29/03/2024 lúc 14:56 (GMT+7)
Breaking News

Bến Tre: Triển khai nhanh giải pháp rửa phèn phục hồi ngành nông nghiệp

VNHN - Sau đợt hạn hán xâm ngập mặn kéo dài đã gây hậu quả nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp và đời sống nhân dân tỉnh Bến Tre. Lãnh đạo của tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo triển khai các kịch bản khôi phục đất trồng trọt và phục hồi ngành nông nghiệp.

VNHN - Vừa qua, sau đợt hạn hán xâm ngập mặn kéo dài đã gây hậu quả nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp và đời sống nhân dân tỉnh Bến Tre. Lãnh đạo của tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo triển khai các kịch bản khôi phục đất trồng trọt và ngành nông nghiệp.

Phục hồi vườn cây ăn trái sau hạn mặn ở Bến Tre. (Ảnh: K.V)

Cụ thể, theo tính toán của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, ước thiệt hại ban đầu trên lĩnh vực trồng trọt khoảng 1.448 tỷ đồng, trong đó, cây lúa 5.287 ha, thiệt hại 18 tỷ đồng, rau màu 168 ha, thiệt hại 22 tỷ đồng, cây ăn trái 28 nghìn ha bị ảnh hưởng, thiệt hại 1.250 tỷ đồng,… Cùng với đó là khoảng 87 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng đời sống do thiếu nước ngọt sinh hoạt nghiêm trọng.

Trước đó, nhằm tìm kiếm giải pháp cho cây trồng sống chung bền vững với hạn mặn và biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức hội thảo “Giải pháp khắc phục thiệt hại cho cây trồng trước - trong và sau hạn mặn năm 2020”. Sự kiện đề ra nhiều giải pháp tối ưu khắc phục thiệt hại trên cây trồng và cải tạo đất nông nghiệp.

Tỉnh đã tổ chức hội thảo về những giải pháp khắc phục thiệt hại sau hạn mặn. (Nguồn: Internet)

Ông Lao Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân Bến Tre cho biết: “Một số diện tích cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm tại 2 huyện Châu Thành, Chợ Lách bị thiệt hại nặng, năng suất và chất lượng các loại nông sản đều bị giảm... Ước giá trị thiệt hại trên lĩnh vực trồng trọt mà nông dân phải gánh chịu đến nay hơn 1.200 tỷ đồng”.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân tỉnh Bến Tre nên áp dụng 3 cách sau để phục hồi cải tạo lại đất nhiễm mặn. Thứ nhất là giải độc cho đất với các biện pháp kỹ thuật như xới đất cho tơi xốp, bón vôi, rửa phèn. Thứ hai, xác định các vườn cây ăn trái không còn khả năng hồi phục sau mặn thì nhanh chóng chuyển đổi sang loại cây trồng khác ít nhạy cảm với mặn, có sức chống chịu tốt hơn. Thứ ba, đối với các vườn có cây còn khả năng hồi phục trong 1 năm thì tập trung chăm sóc với các biện pháp tổng hợp, vừa giải độc mặn cho đất vừa chăm sóc phục hồi.

Nông dân Bến tre áp dụng qui trình chăm sóc nông nghiệp hữu cơ. (Ảnh: Văn Việt)

Khuyến nông tỉnh Bến Tre khuyến cáo, khi có đủ lượng nước thì người dân nên khai thông nước trong mương vườn để tưới nước ngọt lên mặt liếp, rửa phèn mặn tích cực, xới đất tạo thông thoáng cho rễ cây.

Hiện nay, tình hình hạn mặn ngày càng diễn biến phức tạp, nước ngọt ngày càng ít đi và biến đổi khí hậu khó lường. Do đó, các địa phương của tỉnh Bến Tre cần có giải pháp thích ứng tốt, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp hơn. Đặc biệt, tỉnh cũng cần có sự trợ giúp của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, để nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng.

Tỉnh Bến Tre đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cho chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, nông dân bị ảnh hưởng hạn mặn, đồng thời có cơ chế ưu đãi về vốn vay, ưu đãi lãi suất, thuế nhằm giúp tỉnh Bến Tre nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khắc phục tốt hậu quả hạn mặn hướng đến phát triển bền vững./.