29/03/2024 lúc 19:06 (GMT+7)
Breaking News

TTƯT.PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng: Mãi là người bạn của báo chí

VNHN - Nhắc đến Anh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một vị thầy thuốc tâm huyết, nhiệt thành của ngành y tế, một “Ông Bụt” giữa đời thường của biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Nhưng anh đồng thời cũng là một người bạn, người anh em chí tình, chí nghĩa, cởi mở và hết sức gần gũi của những người làm báo. Hướng đến dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), tôi có cuộc trò chuyện cùng Anh - PGS.TS.TTƯT Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai để h

VNHN - Nhắc đến Anh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một vị thầy thuốc tâm huyết, nhiệt thành của ngành y tế, một “Ông Bụt” giữa đời thường của biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Nhưng anh đồng thời cũng là một người bạn, người anh em chí tình, chí nghĩa, cởi mở và hết sức gần gũi của những người làm báo. Hướng đến dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020), tôi có cuộc trò chuyện cùng Anh - PGS.TS.TTƯT Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai để hiểu thêm về những đóng góp của anh trong việc xây dựng, gắn kết mối quan hệ khăng khít giữa báo chí và ngành y tế.

PV: Chào Anh, cám ơn anh đã nhận lời tham gia trao đổi cùng chúng tôi. Hiện nay, giữa thầy thuốc và các nhà báo, phóng viên còn tồn tại những khoảng cách  trong việc tiếp xúc, cộng tác. Theo anh, điều này là do đâu ?

PGS.TS.TTƯT Nguyễn Tiến Dũng: Như các bạn đã biết, hiện nay, báo chí có rất nhiều loại hình, ấn phẩm như báo in, báo mạng, truyền hình, phát thanh…Với bất cứ loại hình báo chí nào khi viết bài về lĩnh vực y tế, tôi nhận thấy một điều rằng, chính những bài báo này, đoạn truyền hình này đã đưa đến cho công chúng một cách chân thực nhất những thông tin về các hoạt động chuyên môn, bệnh tật cũng như các kiến thức về sức khỏe để bạn đọc và nhân dân có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình. Từ nhận thức ấy, những người làm nghề y như chúng tôi luôn xây dựng được một mối quan hệ tốt với nhà báo, và họ cũng luôn quý mến chúng tôi. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ những thầy thuốc, bác sỹ còn tồn tại suy nghĩ, thành kiến về việc tiếp xúc với giới báo chí. Khi tôi quan sát và tâm sự cùng một số bác sỹ, họ luôn cho rằng nhà báo mỗi khi tìm đến gặp mình là đều nhằm mục đích bới móc thông tin để tìm kiếm sai phạm, viết bài tiêu cực phản ánh đến người dân. Nhưng hoàn toàn không phải thế ! Tôi tìm hiểu và nhận ra rằng, các bác sỹ càng ngại tiếp xúc với báo chí ít bao nhiêu, thì nhà báo càng không tiếp cận được những thông tin tốt, tích cực để viết bài lan tỏa. Và thế là, nỗi lo lắng bị khai thác, moi móc thông tin xấu cứ làm người thầy thuốc càng lảng tránh việc gặp gỡ nhà báo và những thông tin tốt thì không có điều kiện để lan tỏa cho người dân biết. Khi tôi có dịp đi dạy, giảng bài cho một số lớp bác sỹ tuyến dưới, tôi có dịp lắng nghe những phản hồi trên của nhiều bác sỹ. Nhưng các bạn phải đọc, và cảm nhận rằng, hàng ngày trong rất nhiều tin bài liên quan đến lĩnh vực y tế, họa hoằn lắm trong hàng trăm tin bài thì mới có 1, 2 tin bài là về những vấn đề tiêu cực. Điều đó để thấy rằng, báo chí đóng góp cho ngành y tế rất nhiều. Từ những bài báo, tin bài chân thực ấy, người dân mới có thể biết được những triệu chứng, tình trạng bệnh của mình để có thể đến bệnh viện, những cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán sớm nhằm điều trị bệnh một cách hiệu quả nhất. Bởi vậy cho nên, theo tôi, mọi người, nhất là các bác sỹ cần phải thay đổi quan niệm, suy nghĩ của mình, đừng theo tâm lý là nhớ cái xấu nhiều hơn cái tốt, để cởi mở và đến gần hơn với các nhà báo.

    

    PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng trả lời phỏng vấn phóng viên Đài Truyền hình Quốc phòng trong một chương trình giáo dục sức khỏe cho cộng đồng, tháng 12.2019

PV: Được biết, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng là người đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng mối quan hệ gần gũi giữa ngành y với báo chí. Mong anh có thể cho chúng tôi biết thêm về điều này ?

PGS.TS.TTƯT Nguyễn Tiến Dũng: Luôn dành nhiều tình cảm với báo chí nước nhà, tôi đã từng có nhiều dịp được mời giảng dạy khóa học về giao tiếp giữa thầy thuốc, cán bộ quản lý với báo chí. Trong đó, tôi nhớ mãi về buổi dạy về nghệ thuật tiếp xúc với giới báo chí, truyền thông tại Sở Y tế Yên Bái. Giữa buổi học, tôi đã dẫn một nhà báo lên để nói chuyện, trao đổi trực tiếp trước mọi người để chứng minh rằng, giao tiếp với báo chí hoàn toàn rất thân thiện, dễ chịu và không khó khăn như mọi người vẫn nghĩ. Sau đó, tôi còn được các Trung tâm mời tham gia giảng dạy nhiều buổi nữa cho các lớp quản lý về khía cạnh tiếp xúc với giới báo chí truyền thông. Tôi còn nhớ dịp kỷ niệm 105 năm ngày thành lập Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, khi được mời đến dự lễ kỷ niệm và nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội trao tặng về thành tích đóng góp cho ngành y tế thủ đô. Giữa lúc nghỉ giải lao, Giám đốc bệnh viện tâm sự với tôi rằng: Thưa Thầy, em còn nhớ ngày em còn là Phó giám đốc bệnh viện được tham dự buổi chia sẻ kinh nghiệm của Thầy với lớp giành cho cán bộ quản lý các bệnh viện tại bệnh viện Bạch mai về nghệ thuật giao tiếp ứng xử với giới báo chí, truyền thông và từ đó đến nay em cứ thế áp dụng những điều Thầy truyền đạt, giờ đây báo cáo với Thầy rằng em tự tin và có thể chuyện trò, tiếp xúc, trao đổi trên tinh thần hợp tác một cách thân thiện cởi mở với các phóng viên, nhà báo. Giờ đây, nói với bạn điều đó, tôi rất vui vì phần nào đã góp sức mình lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm giúp cho những cán bộ lãnh đạo, y bác sỹ thầy thuốc từ chỗ ngại tiếp xúc với báo chí, thì nay họ đã cởi mở hơn. Khi thầy thuốc cộng tác tốt, có mối quan hệ gắn kết, khăng khít với báo chí, thì người dân được hưởng lợi. Bởi khi đó, những thông tin chuẩn mực về kiến thức sức khỏe sẽ tiếp cận đến người dân một cách nhanh chóng và chính xác nhất, mang lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

PV: Với riêng Anh và khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trước đây hẳn đã có nhiều câu chuyện, kỷ niệm đáng nhớ gắn với báo chí, anh có thể chia sẻ thêm ?

PGS.TS.TTƯT Nguyễn Tiến Dũng: Cám ơn bạn vì câu hỏi trên, thâm tâm tôi có lẽ không thể nào quên được năm 2014, khi mà đợt dịch sởi bùng lên ở Hà Nội. Ngày đó, nếu không có anh em báo chí sát cánh đồng hành, chắc tôi cũng không thể trụ nổi trước những sức ép. Năm ấy khoa tôi là một khoa bệnh sởi với rất nhiều cháu bé nhập viện điều trị. Tôi còn nhớ rõ, không một ngày nào là không có PV của các đài TH, các báo túc trực ở khoa. Đều đặn cứ 2, 3 ngày lại có 1 bài báo viết về khoa Nhi, về công tác phòng chống dịch sởi. Và nếu như không có những bài báo ý, thì giữa chúng tôi với bệnh nhân không thể có mối quan hệ khăng khít, gần gũi, cảm thông chia sẻ để có thể đồng tâm hợp lực cứu chữa các cháu bé như vậy được. Thậm chí đã có những bài báo mà khi đọc xong, tôi đã thầm khóc. Các nhà báo rất nhiệt tình, lăn xả, họ trực tại khoa đến đêm muộn và thấy rằng các y bác sỹ, thầy thuốc khoa Nhi đã tận tâm, tận lực làm việc ra sao để giành giật lại sự sống cho các cháu. Trong đó có 1 bài viết trên báo Dân trí có tên là Bác sĩ bật khóc cùng thân nhân bệnh nhi mắc sởi đăng trong năm 2014. Bài báo đã cho độc giả được tận mắt chứng kiến, khi một cháu bé không thể cứu chữa được, thì điều dưỡng trực tiếp điều trị cho bé đã phải bật khóc, một cách đầy thương cảm, xót xa. Sau bài viết ấy, tôi (khi đó là Trưởng khoa) cũng mới hiểu sâu sắc thêm về nhân viên, đồng nghiệp của mình, với đầy đủ trách nhiệm, tấm lòng và trái tim, sự rung động thương mến dành cho bệnh nhân của mình. Nhờ có báo chí, chúng tôi và người bệnh, gia đình bệnh nhân đã có thể gắn kết lại thành một khối, cảm thông và chia sẻ cùng nhau và cùng chung tay dập được dịch sởi, cứu được nhiều cháu sởi nặng. Qua đây để thấy rằng, khi báo chí vào cuộc cùng y tế, chúng ta sẽ khơi gợi lên một tấm lòng yêu thương đồng cảm từ trong sâu thẳm trái tim, chứ không phải trên đầu môi. Khi báo chí vào cuộc, họ đi sâu vào những công việc cụ thể của người thầy thuốc, vào những tình huống cụ thể, đặc biệt khi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Các bạn có thể cảm nhận được điều đó qua những trận đại dịch lớn trước đây như dịch sởi, dịch SARS, H5N1…hay đại dịch COVID - 19 mới đây.

Và cũng nhờ có báo chí, tình yêu nghề của chúng tôi lại thêm đậm sâu hơn. Ngày đó, khi mà kênh VTV2, Đài TH Việt Nam có thực hiện một phóng sự về hoàn cảnh một gia đình có cháu bé từng điều trị sởi ở khoa Nhi. Gia đình có 2 cháu sinh đôi, buổi sáng gia đình vừa đưa tang cháu thứ nhất vì sởi từ một bệnh viện khác trở về thì buổi chiều cháu thứ 2 lại mắc sởi và gia đình đưa cháu này vào khoa nhi chúng tôi điều trị. May mắn thay sau nhiều ngày cứu chữa chúng tôi đã cứu sống cháu. Gần 2 năm sau, khi kênh truyền hình VTV2 đưa chúng tôi đến gặp lại gia đình ấy tại Văn Lâm, Hưng Yên để thực hiện phóng sự trong chương trình Chuyện bây giờ mới kể rất xúc động. Đến tận nơi, được trực tiếp gặp gỡ lại bà mẹ hai con năm xưa, tôi mới thấy thật tuyệt vời khi biết rằng, bà mẹ đó lại tiếp tục mang bầu thêm một đứa con. Trước đây, khi sinh đôi hai cháu bé, chị ta phải nhờ đến phương pháp thụ tinh nhân tạo, thì giờ đây, khi mà tinh thần thoải mái, tình yêu cuộc sống luôn tràn đầy, mọi bệnh tật đều tan biến và sự sống lại sinh sôi, nảy nở. Qua đó, tôi cảm nhận được rằng, sự sống phụ thuộc vào suy nghĩ, đạo đức con người như thế nào. Nếu như không có báo chí, có lẽ, tôi cũng không thể về thăm lại gia đình đó, và được tận mắt chứng kiến những câu chuyện xúc động, ý nghĩa trên để từ đó, lòng yêu nghề, tình thương mến con người lại nhân lên trong tim tôi.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng trong buổi gặp mặt đầu xuân với các cộng tác viên báo chí tại BV Bạch Mai 2019

 Một kỷ niệm nữa, tôi thường hay tham gia nhiều chuyến công tác tại các tỉnh, thành địa phương trên cả nước. Đến một hôm, rất bất ngờ khi có một nhà báo gặp tôi và kể lại, có 1 Bệnh viện hiện nay cứu được rất nhiều trẻ em bị bệnh. Đó là BV Sản Nhi Bắc Giang. Họ kể lại với nhà báo rằng, điều đó là nhờ những đóng góp trong công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến mà cá nhân tôi đã từng triển khai tại đây những năm trước. Các phóng viên mời tôi thăm lại BV ấy để viết báo, có dịp gặp gỡ lại những học trò của mình nay là các y bác sỹ vẫn ngày đêm làm việc cứu chữa bệnh nhân tại đây, tôi thật xúc động khi nghe những lời tri ân từ họ. Và lại được lắng nghe những bà mẹ có con đang điều trị ở đó khen các thầy thuốc, bác sỹ của BV nhiều ra sao, tôi càng thêm dạt dào vui sướng. Mới thấy rằng, nếu không có báo chí, tôi không thể có được những niềm hạnh phúc đó được. Tôi vẫn thường hay dẫn lại những câu chuyện trên để chia sẻ với anh em, bạn bè đồng nghiệp của mình để họ thêm hiểu, đồng cảm và hỗ trợ các nhà báo khi họ tác nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhận quà lưu niệm từ Giám đốc Khu Di tích ATK trong đêm giao lưu trở về nguồn cội giữa Khoa Nhi BV Bạch Mai với các nhà báo, đài truyền hình, thông tấn tại khu di tích ATK Thái Nguyên, 2013.

PV: Về phía mình, anh đã xây dựng, triển khai những hoạt động cụ thể ra sao nhằm xây dựng, củng cố và thúc đẩy mối quan hệ tương hỗ, gắn kết giữa y tế cùng báo chí, thưa Anh ?

PGS.TS.TTƯT Nguyễn Tiến Dũng: Với riêng cá nhân tôi, sự gắn kết cùng anh chị em cán bộ phóng viên, nhà báo quả thật luôn rất đong đầy cảm xúc, ấn tượng sâu đậm khó phai. Đến tận bây giờ, tôi cũng không thể nhớ nổi đã có bao nhiều bài viết của các báo, từ báo in, báo mạng đến truyền hình, phát thanh họ viết bài, ghi hình và làm phóng sự, phim tài liệu…về tôi. Từ những mối thâm giao đó, đến nay, không năm nào mà những dịp quan trọng như ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6 hàng năm - PV), dịp đầu xuân mới, tôi cũng như tập thể y bác sỹ khoa Nhi trước đây không tổ chức các buổi tri ân, gặp mặt điểm lại những thành tựu chúng tôi đã cùng nhau làm được. Đáp lại tình cảm đó từ phía chúng tôi, năm nào trong ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2 hàng năm - PV), phòng làm việc của tôi cũng đầy ắp những lẵng hoa thắm đượm tình cảm từ nhiều nhà báo, phóng viên trên cả nước. Tình cảm ấy theo thời gian còn được chúng tôi vun đắp qua những hoạt động giao lưu cụ thể và ý nghĩa. Trong đó, tôi nhớ như in vào một dịp kỷ niệm ngày BCCMVN, tôi và khoa Nhi đã tổ chức một buổi gặp mặt, tri ân các nhà báo qua một cuộc hành trình “về nguồn” với nhiều giá trị lịch sử đặc biệt tại Chiến khu ATK Định Hóa. Chuyến đi đó đã khiến cho anh em phóng viên, nhà báo đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Bởi trước khi đến Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đây, tôi đã dẫn họ đến một địa điểm đặc biệt, nơi còn lưu lại dấu tích khởi phát của Người với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Khi đó vừa mới đặt chân đến nơi, còn chưa kịp nghỉ ngơi, ăn tối, dù đã muộn nhưng tất cả mọi người đều nhiệt tình đi bộ theo tôi, đến thăm Nhà bia di tích được xây dựng trên nền hội trường 8 mái - nơi diễn ra Hội nghị thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, tức Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay (21/4/1950). Các nhà báo đều ngạc nhiên, họ thắc mắc tại sao tôi lại biết một địa chỉ đặc biệt đến vậy. Lúc đó, tôi chỉ mỉm cười bình dị trả lời, là do tôi yêu mến các bạn, nên tôi đã tìm hiểu về lịch sử, truyền thống xây dựng của nền báo chí đất nước. Tiếp theo, chúng tôi đã có một buổi tối giao lưu, gặp gỡ đầy trân quý với Giám đốc ATK lúc đó, thật trùng hợp, anh lại cũng là một người rất am hiểu về báo chí. Trong không gian thấm đượm tình cảm bằng hữu giữa những người anh em, đồng chí, một nữ nhà báo công tác tại báo Thanh niên và một nữ điều dưỡng của khoa tôi đã tặng cho tập thể cán bộ ATK một bức tranh của Hà Nội, và Giám đốc ATK thì tặng lại cho các nhà báo một chiếc bút. Chiếc bút mang nhiều dư vị, ý nghĩa với các nhà báo, giúp họ luôn giữ được ngòi bút sắc, lòng trong để có nhiều bài viết, tác phẩm ý nghĩa với đất nước, với nhân dân. Đó là một trong muôn vàn những câu chuyện, kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ về tình cảm giữa tôi và anh em phóng viên, báo chí nước nhà. Nhìn lại chặng đường sự nghiệp đã qua của mình, tôi thầm cảm ơn họ rất nhiều, bởi nhờ có báo chí, tôi đã có thể tiếp cận nhiều hơn đến mọi người, nhân dân để truyền tải những thông điệp ý nghĩa về chăm sóc sức khỏe cho họ. Nhiều người dù tôi chưa từng gặp mặt, trong những chuyến công tác thật tình cờ, những người dân họ đều chào hỏi, bắt tay, ôm hôn tôi một cách chân tình và nhận ra tôi nhờ những chương trình truyền hình, những bài báo…Điều ấy quả thật làm tôi rất xúc động và không thể quên được trong suốt cả cuộc đời này!

PV: Xin trân trọng cám ơn Anh vì cuộc trò chuyện vô cùng ý nghĩa, chúc Anh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết để tiếp tục đồng hành cùng báo chí trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói riêng, cũng như sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước nói chung !