24/04/2024 lúc 09:40 (GMT+7)
Breaking News

Bến Đời - Lời tự tình không bao giờ cũ

VNHN - Doanh nhân - AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp đúng là… “Đã đi gần trọn đoạn trường” của cuộc đời mình, với bao “thang bậc cửu trùng” mà ông đã trải qua. Đó là con người của sự trải nghiệm đến tận cùng để có được những gì đáng có, hiểu được những điều cần hiểu, để sống tốt hơn, có nghĩa hơn với đời: “Cuộc đời trăn trở gió sương/ Vinh quang đã trải đau thương đã từng”. Những câu thơ trong bài thơ BẾN ĐỜI của doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp đã thể hiện được một phần những trở trăn và niềm hạnh phúc lớn lao

VNHN - Doanh nhân - AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp đúng là… “Đã đi gần trọn đoạn trường” của cuộc đời mình, với bao “thang bậc cửu trùng” mà ông đã trải qua. Đó là con người của sự trải nghiệm đến tận cùng để có được những gì đáng có, hiểu được những điều cần hiểu, để sống tốt hơn, có nghĩa hơn với đời: “Cuộc đời trăn trở gió sương/ Vinh quang đã trải đau thương đã từng”. Những câu thơ trong bài thơ BẾN ĐỜI của doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp đã thể hiện được một phần những trở trăn và niềm hạnh phúc lớn lao ấy của chính ông.

 Nguyên văn bài thơ Bến đời

Tôi đọc bài thơ BẾN ĐỜI của Nguyễn Đăng Giáp không chỉ để cho vui, mà chính là để chiêm nghiệm về một con người, về một cuộc đời giàu ý chí và đạo nghĩa. 44 câu thơ đã diễn tả khái quát hành trình đi và đến được Bến Đời của riêng ông. Ở đó là sự kết tinh của tâm và tài, của lòng thiện căn và sự coi trọng luật nhân quả: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, và “ Phúc phần - Nhân quả - Tổ tiên/ Cho ta gặp được Thánh hiền quý nhân”.

Ông là người tâm đắc với một trong những triết lý của Đạo Phật: “Nhân” tốt thì “quả” tốt; đó là lý do để xây dựng nền tảng đạo đức cho con người. Nếu quá khứ không tốt thì không thể có tương lai đẹp... Nói ra như vậy hoàn toàn không phải là sự tự an ủi, tự động viên mình, mà đó là thực tiễn của cuộc đời ông - một thực tiễn vô cùng sống động mà ngày nay không nhiều người có được.

Doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp nhận Cúp doanh nhân Châu Á Thái Bình Dương 2018

Quê hương bao giờ cũng là một phần không thể thiếu được trong ký ức và tình cảm của doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp, và quê hương Nghi Trường, Nghi Lộc ấy hầu như không mấy khi vắng bóng trong thơ của ông. Bởi ông, “Đi từ đất Mẹ Nghi Trường” đi ra; Đi từ những năm tháng tuổi thơ nghèo khó vô cùng mà những người trong cuộc như ông mới thấu; và rồi đi ra cả từ những câu chuyện về ông ngoại, về mẹ, về cha, và về người em trai của ông đã vĩnh viễn ra đi nơi chiến trận khi đang còn ở tuổi thanh xuân…

Tất cả vẫn còn đó trong tâm hồn không bao giờ hết khát vọng của AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp. Để có mặt trong ngày “Doanh nhân thế giới bến bờ rạng danh” tại xứ xở Hồng Kông hoa lệ nhận Giải Doanh nhân thế giới trong niềm vinh dự, tự hào, doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp đã phải trải qua bao thử thách, không chỉ trên thương trường đầy khắc nghiệt, mà cả giữa cuộc đời vốn lắm tai ương và sự đố kỵ. Ta vẫn thường nghe câu: Sống tốt bây giờ cũng khó... Hay nói đúng hơn, muốn sống tốt cũng cần phải có bản lĩnh. Hơn ai hết, doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp hiểu sâu sắc điều này, vì trong hành trình phấn đấu để làm người tốt, ông đã từng bị “Biết bao ma quỷ yêu tinh ngáng đường” - phải vượt biết bao gian nan và thử thách ông mới có được thành quả hôm nay.

Sức mạnh của con người Nguyễn Đăng Giáp còn có được từ chỗ, ông rất quyết liệt trong thương trường, nhưng cũng rất nhân văn, tình nghĩa trong cuộc sống đời thường. Mọi người yêu quý ông cũng vì lẽ đó. Vốn là một người lính từ thời đất nước còn chiến tranh, ông Nguyễn Đăng Giáp sẵn sàng “Thư sinh gác bút lên đường chiến chinh” theo tiếng gọi của Tổ quốc khi có giặc ngoại xâm. Đó là những năm tháng tuổi trẻ can trường và dũng mãnh với mục tiêu cao nhất là chiến thắng kẻ thù, giải phóng đất nước. Một thời “chiến mã Trường Sơn” đầy bom đạn, một thời dọc ngang trên đất bạn Lào với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”…, giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc.

Ông đã vượt qua tất cả để rồi vinh quang trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, làng xóm quê hương. Và, trở thành một doanh nhân (trong doanh nghiệp quân đội) như là sự sắp đặt của… tiền nhân, để ông giúp ích cho đời. Nhưng, bao nhiêu hy sinh và cả niềm vinh quang của người lính trong thời chiến chinh ấy không thể thay thế được sự khắc nghiệt của thương trường; bởi thương trường cũng là một chiến trường, như người đời vẫn nói.

Với doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp cũng vậy: “Thương trường địa võng thiên la/ Trăm nghìn phép thử để ta hiểu đời”. Có khác chăng là ở chỗ, đối diện với cái “địa võng thiên la” ấy không phải là sự nản chí của ông, mà là dám xuyên qua bằng bản lĩnh và trí tuệ để “hiểu đời” hơn, để thành công trong nghiệp kinh doanh vì sự phát triển chung. Thành công trên thương trường của doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp còn nhờ ông luôn có được phẩm chất đáng quý: “Hiên ngang trong cõi vô thường/ Đối nhân xử thế minh tường dưới trên”

Lạ thay, một phần của bản lĩnh ấy, ông lại có được từ chính tâm hồn thơ của mình. Ông quan niệm, thơ và con người là một. Thơ chính là cuộc đời; thơ ông là sự phản ánh cuộc đời của ông với vai trò là một doanh nhân - chiến sĩ. Ông làm thơ là để “xả stress”, để cân bằng cuộc sống chứ không phải sống vì thơ. Cho nên thơ của ông được viết nên từ cái nhìn cuộc đời, nhìn thế sự, từ cảm xúc, tâm tư và trải nghiệm của chính mình. Và, những cảm xúc từ… thơ ấy cũng giúp ông có thêm tư duy sáng tạo mới trong điều hành doanh nghiệp vượt khó đi lên.

Doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp nhận cúp Doanh nhân thế giới tại Hồng Kông (14/11/2018)

Như đã nói ở trên, bài thơ Bến Đời của AHLĐ - Doanh nhân - Đại tá Nguyễn Đăng Giáp là khái quát cả hành trình của ông. Là con người, ai cũng có hỷ, nộ, ái, ố (vui, giận, yêu, ghét). Nhưng mức độ, động cơ thì khác nhau. Con người “bạch thoại” Nguyễn Đăng Giáp luôn thẳng thắn và rõ ràng. Ông không thích sự lẫn lộn của những biểu hiện đó. Điều đáng quý ở ông là không để bụng thù ghét, nói thẳng đấy, đôi khi gay gắt đấy, nhưng chỉ là mong cho công việc và con người tốt hơn lên. Cho nên, những người cùng làm việc với ông nhiều năm đều quý trọng tâm tính và cách sống có trước có sau của ông.

Bến Đời có thể hiểu nôm na là bến đỗ của cuộc đời mình. Bến đó không biểu hiện bằng vật chất cụ thể; mà là một khái niệm gắn với thời gian, không gian và đặc biệt là với giá trị cống hiến của mỗi người cho cộng đồng và đất nước. Mỗi người chỉ có Bến Đời thực sự cho mình khi “về nghỉ” nếu không còn những tiếc nuối, ân hận, buồn đau vì những sai lầm hay những xa phí quá đáng của mình trong những năm tháng còn sức lực và trí tuệ làm việc.

Bến Đời của doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp đã được gây dựng bằng “Ân - Uy - Trí - Tín mười phân vẹn mười” của chính đời doanh nhân - chiến sĩ của ông. Nhưng sẽ không có được sự vẹn toàn như thế nếu không có sự đồng tâm, sẻ chia, ủng hộ, giúp sức của rất nhiều người khác nữa đối với ông. Chính chữ Tín và cách sống Thương - Thẳng - Thật của ông đã quy tụ được những con người như thế, dẫu rằng phía xa kia vẫn còn không ít kẻ coi sự đố kị là lẽ sống. Vì thế nên khi “Thuyền nay đã cập Bến Đời” thì ông lại muốn “Nhiễu điều xin gửi lại người ta yêu”.

Cái tình, cái nghĩa của ông Nguyễn Đăng Giáp là vậy. Ông không bao giờ quên những người đã giúp đỡ, ủng hộ, đồng hành với mình trong những chặng đường gian khó. Ông luôn “Mong cho ngày rộng tháng dài/ Để ta trả hết những ai nợ nần” - Nợ ở đây là nợ nghĩa, nợ tình, nợ duyên nợ phận… Bài thơ BẾN ĐỜI được ôngNguyễn Đăng Giáp viết ngay trong đêm của ngày nhận Giải Doanh nhân Thế giới tại Hồng Kông (15/11/2018). Lúc thành công lại nhớ về những ngày vất vả, gian nan; khi vinh quang lại nhớ về những người mà nhờ có họ, ông có thêm sức mạnh vượt lên dưới đạn bom tàn khốc trong chiến tranh và trong cạnh tranh quyết liệt trên thương trường.

Đó là phẩm chất của lòng tri ân, của chữ Nhân đích thực, bởi với ông: “Có là áo mũ đai cân/ Thì ta vẫn cứ chữ Nhân cương thường”. Cho nên, và từ tất cả những phẩm chất đáng trân trọng ấy mà AHLĐ - Doanh nhân Nguyễn Đăng Giáp có thể tự hào và tự tin về Chính quả mà mình đã đạt được sau bao năm nỗ lực luyện rèn và tu tập: “Cuộc đời trăn trở gió sương/ Vinh quang đã trải đau thương đã từng/ Đi qua thang bậc cửu trùng/ Giờ đây chính quả bách tùng hiên ngang”. Đó chính là Bến Đời ắp đầy hương thơm sắc thắm của ông Nguyễn Đăng Giáp - một người không phải là Tướng trên quân hàm, nhưng từ lâu đã là Tướng trong lòng người.