo kịp thời, ổn định; thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, tránh để bà con “được mùa mất giá, được giá lại mất mùa”.
Bên cạnh đó, tại hội nghị, nhiều ý kiến khác cũng đề nghị lãnh đạo TP chỉ đạo các sở, ngành chức năng tạo điều kiện về vốn tái sản xuất, bỏ bớt “giấy phép con” cho các HTX, DN SXNN làm thủ tục cấp sổ đỏ cũng như GCN bảo vệ môi trường để tạo điều kiện trong các dự án; tạo điều kiện cho sản phẩm của nông dân đến với người tiêu dùng có giá cả hợp lý; có biện pháp quản lý chặt khâu nhập khẩu, giết mổ, tiêu thụ gia cầm; sớm triển khai tạo nước sạch cho SXNN; nâng mức cho vay để các hộ SXNN ứng dụng tiến bộ KHKT... Ông Đào Văn Dũng - Phó Giám đốc HTX Việt Doanh chuyên trồng ổi xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) đề nghị lãnh đạo TP cho nông dân được vay vốn bằng cách thế chấp các trang trại đang hoạt động hiệu quả, nhằm mở rộng quy mô sản xuất.
Sản xuất theo chuỗi, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng

Giải đáp các ý kiến tại buổi tiếp xúc, lãnh đạo các sở NN&PTNT, TN&MT, Công Thương đã phân tích nguyên nhân khiến nông sản Hà Nội khó tiêu thụ tại thị trường Thủ đô; giải đáp kiến nghị về điều kiện, thủ tục vay vốn, xử lý ô nhiễm nguồn nước; tích tụ ruộng đất; xây dựng thương hiệu... Trong đó, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan đề xuất Hội Nông dân và Sở NN&PTNT phối hợp cung cấp danh sách sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn an toàn để có kết nối bài bản, đưa vào kênh phân phối hiện đại.

Ghi nhận kết quả đáng khích lệ của mô hình sản xuất rau sạch tại HTX Chúc Sơn, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị lãnh đạo UBND TP tích cực chỉ đạo, cùng Sở NN&PTNT và huyện Chương Mỹ mở rộng mô hình; HTX đặc biệt lưu ý xét kỹ nhu cầu thị trường, không chỉ cung cấp sản phẩm cho Hà Nội mà cần tính đến xuất khẩu, làm tốt thương hiệu, mới phát triển bền vững. “Khi đã nhìn ra thị trường thế giới, chúng ta buộc phải nâng chất lượng sản phẩm, không còn sản xuất manh mún” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy đề nghị UBND TP tiếp thu ý kiến của nông dân và có văn bản trả lời cụ thể, chỉ đạo sở, ngành giải quyết có trách nhiệm cao. Thay mặt Thành ủy biểu dương đóng góp tích cực của bà con, hội nông dân, cấp ủy, chính quyền các cấp, Bí thư Thành ủy nhận định: Hạn chế lớn nhất của SXNN Thủ đô vẫn là sản xuất còn nhỏ lẻ, nên chưa đạt quy mô kinh tế, giảm giá thành, mở rộng thị trường. “Bản thân nhu cầu sản phẩm nông nghiệp TP còn rất lớn, trong khi TP có hơn 400 chợ, 100 siêu thị, nên hoàn toàn tiêu thụ được sản phẩm của chính bà con mình, với điều kiện đạt chất lượng, truy xuất được nguồn gốc” - đồng chí nói và đề nghị tăng cường quy mô SXNN, bởi nhiều mô hình dù đã thành công, tăng thu nhập nhưng vẫn “nằm im” ở diện tích, sản lượng hàng năm. 

Nhiệm vụ tới đây, Bí thư Thành ủy đề nghị HĐND tăng cường giám sát, xem chính sách nào đã vào cuộc sống, chính sách nào cần điều chỉnh, có chính sách rồi nhưng thủ tục lằng nhằng… Từ UBND TP đến quận, huyện cần chủ động rà soát, riêng về kiến nghị liên quan đến thủ tục cấp GCN bảo đảm môi trường và sổ đỏ, Sở TN&MT cần nhanh chóng cho đoàn đến kiểm tra./.

Theo Kinh Tế Đô Thị