29/03/2024 lúc 16:43 (GMT+7)
Breaking News

Bếp lửa trong đời sống của đồng bào ở Cao Bằng

Đối với mỗi gia đình, bếp lửa luôn gắn bó, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Bếp lửa không chỉ đơn thuần là nơi dùng để nấu ăn, sưởi ấm khi mùa đông lạnh, xua đuổi thú dữ..., bếp lửa còn là biểu trưng của sự đoàn tụ, gắn kết. Ở Cao Bằng, trong những ngôi nhà của nhiều gia đình người dân tộc thiểu số, bếp lửa được đặt ở vị trí quan trọng, được thờ cúng như một vị thần và có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống sinh hoạt.

Đối với mỗi gia đình, bếp lửa luôn gắn bó, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Bếp lửa không chỉ đơn thuần là nơi dùng để nấu ăn, sưởi ấm khi mùa đông lạnh, xua đuổi thú dữ..., bếp lửa còn là biểu trưng của sự đoàn tụ, gắn kết. Ở Cao Bằng, trong những ngôi nhà của nhiều gia đình người dân tộc thiểu số, bếp lửa được đặt ở vị trí quan trọng, được thờ cúng như một vị thần và có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống sinh hoạt.

Bếp lửa trong đời sống của người dân tộc Lô Lô đen, xã Kim Cúc (Bảo Lạc).

Với người Cao Bằng, trong mỗi căn nhà, bếp lửa luôn là “linh hồn” không thể thiếu và có ý nghĩa rất quan trọng. Khi một gia đình trong làng làm xong nhà mới muốn dọn vào ở thì việc đầu tiên phải tổ chức nghi lễ làm bếp và nhóm lửa. Việc làm bếp khá công phu, đòi hỏi tính mỹ thuật và sự linh thiêng, bếp thường được làm theo hình vuông ở chính giữa gian nhà, độ lớn nhỏ luôn tỷ lệ thuận với kích thước ngôi nhà, nền bếp phải thấp hơn sàn nhà khoảng 5 - 7 cm và được đắp bằng đất sét lấy ở những chỗ sạch nhất (thường là đất ở các tổ mối), xung quanh bếp phải dùng gỗ tốt kê chắc chắn. Khi bếp khô, người ta dùng 3 hòn đá được chọn từ núi hoặc có thể dùng kiềng 3 chân kê làm chỗ nấu ăn.

Nghi lễ cúng thần bếp hay thần lửa cũng rất cầu kỳ. Theo phong tục truyền thống, khi ngôi nhà mới làm xong, việc đầu tiên là rước thần lửa về nhà. Đồng bào quan niệm rằng: Lửa được sinh ra từ đá nên trước khi về nhà mới phải mời thầy mo lên núi cao chọn một hòn đá ở nơi con người chưa từng giẫm chân vào. Sau khi chọn được hòn đá ưng ý thì mang về đặt ngay bên cạnh bếp để làm lễ cúng thần. Sau khi thầy mo làm lễ, hòn đá thiêng này được đặt ở chính giữa bếp lửa với ngụ ý là nơi trú ngụ của vị thần bếp lửa trong nhà.

Người dân quan niệm rằng vị thần sẽ giữ cho ngọn lửa không bao giờ tắt và mang lại may mắn, hạnh phúc cho gia đình. Ngọn lửa ở bếp sẽ được giữ cháy liên tục 1 ngày 1 đêm, nhiều nhà giữ lửa 3 ngày 3 đêm với ước nguyện hơi ấm của bếp sẽ xua đuổi tà ma, thú dữ, mọi điều xui xẻo. Ngoài ra, bếp lửa còn là biểu tượng cho sự đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cha con, anh em, vợ chồng để gia đình đầm ấm, yên vui, làm ăn phát đạt…

Mặc dù ngày nay, dưới sự phát triển của xã hội, những phong tục cũ đã dần thay thế, hòn đá thiêng được nhiều nhà thay bằng một ống tre, vỏ lon để có thể dễ dàng cho việc thắp hương cúng thần bếp lửa vào ngày rằm, mùng một hằng tháng hoặc những ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, phong tục thờ cúng thần bếp vẫn được lưu giữ.

Theo phong tục truyền thống, việc chăm sóc bếp lửa chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, đối với người Cao Bằng, bếp không chỉ là nơi nấu ăn mà còn thể hiện đức hạnh của người phụ nữ. Vào mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của phụ nữ sau khi thức dậy là nhóm lửa đun nước cho cả gia đình rửa mặt. Những ngày đầu năm mới, ngày lễ, Tết, việc thắp lửa cũng thể hiện sự biết ơn thần bếp, lòng thành kính đối với tổ tiên. Không gian bếp cũng là nơi đoàn tụ những thành viên trong gia đình.

Người dân rất kiêng kỵ việc bước chân qua bếp, nhổ nước bọt vào than, tro và dùng cọc chuồng trâu, chuồng lợn để đun, nấu, vì những việc làm đó là những hành vi xúc phạm thần linh và khiến cho thần bếp nổi giận. Người phụ nữ khi đun nấu không được ngồi ở vị trí cửa bếp (miệng của chiếc kiềng ba chân) mà phải ngồi lệch sang bên cạnh, khi ngồi phải khép chân, bó gối. Khi phụ nữ sinh nở, người nhà phải nhóm một bếp lửa ngay cạnh giường, không được dùng bếp lửa chính của gia đình để sưởi ấm. Đặc biệt, người ngoài hoặc khách lạ không được tự ý nhóm lửa khi chưa được chủ nhà cho phép.

Ngày nay, dù cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi nhưng phong tục, tập quán, tập tục thờ thần bếp vẫn được duy trì, tạo nét đẹp văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách mỗi dịp đến tham quan. Bếp lửa trong tâm thức của người dân nơi đây không chỉ là vị thần cai quản cuộc sống của gia đình mà còn là biểu trưng cho sức mạnh của con người, là nơi gắn kết các thế hệ trong gia đình.