19/04/2024 lúc 07:14 (GMT+7)
Breaking News

“Bắt bệnh” gian lận thi cử

VNHN - Phụ huynh ủng hộ hoặc giúp con gian lận, bản thân đứa trẻ cũng cảm thấy cha mẹ không tin tưởng và đánh giá cao năng lực của chúng. Và những đứa trẻ đó cũng có “tiền đề” để tiếp tục yêu cầu cha mẹ gian lận giúp mình trong tương lai.

VNHN - Phụ huynh ủng hộ hoặc giúp con gian lận, bản thân đứa trẻ cũng cảm thấy cha mẹ không tin tưởng và đánh giá cao năng lực của chúng. Và những đứa trẻ đó cũng có “tiền đề” để tiếp tục yêu cầu cha mẹ gian lận giúp mình trong tương lai.    

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, hàng trăm nghìn thí sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 – kỳ thi quan trọng bậc nhất với các em sau 12 năm ngồi trên ghế trường phổ thông.

Mặc dù không mới nhưng thời điểm này nhiều phụ huynh vẫn hoang mang vụ gian lận tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018 làm nóng nghị trường những ngày vừa qua. Công luận cũng rất quan tâm về những thay đổi trong kỳ thi năm nay để đảm bảo sự công bằng tối đa cho các thí sinh.

Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề gian lận trong thi cử, cần có cái nhìn rộng hơn các nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng tới nó, để từ đó đưa ra những giải pháp căn cơ. Báo TG&VN xin trân trọng giới thiệu bài viết của PGS. TS. Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) xung quanh vấn đề này...

PGS. TS. Trần Thành Nam.

Phải khẳng định, gian lận trong thi cử không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là vấn đề của nhiều quốc gia. Ngay tại nước Mỹ trong thời gian qua cũng đã có vụ bê bối gian lận được xem là nghiêm trọng nhất trong lịch sử đã bị phanh phui.

Trong vụ việc này, một số gia đình có điều kiện đã chi khoản tiền lớn cho kẻ môi giới để con mình được vào các ngôi trường danh giá như Yale, Stanford, Georgetown hay Đại học Nam California. Đến thời điểm này, ít nhất 50 người đã bị truy tố, trong số đó có những bậc phụ huynh là nhân vật nổi tiếng.

Gian lận điểm số nhìn từ góc độ gia đình

Trở về câu chuyện gian lận điểm số ở nước ta, có thể nói, với những học sinh học tập vì các động cơ như học để thi, học để nhận phần thưởng của cha mẹ, học để ra làm quan và sau được nhận vào chỗ việc nhẹ lương cao thường có xu hướng gian lận nhiều hơn các em học tập vì sự thú vị khi khám phá những kiến thức mới có thể áp dụng vào cuộc sống.

Những học sinh không tự tin vào năng lực của mình nhưng dưới áp lực phải duy trì hình ảnh bản thân trở thành con ngoan, trò giỏi cũng thường có xu hướng gian lận nhiều hơn.

Cùng với đó, các yếu tố niềm tin, nhận thức của học sinh cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi gian lận trong học tập và thi cử. Họ thường sử dụng nhiều cách thức gian lận khác nhau từ những gian lận nhỏ đến những gian lận lớn, nghiêm trọng, sử dụng công nghệ hiện đại.

Đồng thời, nguyên nhân từ phụ huynh, người lớn nói chung cũng có ảnh hưởng đến xu hướng gian lận. Áp lực kỳ vọng của cha mẹ càng cao, thái độ phản ứng của cha mẹ với thành tích, điểm số lớn, con càng có xu hướng gian lận để làm hài lòng cha mẹ. Đặc biệt, đứa trẻ được cha mẹ, thầy cô khen giỏi, khen ngoan khi được điểm cao sẽ cảm thấy tự ti khi đạt điểm thấp.

Trong khi đó, nhiều cha mẹ đã không quyết liệt với những hành vì gian lận của con ngay từ nhỏ, thậm chí còn ngầm ủng hộ những hành vi này bằng nhiều cách. Cụ thể, làm bài hộ con, cho con chép đáp án trên mạng, giúp con bịa dữ liệu...

Thực tế, thái độ của phụ huynh về hành vi gian lận với con rất quan trọng. Ngay cả với những phụ huynh không chấp nhận gian lận và giáo dục con tinh thần “nói không” với gian lận vẫn có những học sinh báo cáo đã từng gian lận trong quá khứ. Còn đối với những cha mẹ thể hiện thái độ không dứt khoát, tỉ lệ học sinh báo cáo đã từng có hành vi gian lận vẫn rất cao.

Lối thoát nào cho gian lận điểm số? (Nguồn: Tuổi trẻ)

Có thể nói, thái độ không dứt khoát của phụ huynh với gian lận trong thi cử cũng có thể hiểu được bởi nhiều phụ huynh chưa tin tưởng vào tính công bằng và minh bạch của kỳ thi. Họ cũng tin, nhiều phụ huynh khác bằng cách này hay cách khác đang hỗ trợ con và nếu mình có điều kiện mà không làm thì con mình sẽ thua thiệt ngay từ điểm xuất phát.

Một số phụ huynh đứng sau các vụ việc gian lận có thể là những người không tin tưởng vào năng lực của con mình. Tuy nhiên, vì vị thế xã hội, sự kỳ vọng thành đạt, đã có đầu ra công việc chỉ cần bằng cấp để đáp ứng nên đã thực hiện gian lận. Cũng có thể, họ là những người đã từng “tập nhiễm” với gian lận và cho rằng gian lận là việc bình thường.

Nếu kỳ thi vào đại học cũng được hiểu bản chất giống kỳ thi chuyển cấp thì đã không có quá nhiều áp lực và những tiêu cực.

Có thể chưa nhiều người nhận ra hậu quả của việc gian lận trong thi cử và thành tích. Nhưng với học sinh đã từng gian lận nhỏ sẽ có thái độ chấp nhận gian lận và thực hiện nhiều hành vi gian lận nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Khi đã có ý tưởng gian lận trong đầu, học sinh càng mất hứng thú học tập, càng chán học và gặp nhiều áp lực học tập hơn. Gian lận là hành vi xấu nên những học sinh gian lận tự đánh giá bản thân thấp, cho rằng, mình không có năng lực, mình không xứng đáng, dễ nản lòng.

Phụ huynh ủng hộ hoặc giúp con gian lận, bản thân đứa trẻ cũng cảm thấy cha mẹ không tin tưởng và đánh giá cao năng lực của chúng. Và những đứa trẻ đó cũng có “tiền đề” để tiếp tục yêu cầu cha mẹ gian lận giúp mình trong tương lai.

Lối thoát nào cho gian lận thi cử?

Giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề gian lận thi cử có lẽ không nằm ở quy trình chặt chẽ hay áp dụng công nghệ.

Tôi nghĩ, quy trình và công nghệ là cần thiết trong ngắn hạn nhưng giống như cuộc đua về công nghệ hiện nay giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ tìm mọi cách để kiểm soát con không được tham gia những hoạt động bị cấm trên mạng nhưng đứa con luôn tìm ra được những cách thức tinh vi hơn để “vượt rào”.

Giải pháp bền vững là phải tạo ra động cơ học tập, bắt đầu bằng việc xây dựng nội dung các môn học mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống. Đồng thời, cha mẹ và thầy cô không đánh giá một đứa trẻ dựa trên thành tích, không so sánh con với trẻ khác. Người lớn hãy đánh giá đứa trẻ dựa trên sự nỗ lực và những điểm mạnh độc đáo của cá nhân.

Chúng ta không thổi phồng hoặc “dán nhãn” quá mức ý nghĩa điểm số của một kỳ thi có thể định nghĩa năng lực một con người, càng không thể dự báo sự thành công hoặc thất bại của cá nhân đó trong tương lai. Cùng với những cải cách về quy trình và áp dụng công nghệ để chống gian lận, cộng đồng và các bậc cha mẹ cần có niềm tin vào tính công bằng của kỳ thi, đồng thời đấu tranh với các tư tưởng, hành vi gian lận.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta không kỳ thị nghề nghiệp, bởi có nhiều con đường dẫn đến thành công chứ không hẳn phải vào đại học. Đặc biệt, các trường đại học và những nhà tuyển dụng lao động sẽ sử dụng những phương thức khác nhau để tuyển được những học sinh có năng lực, kỹ năng thực sự chứ không phải điểm số.