20/04/2024 lúc 15:35 (GMT+7)
Breaking News

Bệnh sùng bái danh hiệu phải trị từ gốc

LTS: Những ngày qua, việc xuất hiện hàng loạt danh hiệu như: “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam”…, một lần nữa khiến dư luận ngỡ ngàng.

LTS: Những ngày qua, việc xuất hiện hàng loạt danh hiệu như: “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam”…, một lần nữa khiến dư luận ngỡ ngàng.  

Theo TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, đây không chỉ là minh chứng cho căn bệnh “cuồng” và “loạn” danh hiệu ngày càng nặng, mà còn đặt ra những câu hỏi về việc tùy tiện gắn danh hiệu với danh xưng quốc gia. VNHN trân trọng giới thiệu bài viết của ông.

Đánh đồng danh hiệu là thương hiệu

Thực tế không phải đến bây giờ, mà từ khá lâu rồi, nhiều học giả đã phê phán về thói háo danh của rất nhiều người Việt chúng ta. Đủ để thấy, đây không phải là vấn đề mới, mà dường như là một tính cách khá phổ biến của người Việt trong lịch sử cũng như hiện nay. Theo tôi, điều đó đáng để chúng ta xem xét khi nó có thể đúng với hầu hết các nhóm người Việt, bất kể sang hèn hay nghề nghiệp khác nhau.

Có thể cách thức thể hiện điều này đa dạng, khác nhau mà thôi!

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, giá trị thương hiệu nhiều khi quan trọng hơn cả chất lượng thực tế. Điều đó có thể thấy rõ trên các chương trình quảng cáo, trên truyền thông. Từ chuyện về kinh tế chuyển hóa trở thành những câu chuyện của đời sống thật và nó không chỉ áp dụng đối với hàng hóa mà còn là câu chuyện cá nhân. Cá nhân nhiều người cũng cần thương hiệu giống như thương hiệu của hàng hóa bất chấp có thật hay không, nhằm phục vụ lợi ích bản thân. Đấy là một trong những lý do căn bản tại sao người ta theo đuổi các danh hiệu như thế.

Song “y phục xứng kỳ đức”, chúng ta cần phải xứng đáng với những danh hiệu mà mình có, nếu không, xã hội sẽ có những rối loạn nhất định. Những rối loạn có thể thấy rõ bởi những người được đặt vào những vị trí không đúng trình độ và chuyên môn của họ. Hệ lụy của hiện tượng này không chỉ làm ảnh hưởng xấu đến công việc chung, mà hơn thế, họ làm cho những người có năng lực, nhưng có thể vì lý do này hay lý do kia, không có được những bằng cấp, danh hiệu nên không được đặt vào đúng vị trí xứng đáng, cảm thấy hụt hẫng, mất ý chí phấn đấu. Căn bệnh “sính danh” này lại nguy hại hơn khi người dân không thể phân biệt thật giả trong bằng cấp, danh hiệu, trong vị trí và trong công việc.

Trong xã hội của chúng ta có nhiều điều thật giả lẫn lộn, không biết tin vào đâu nên nhiều người đã đánh đồng danh hiệu là thương hiệu. Họ mải miết săn kiếm bằng cấp, giấy chứng nhận hay những gì tạo thành thương hiệu cho cá nhân, để chứng minh cho phẩm chất, chất lượng của con người nào đó mà trong bối cảnh hôm nay, việc kiểm định chất lượng khó khăn.

Gìn giữ thương hiệu quốc gia là gìn giữ văn hóa

Tại thời điểm này, cần rà soát, chấn chỉnh việc trao tặng danh hiệu, việc vinh danh sao cho những người được tặng xứng đáng là tấm gương để mọi người hướng đến. Nếu không tìm nguyên nhân cơ bản thì sẽ không thể giải quyết được tận gốc vấn đề thương hiệu. Bởi lẽ, nếu xóa bỏ danh hiệu này thì sẽ rất sớm xuất hiện danh hiệu khác, không hôm nay thì ngày mai.

Trong bối cảnh xã hội, mặt bằng dân trí hiện nay, cần phải siết chặt quản lý, không nên để “trăm hoa đua nở” danh hiệu như vừa qua. Tuy nhiên, đối với quản lý văn hóa, vẫn nên theo hướng hậu kiểm. Áp quá nhiều nguyên tắc hoặc khuôn mẫu dễ vô tình dẫn tới việc ngăn cản sự phát triển tự do sáng tạo của xã hội. Cần nâng cao nhận thức xã hội trong việc nhận diện thương hiệu, danh hiệu. Từ nhận thức đúng về các thương hiệu, danh hiệu gắn với nỗ lực của bản thân phải thực chất thì mới giảm bớt được việc tôn vinh nhầm, sai trong xã hội.

Trong mỗi giai đoạn cụ thể, có thể kiểm soát chặt hơn việc tôn vinh, để không tràn lan. Giải pháp truyền thông cũng đóng vai trò tích cực đối với nhận thức xã hội. Cần có việc nêu gương danh hiệu tốt nhưng cũng phải phê phán những việc, những danh hiệu chưa phù hợp để nâng cao nhận thức xã hội, đồng thời định hướng để những người tổ chức cũng như tham gia tôn vinh, xét tặng… không trượt dài vào các sai lầm.

Cùng đó, với mỗi công việc cụ thể, các tổ chức, đơn vị cũng hạn chế lồng danh hiệu vào công việc. Ví dụ như, đối với văn bản không cần phải ghi học hàm, học vị, hay ghi danh hiệu NSND, NSƯT chẳng hạn thì không cần thiết phải đưa những danh xưng đó đi kèm với tên của người phát biểu hay ký văn bản. Chúng ta đặt đúng vị trí của danh hiệu thì dần dần người dân sẽ hiểu và không cần mải miết trang bị cho mình các danh hiệu.

Ngôn ngữ có sự phức tạp mà không phải lúc nào cũng đưa ra các chế tài được mà phải bắt nguồn, đúc kết từ hiện thực cuộc sống để đưa ra các quy định phù hợp. Từ những vụ việc vừa qua như: “Lon Việt Nam”, hay “Ăn cả Việt Nam”… cũng đặt ra câu chuyện về việc sử dụng, quản lý như thế nào đối với các biểu tượng, thương hiệu, xưng danh mang tính quốc gia. Cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng, thấu đáo hơn, có quy định cụ thể hơn, thay vì việc tùy tiện sử dụng như thời gian qua. Việc gìn giữ thương hiệu quốc gia, biểu tượng linh thiêng của đất nước… cũng là gìn giữ văn hóa.

Ngôn ngữ rất phức tạp, việc sử dụng còn phức tạp hơn, bởi nó phụ thuộc vào bối cảnh, phụ thuộc vào người đọc. Tuy nhiên, qua những câu chuyện chúng ta đã trải nghiệm, thì thấy rằng cần phải suy nghĩ nhiều hơn tới giải pháp gìn giữ các biểu tượng, danh hiệu thiêng liêng của đất nước, thương hiệu quốc gia. Đây không phải là thứ để có thể mua bán, giễu cợt, dè bỉu hay để cho người khác xúc phạm.

Không để các danh hiệu tự phong lộng hành

Ngày 10-7, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VH-TT-DL Nguyễn Thái Bình khẳng định, không có danh xưng nào là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, đồng thời bày tỏ quan điểm cần rà soát, siết chặt quản lý và kịp thời xử lý những sai phạm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng các danh hiệu tự phong một cách tùy tiện, gây bức xúc trong dư luận.

Hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn đã yêu cầu phòng chức năng phối hợp với một số địa phương rà soát lại việc cấp phép tổ chức các hoạt động liên quan. Bộ VH-TT-DL không ủng hộ, không cấp phép và đề nghị các địa phương, các cơ quan quản lý cùng các tổ chức rà soát chặt chẽ, kịp thời xử lý các sai phạm, không để tiếp tục xảy ra những vụ việc, danh xưng tự phong tùy tiện.

Người phát ngôn Bộ VH-TT-DL khẳng định: “Tổ chức và thưởng thức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu là một nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức với các nội hàm cũng như quy trình, danh hiệu trao tặng trong các cuộc thi đều phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật, tránh để xảy ra các trường hợp gây phản cảm trong dư luận xã hội”.

MAI AN

TS BÙI HOÀI SƠN - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa