19/04/2024 lúc 11:40 (GMT+7)
Breaking News

Bảo vệ tuyến đầu sản xuất: Chủ động khắc phục khó khăn

Dịch bệnh đang đe dọa khu vực sản xuất hàng hóa lớn là khu vực phía nam khi đã có 19 tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo nhận định của các chuyên gia, việc phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) phía nam sẽ gặp khó hơn rất nhiều so với phía bắc do các yếu tố địa giới, con người và trung chuyển nhân lực. Tại những địa bàn này hiện nay cần thực hiện nhanh chóng phương án “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai địa điểm”, theo phương châm không chờ đợi,

Dịch bệnh đang đe dọa khu vực sản xuất hàng hóa lớn là khu vực phía nam khi đã có 19 tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo nhận định của các chuyên gia, việc phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) phía nam sẽ gặp khó hơn rất nhiều so với phía bắc do các yếu tố địa giới, con người và trung chuyển nhân lực. Tại những địa bàn này hiện nay cần thực hiện nhanh chóng phương án “ba tại chỗ” hoặc “một cung đường, hai địa điểm”, theo phương châm không chờ đợi, khắc phục khó khăn, phù hợp tình hình thực tế địa phương.

Vượt khó, thực hiện mục tiêu kép

Qua công tác sàng lọc, tầm soát, truy vết, cơ quan chức năng nhận thấy số lượng ca nhiễm là công nhân, lao động (CNLĐ) ở các doanh nghiệp trong KCN - KCX, khu công nghệ cao có mối liên hệ với nơi ở của CNLĐ đang phân tán rộng khắp các địa bàn. Điều này đồng nghĩa với gia tăng nguy cơ rất cao trong lây nhiễm từ nơi ở của CNLĐ vào nơi sản xuất và ngược lại.  Để duy trì hoạt động sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, các cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện một trong hai giải pháp, đó là: bảo đảm thực hiện được yêu cầu vừa sản xuất vừa cách ly người lao động (NLĐ) với phương châm “ba tại chỗ” bao gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc, doanh nghiệp phải cam kết thực hiện được phương châm “một cung đường - hai địa điểm”, nghĩa là thực hiện duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân, có thể là ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung. 

Khu lều ngủ cho CNLĐ tại Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai). Ảnh: VƯƠNG NGUYỄN

Tính đến sáng 20/7, đã có hơn 1.100 doanh nghiệp trong các KCN tại Bình Dương đăng ký tổ chức cho công nhân ở lại, làm việc theo phương án “ba tại chỗ” và phương án “một cung đường - hai địa điểm” (một địa điểm là khách sạn, ký túc xá, chỗ ở tập trung công nhân; một địa điểm là nhà máy sản xuất) với 170.000 người tự nguyện đăng ký. Khi công nhân ở lại làm việc tại nhà máy, công đoàn tham mưu, đề xuất doanh nghiệp cung cấp ba bữa ăn, cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết. Tại một số doanh nghiệp còn có phụ cấp thêm, trung bình từ một đến ba triệu đồng/NLĐ/tháng. 

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cam kết đồng hành với doanh nghiệp cùng khắc phục khó khăn, để không đứt gãy quá trình sản xuất và bảo đảm mục tiêu kép vừa sản xuất vừa chống dịch hiệu quả. Vận động 100% doanh nghiệp trong KCN tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 nhằm phát hiện sớm  các ca dương tính, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào doanh nghiệp. Hiện, đã có hơn hai nghìn doanh nghiệp, trong đó, số doanh nghiệp trong KCN được kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm ba tại chỗ là 1.629 doanh nghiệp, đạt 100%. Việc bố trí NLĐ làm việc và tạm trú tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đều có sự thỏa thuận thống nhất giữa doanh nghiệp, công đoàn cơ sở, NLĐ. Chị Nguyễn Thị Thủy, quê ở tỉnh Hà Tĩnh mới làm việc tại Công ty Quốc tế Fleming (KCN Amata) được một tháng thì có dịch Covid-19, cho biết: Nếu thuê nhà trọ bên ngoài, chị phải trả tiền thuê nhà là 750 nghìn đồng/tháng. Nay được công ty bố trí nơi ăn, nghỉ tại công ty, bảo đảm sức khỏe, được xét nghiệm SARS-CoV-2, có thu nhập nên chị rất yên tâm quay trở lại nhà máy làm việc. Một “siêu thị” tiện dụng do công đoàn cơ sở đảm trách được đặt ngay nơi nghỉ ngơi của công nhân để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong KCN - KCX, khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh nhanh chóng, chủ động xây dựng kịch bản “ba tại chỗ”, ứng phó khi dịch lây lan vào doanh nghiệp. Ban Quản lý các KCX và công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 21/7, có 414 doanh nghiệp đăng ký và thực hiện phương án “ba tại chỗ”, bảo đảm vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất.
  
Sức khỏe, an toàn cho NLĐ là trên hết

Những ngày qua, triển khai thực hiện “ba tại chỗ”, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do không gian nhà máy nhỏ hẹp, lao động ở phân tán, không tìm được địa điểm làm chỗ ở tập trung cho số lượng CNLĐ quá lớn tại những doanh nghiệp có từ một nghìn công nhân trở lên. Sự khó khăn đến từ cả ba khâu: sản xuất, ăn uống sinh hoạt và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Một lãnh đạo doanh nghiệp có gần bốn nghìn CNLĐ tại Khu công nghệ cao TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Khi thực hiện phương án “ba tại chỗ”, do diện tích nhà xưởng chật hẹp, số CNLĐ lại đông, chỉ riêng khâu giải quyết khu vực vệ sinh cho NLĐ cũng gặp quá tải. Bước đầu, tâm trạng bất an của NLĐ do có sự xáo trộn về nơi ăn, chốn ở đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với thực hiện “một cung đường - hai địa điểm” cũng gặp không ít khó khăn do đa phần doanh nghiệp không có ký túc xá, khu nhà ở cho công nhân. Nếu chọn phương án thuê khu nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn cho một số lượng CNLĐ lớn thì không có địa phương nào đáp ứng nổi. Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Taekwang Vina (Đồng Nai) Đinh Sỹ Phúc cho biết, sau khi phát hiện một số ca dương tính, công ty đã cho một số nhà máy tạm ngừng hoạt động. Do số lượng CNLĐ lên tới 40 nghìn người, công ty không thể thực hiện được phương án “ba tại chỗ”. Thực tế, việc giãn cách trong nhà xưởng theo quy định thời gian qua đối với công ty đã rất khó, bởi không thể tách các dây chuyền trong quá trình sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ làm vách ngăn ở nhà ăn, mở thêm lối đi tại các nhà xe và phân luồng ca trong các nhà xưởng. 

Quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, vừa bảo vệ CNLĐ, vừa tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, trong hai ngày 15 và 16/7, Ban Quản lý KCN Bình Dương liên tiếp có văn bản hướng dẫn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh theo hai phương án “ba tại chỗ” và “một cung đường - hai địa điểm”. Yêu cầu doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kể từ 0 giờ ngày 19/7 nếu không bảo đảm điều kiện thực hiện hai phương án này.  Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Dương đã vận động các doanh nghiệp cố gắng bố trí chỗ ở cho công nhân tại doanh nghiệp nhằm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh.

Tình hình dịch bệnh còn có những diễn biến phức tạp, số ca F0 tiếp tục tăng nhanh, việc triển khai phương án “ba tại chỗ” còn gặp nhiều khó khăn, số CNLĐ tiếp tục thực hiện cách ly, phong tỏa, giãn việc tiếp tục tăng nhanh. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết: Thành phố chú trọng quan tâm hỗ trợ người dân, trong đó có CNLĐ bị mất việc, giãn việc, ngưng việc. Bên cạnh việc triển khai gói an sinh của TP Hồ Chí Minh theo Quyết định số 2209 của UBND thành phố, Sở LĐ-TB và XH cùng các đơn vị cũng đang triển khai thực hiện gói an sinh 12,6 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ trên tinh thần TP Hồ Chí Minh sẽ dùng nguồn ngân sách của thành phố để chi trả cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ. 

 Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) Lưu Kim Hồng đề nghị các sở, ngành tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước, nắm bắt tình hình để có phương án điều phối, giải quyết phù hợp thực tế hiện nay, nhất là điều tiết nguồn lực lao động từ nơi thừa tại các doanh nghiệp bị đóng cửa qua nơi thiếu; điều phối hàng hóa từ các nhà cung cấp đến các cơ sở cung cấp suất ăn; kết nối doanh nghiệp sản xuất thực hiện “ba tại chỗ” với các doanh nghiệp sản xuất nhà vệ sinh công cộng, đáp ứng nhu cầu hiện nay.

Những “pháo đài” cần được bảo vệ

Thời gian qua, cả nước có hơn 70 nghìn DN phải dừng hoạt động, trong đó có nhiều DN quy mô, nguồn vốn lớn; 3,1 triệu lao động phải giảm, giãn việc luân phiên do dịch Covid-19.  Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ra đời kịp thời trong giai đoạn đầu dịch bùng phát, tuy nhiên, khi đi vào đời sống gặp nhiều vướng mắc, khó tháo gỡ. Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Tỷ lệ CNLĐ nhận hỗ trợ chỉ đạt 1,4% khi triển khai thực hiện Nghị quyết 42 là con số đầy trăn trở đối với cán bộ công đoàn. 

Lo lắng trước tình hình tác động của dịch Covid-19 ở các KCN ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, cũng tại hội nghị trên,  Bộ trưởng LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Các khu chế xuất, KCN là các “pháo đài” bằng mọi giá phải bảo vệ vì đây là khu vực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế đất nước. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chỉ đạo: Tại các địa phương ở phía nam có nhiều CNLĐ dương tính với SARS-CoV-2, tổ chức công đoàn phân công cán bộ “trực chiến”, chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ NLĐ từ nguồn lực công đoàn; phối hợp cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân chăm lo chu đáo  CNLĐ đang cách ly y tế, trong khu vực phong tỏa, khu nhà trọ, không để đoàn viên, NLĐ nào thiếu ăn.  

Chủ tịch Công đoàn Công ty Fushan Technology Việt Nam (KCN VSIP Bắc Ninh) Phạm Trung Tân cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn và cảm kích trước tinh thần sẵn sàng hỗ trợ, hết lòng đồng hành cùng công ty trong những lúc khó khăn của NLĐ. Nhiều công nhân nữ có con nhỏ phải gửi con cho người thân ở các phòng trọ để bố mẹ vào nhà máy làm việc. Hưởng ứng lời kêu gọi của công ty, ngày 2/6, hơn 2.100 công nhân tự nguyện vào nhà máy thực hiện “ba tại chỗ”. Nhờ vậy, cơ bản công ty đáp ứng được hầu hết các đơn hàng. Nhằm chia sẻ, động viên, khích lệ tinh thần làm việc của NLĐ, công ty miễn phí ba bữa ăn cho công nhân làm ca ngày, bốn bữa cho ca đêm. Ngoài giữ nguyên lương cơ bản, công ty hỗ trợ 100 nghìn đồng/ngày/người. Ngày 30/6, kết thúc thời gian làm việc tập trung, công ty cho toàn bộ công nhân được nghỉ trước ba ngày, hưởng nguyên lương.  Sau 29 ngày làm việc, thu nhập của NLĐ đạt từ 10 đến 12 triệu đồng, trong khi bình thường là 7-8 triệu đồng/tháng”.