29/03/2024 lúc 08:56 (GMT+7)
Breaking News

Bị cáo Hoàng Công Lương xin im lặng tại tòa

VNHN - Hoàng Công Lương từ chối trả lời câu hỏi của VKS, cho hay đã xin tòa cho "giữ quyền im lặng".

VNHN - Hoàng Công Lương từ chối trả lời câu hỏi của VKS, cho hay đã xin tòa cho "giữ quyền im lặng".

Sáng 16/1, sau khi xét hỏi ba bị cáo cùng một điều dưỡng viên liên quan tới sự cố chạy thận 9 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, VKS gọi cựu bác sĩ Hoàng Công Lương (33 tuổi) lên bục khai báo.

Tuy nhiên, Lương trình bày hôm nay đã làm đơn xin HĐXX cho giữ quyền im lặng trực tiếp tại tòa với lý do "không đủ sức khỏe trả lời câu hỏi". Hơn nữa, bị cáo sẽ thực hiện quyền im lặng đặc biệt với những câu hỏi không liên quan chuyên môn của mình. Lương nói muốn giữ nguyên lời khai vào chiều 15/1 cũng như những điều đã trình bày ở phiên tòa sơ thẩm lần 1 mở giữa năm 2018.

Trước quan điểm này, công tố cho hay bị cáo có quyền im lặng nhưng lời khai của Lương tại tòa không phải căn cứ duy nhất để HĐXX định tội mà còn xem xét các chứng cứ, lời khai khác trong hồ sơ vụ án.

Lương sau đó chậm chạp nói mệt, xin được ngồi khi tham dự phiên tòa, khi nào đủ sức khỏe sẽ trả lời tiếp.

Hoàng Công Lương tại tòa án trong sáng 16/1. Ảnh: Phạm Dự

VKS cáo buộc, Lương thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 nên biết cụ thể thời gian. Lương phải biết nước sử dụng trong lọc máu đã đảm bảo chất lượng sau sửa chữa, bảo dưỡng thì mới được ra y lệnh lọc thận. Tuy nhiên, ngày 29/5/2017, khi chỉ nghe điều dưỡng viên nói hệ thống đã sửa chữa xong, Lương đã ký xác nhận vào y lệnh để lọc máu cho 18 bệnh nhân. Ca chạy thận hôm đó xảy ra sự cố khiến 9 người tử vong. Do vậy, anh ta phải chịu trách nhiệm chuyên môn.

Chiều qua, khi trả lời thẩm vấn, Lương khẳng định không phạm tội Vô ý làm chết người như cáo trạng truy tố. Theo quy chế của bệnh viện chất lượng nước thuộc trách nhiệm của trưởng Khoa Lọc máy vì thế bị cáo không có trách nhiệm phải biết quy trình sửa chữa là thế nào.

Giữ im lặng trước cơ quan tố tụng là một quyền được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, từng được cựu hoa hậu Phương Nga áp dụng khi bị xét xử trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở TP HCM.

Bị cáo Sơn bất ngờ với lời khai của Hoàng Công Lương

Cũng trong sáng nay, VKS thẩm vấn bị cáo Trần Văn Sơn - cựu kỹ thuật viên của Phòng Vật tư, Bệnh viện tỉnh Hòa Bình. Theo hồ sơ vụ án, trong lần sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước tên RO2 phục vụ việc chạy thận ở Khoa Hồi sức tích cực, Sơn được bị cáo Trần Văn Thắng (cựu trưởng Phòng Vật tư) giao nhiệm vụ tiếp và giám sát Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh) khi ngày 28/5/2017 đến sửa máy.

Tuy nhiên, Sơn chỉ mở cửa, đối chiếu danh mục báo giá với Quốc xong rồi bỏ đi. Sáng hôm sau, Sơn quay lại định cùng Quốc lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm thì hệ thống lọc nước đã được sử dụng. Và hôm đó, sự cố đã xảy ra.

Bị cáo Sơn trong chiều 15/1. Ảnh: Phạm Dự

Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người tử vong. Nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo. Vụ án sau đó được đưa ra xét xử ba lần trong vòng 6 tháng song đều bị hoãn.

Hoàng Công Lương (bác sĩ), Bùi Mạnh Quốc sau đó bị xét xử về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.

Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư) cùng Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 12 năm tù.