20/04/2024 lúc 07:37 (GMT+7)
Breaking News

Bảo vệ di sản bằng tình yêu và ý thức cộng đồng

VNHN- Là một bảo tàng về văn hóa, nghệ thuật kiến trúc ngoài trời, khu đền tháp Mỹ Sơn chịu sự tác động bất lợi rất lớn từ tự nhiên và con người. Thực tế đã chứng minh, di sản được gìn giữ, phát triển hay bị tàn phá, biến thành phế tích đều có vai trò rất lớn của cộng đồng, mà trước hết là cộng đồng cùng hoạt động sinh sống và sản xuất trong vùng di sản.

VNHN- Là một bảo tàng về văn hóa, nghệ thuật kiến trúc ngoài trời, khu đền tháp Mỹ Sơn chịu sự tác động bất lợi rất lớn từ tự nhiên và con người. Thực tế đã chứng minh, di sản được gìn giữ, phát triển hay bị tàn phá, biến thành phế tích đều có vai trò rất lớn của cộng đồng, mà trước hết là cộng đồng cùng hoạt động sinh sống và sản xuất trong vùng di sản.

Khu di tích Chăm - Mỹ Sơn.

Quần thể di tích Chăm - Mỹ Sơn (thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng từ thế kỷ IV đến thế kỷ thứ XIII. Đây được coi là khu di tích chính của văn hóa Chămpa tại Việt Nam, là minh chứng sống động về một nền văn minh phát triển rực rỡ trong khu vực và trên thế giới. Ngày 4-12-1999, Mỹ Sơn được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới. Điều này không chỉ đem lại sinh kế, thu nhập cho ngành du lịch, mà quan trọng và thiêng liêng hơn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc về lịch sử hình thành, phát triển của đất nước.

Nhận thức sâu sắc điều đó, trong 20 năm qua, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn và huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm gìn giữ tài nguyên quý giá này. Trong đó, hai biện pháp cơ bản, có tính quyết định trong việc bảo tồn, giữ gìn di sản là giáo dục, tuyên truyền và chia sẻ lợi ích từ di sản. Những biện pháp này đã thúc đẩy cộng đồng tích cực bảo vệ, gìn giữ di sản.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Duy Xuyên, công tác tuyên truyền về giá trị di sản được địa phương thực hiện một cách quyết liệt. Trong đó, tuyên truyền sâu rộng nội dung các văn bản pháp luật như: Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới năm 1972, Luật Di sản văn hóa Việt Nam năm 2001 và sửa đổi bổ sung năm 2009 cùng nhiều văn bản liên quan khác.

Bằng nhiều hình thức khác nhau, công tác tuyên truyền đã từng bước “thẩm thấu” vào mỗi cư dân trong cộng đồng, qua đó không chỉ khơi lên niềm tự hào mà còn nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị của di sản. Bên cạnh tổ chức tuyên truyền miệng trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, trong các lễ hội gắn với quần thể di sản, những năm qua, nội dung bảo tồn, gìn giữ di sản đã được đưa vào trường học trên địa bàn thông qua giáo trình giảng dạy, sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Mỹ Sơn như “Em yêu di sản quê em”, thi vẽ tranh, thuyết trình, thuyết minh di sản... Nhiều nội dung tuyên truyền theo chủ đề hằng tuần trên chuyên mục “Bạn hãy cùng chúng tôi bảo tồn và phát huy giá trị Mỹ Sơn” của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Duy Xuyên đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Việc tuyên truyền về những tấm lòng tâm huyết, nhiệt tình của các chuyên gia nghiên cứu, bảo tồn và trùng tu di tích đến từ những quốc gia xa xôi như Italia, Ấn Độ, Nhật Bản không quản nắng mưa khắc nghiệt, miệt mài lao động nghiêm túc đã tác động sâu sắc đến nhận thức và ý thức của cộng đồng. Điều đó giúp cho những chủ nhân thực thụ của di sản nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc chung tay gìn giữ tài sản chung; hiểu hơn, tự hào hơn về các giá trị văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là những giá trị kinh tế mà cộng đồng nhận được.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, việc gắn kết cộng đồng cùng tham gia quản lý, gìn giữ và chia sẻ lợi ích từ di sản đã phát huy vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn.

Huyện Duy Xuyên, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Ban Quản lý Di sản) luôn quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản như ưu tiên tuyển dụng con em địa phương vào làm việc tại Ban Quản lý Di sản; chú trọng công tác đào tạo, dạy nghề trùng tu để người dân địa phương tham gia trực tiếp vào các dự án trùng tu di tích; tổ chức khôi phục làng nghề truyền thống nấu dầu chổi; tiêu thụ bao tiêu sản phẩm cho cộng đồng tại làng du lịch Homestay Mỹ Sơn; tiêu thụ các sản phẩm của cộng đồng sản xuất với những mặt hàng nông sản như chuối hột, hạt sen, chè lá dung, chè vối, đá mỹ nghệ Mỹ Sơn, gốm La Tháp...

Trong nhiều năm qua, thông qua các nguồn quỹ đóng góp, quỹ trích lập, Ban Quản lý Di sản đã hỗ trợ mỗi năm hằng trăm triệu đồng giúp đỡ các hộ nghèo, hộ khó khăn trong vùng di sản cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Với nguồn thu mỗi năm tăng trên 15% (năm 2019 đạt trên 56 tỷ đồng), huyện Duy Xuyên và Ban Quản lý Di sản đã luôn chú trọng chia sẻ lợi ích với địa bàn xã Duy Phú để thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ cộng đồng phát triển…

Ngoài hỗ trợ trực tiếp mang lại lợi ích trước mắt cho cộng đồng, các hoạt động hỗ trợ, đóng góp xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cũng được quan tâm. Tiêu biểu là hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi cộng đồng, gây quỹ giúp đỡ người nghèo, xây dựng nông thôn mới, tổ chức các hoạt động văn hóa gắn với nghệ thuật dân gian Chăm và các chương trình văn nghệ mừng Đảng, đón Xuân…

Có thể khẳng định, những biện pháp tích cực và có ý nghĩa trên đã mang lại những kết quả hết sức tích cực. Việc bảo tồn, gìn giữ di sản Mỹ Sơn đã thực sự có sự chung tay, đóng góp của cộng đồng. Từ đó, loại bỏ hoàn toàn sự tác động có hại của con người vào di tích, góp phần làm cho di tích phục sinh từng ngày. Diện tích rừng và cảnh quan xung quanh được gìn giữ, đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng được nâng cao.

Di sản được hình thành nên và gìn giữ bởi con người, đồng thời, cũng chính con người là đối tượng tác động tích cực hoặc tiêu cực vào di sản. Từ thực tế bảo tồn, phát huy di sản văn hóa Mỹ Sơn cho thấy vai trò quyết định và quan trọng của cộng đồng. Không có hàng rào bảo vệ di sản vững chắc nào bằng “hàng rào” được xây dựng bằng tình yêu và ý thức trách nhiệm của cộng đồng.

Tuy nhiên, những kết quả tốt đẹp chỉ có thể có được khi chúng ta có tư duy và cách tiếp cận đúng đắn, khoa học trong quá trình quản lý di sản dựa vào cộng đồng. Bởi mấu chốt chính vẫn là phải làm thế nào để cộng đồng thực sự hiểu biết, thực sự yêu quý giá trị di sản, thực sự trân trọng và “biết cách” hưởng lợi từ di sản - chứ không phải theo cách “chộp giật” - coi lợi ích kinh tế là tối thượng./.

Phan Hộ
Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn