28/03/2024 lúc 23:21 (GMT+7)
Breaking News

Bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội

Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, Việt Nam có một kho tàng vô cùng phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Kho tàng đó là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để các thế hệ hôm nay kế thừa, khai thác, phát huy phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, Việt Nam có một kho tàng vô cùng phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Kho tàng đó là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá để các thế hệ hôm nay kế thừa, khai thác, phát huy phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, đồng thời, khai thác tốt phương diện kinh tế của di sản, đóng góp hiệu quả cho ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, công cuộc này cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa.

Ảnh minh họa - TL

MỘT SỐ KHUYNH HƯỚNG ỨNG XỬ TRONG QUAN HỆ GIỮA BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Thứ nhất, bảo tồn di sản tốt, nhưng không khai thác được giá trị kinh tế.

Kiểu ứng xử này mang đậm dấu ấn của tư duy thời bao cấp, khi công cuộc bảo tồn di sản được Nhà nước đảm bảo về mọi mặt (tài chính, cơ sở vật chất, nguồn lực con người…), do đó, thường thụ động, ít chịu đổi mới, không dám nghĩ, dám làm, dẫn tới tình trạng nhiều khi để di sản nằm “đắp chiếu”, sống trên di sản mà vẫn “đói”.

Bên cạnh đó, còn có lý do xuất phát từ nhận thức, với quan điểm cho rằng bảo vệ di sản văn hóa là cần bảo tồn nguyên vẹn (nguyên trạng) các di sản văn hóa, không làm biến dạng, thay đổi hiện trạng của di sản. Theo quan diểm này, di sản là những báu vật còn sót lại của quá khứ, cho nên phải gìn giữ cẩn trọng, không để mất mát, suy suyển, mai một. Việc thay đổi, làm mới di sản có thể phủ lên các lớp văn hóa mới, làm cho các thế hệ sau không truy nguyên được những giá trị nguyên gốc của di sản. Do vậy có những ý kiến cho rằng: “Nói tới bảo tồn, ta cần phải nghĩ đến việc giữ gìn toàn bộ và nguyên vẹn đối tượng cần bảo tồn”(1) hay “Nếu hôm nay chúng ta giữ những thứ không thật, mai sau các thế hệ tiếp theo lại căn cứ vào những thứ không thật ấy để mà quy chiếu thì sẽ thật là thảm họa”(2). Một số nhà nghiên cứu còn lên án sự pha tạp giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại và đòi hỏi phải loại bỏ sự pha trộn thô kệch đó(3).

Điều này là hoàn toàn đúng đối với các di sản văn hóa vật thể. Với các công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa, di chỉ khảo cổ học (như quan niệm của UNESCO), hay  di tích lịch sử - văn hóa,danh lamthắng cảnh,divật,cổvật, bảovật quốcgia (như Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam), thì không thể nhân danh “bảo tồn phát triển” để làm mới các hiện vật, xâm hại các di tích, phá vỡ cảnh quan các danh lam thắng cảnh. Làm như vậy sẽ là một sự phá hoại di sản, là có tội với cha ông, là tự mình đánh mất những kho tàng vô giá của quá khứ. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần của các Hiến chương, Công ước quốc tế như: Hiến chương Athens về bảo tồn di sản văn hóa (1931), Hiến chương Venice về bảo tồn và trùng tu di tích (1964), Hiến chương Bura (1979), Văn kiện Nara (1994),  Nguyên tắc chỉ đạo việc giáo dục và đào tạo về bảo vệ di tích, cụm công trình và di chỉ của ICOMOS (1993), Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (1972) của UNESCO, v.v... Bảo tồn nguyên trạng ở đây được hiểu là cần giữ nguyên trạng thái khi nó được phát hiện, được xếp hạng di tích, được luật hóa.

Tuy nhiên, bảo tồn tốt không có nghĩa là khư khư giữ nguyên di sản mà không biết khai thác, phát huy các giá trị của nó. Hiện nay, nhiều địa phương sở hữu những di sản rất quý, đầy tiềm năng để khai thác phát huy, nhưng do vẫn trung thành với cách làm cũ, tư duy theo lối mòn, không năng động đổi mới, nên nhiều khi sống trên di sản mà không khai thác được giá trị di sản. Một số bảo tàng sở hữu những cổ vật, bảo vật quý giá, nhưng do lo lắng mất mát, hư hại đã chủ yếu thiên về bảo vệ, cất giữ di sản, thậm chí cho vào kho khóa kỹ, cách ly với đời sống xã hội.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, nhiều ý kiến lên án những cải biên, nâng cao, phát triển. Ví dụ như phải tuân thủ lối hát của Quan họ cổ, Ca Trù phải hát “đúng như các cụ ngày xưa”, lễ hội phải chuẩn chỉnh như truyền thống… Nhưng như vậy thì rất khó phát huy giá trị của di sản trong đời sống đương đại, không hấp dẫn được công chúng thời đại mới, nhất là giới trẻ.

Có thể thấy, nếu chỉ quan tâm đến bảo tồn di sản, giữ gìn truyền thống mà khước từ mọi yếu tố mới, bảo tồn “đông lạnh” di sản thì sẽ rất khó phát huy giá trị của di sản, không khai thác được phương diện kinh tế, không phục vụ được mục tiêu phát triển.

Thứ hai, khai thác giá trị kinh tế tốt, nhưng bảo tồn di sản kém.

Đây là khuynh hướng khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết. Vì thế, khai thác cạn kiệt di sản, xâm hại, thậm chí bóp méo di sản để thu lợi.              

Hiện nay di sản văn hóa đang trở thành một nguồn lực lớn, một tài nguyên nhân văn đầy tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, do vậy nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân đã tận dụng thế mạnh này để khai thác tốt đa giá trị kinh tế của di sản.

Tuy nhiên, trong không ít trường hợp do quá quan tâm đến phương diện kinh tế, đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, nên đã đặt nhẹ công tác bảo tồn, chỉ cốt sao doanh thu càng nhiều càng tốt.

Trên phương diện lý luận, nhiều người biện hộ rằng đó chính là quan điểm “bảo tồn phát triển”. Với cách tiếp cận này, họ cho rằng có thể biến di sản thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, thành sản phẩm du lịch, sự kiện văn hóa đóng góp vào nguồn thu ngân sách quốc gia(4). Việc bảo tồn không nhất thiết phải phụ thuộc 100% vào những cứ liệu của quá khứ mà có thể có thêm những sáng tạo, đưa thêm những yếu tố văn hóa mới nhằm gia tăng tính hấp dẫn của di sản.

Từ quan điểm này đã dẫn đến khuynh hướng hoành tráng hóa di sản, cố gắng làm cho di sản “to đẹp” hơn, “hiện đại” hơn, nổi tiếng hơn để thu hút khách. Các địa phương đua nhau tôn tạo, làm mới di tích, “nâng cấp di sản”. Năm 2012, chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, Tp Hà Nội) đã bị trùng tu, tôn tạo theo kiểu “làm mới di tích” bằng những nguyên vật liệu, cấu kiện mới, thậm chí đập đi xây mới hoàn toàn nhà Tổ và gác Khánh. Ngoài ra còn hàng loạt trường hợp trùng tu, tôn tạo không quan tâm đến yếu tố gốc như: Lăng Ngô Quyền (2014), Tam quan chùa Bổ Đà (2017), Bia Quốc học Huế (2017), xây mới tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam (2017), v.v… Người ta thậm chí còn dám làm động giả, chùa giả, “biến không thành có” để thu lời, kiếm chác. Vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An từng ngang nhiên bị xẻ núi dựng cột bê tông làm đường dài hơn 1km với hơn 2.200 bậc, v.v…

Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được quan tâm làm cho “hoành tráng”. Người ta đua nhau lập các “kỷ lục Guinness”, như: dàn đồng ca với 3.500 liền anh, liền chị Quan họ ở Bắc Ninh (năm 2012), bánh chưng khổng lồ nặng 5,7 tấn dâng lễ tại đền Quốc Mẫu Âu Cơ, Hưng Yên (2014), bánh dày nặng hơn 2 tấn tại lễ hội cầu phúc đền Độc Cước, Thanh Hóa (2017) hay những trống đồng lớn nhất, lọ lục bình to nhất, đoàn trình diễn áo dài đông nhất, v.v...

Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng, khai thác cạn kiệt di sản không tính đến đặc điểm, tính chất, tuổi thọ của chúng. Đơn cử như việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, các sự kiện lớn, ăn uống, tiệc tùng trong trong các hang động của Vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng… Theo các nhà địa chất học, việc sử dụng âm thanh, ánh sáng cường độ lớn, tụ tập đông người sẽ làm tăng nhiệt độ và khí CO2, SO2, H2S, kích thích nấm mốc, rêu, địa tảo phát triển, xâm hại các thạch nhũ và măng đá mà thiên nhiên phải kiến tạo hàng ngàn năm mới có được. Trong khi đó, ở các nước người ta thậm chí còn phải đóng cửa định kỳ hang động để cho chúng nghỉ ngơi, phục hồi sau một thời gian khai thác.

Xu hướng thương mại hóa di sản thể hiện ở những nỗ lực mở rộng quy mô lễ hội, bóp méo bản chất của diễn xướng dân gian, ngụy tạo các sinh hoạt văn hóa cổ truyền, cốt sao thu hút được càng nhiều du khách càng tốt nhằm thu lợi từ các dịch vụ liên quan. Nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ được đưa lên sân khấu, hoặc được tổ chức tùy tiện khắp nơi: trên vỉa hè, trong quán xá, thậm chí là trong đám cưới.

Chính điều đó đã góp phần là dung tục hóa, tầm thường hóa, giải thiêng hóa di sản, như đối với cồng chiêng Tây Nguyên (phục vụ du lịch ở Lạc Dương, Lâm Đồng), nhã nhạc cung đình Huế (tại các fesstival Huế), hát Xoan (phục vụ du khách ở Phú Thọ), hay trình diễn Ca Trù, Ví Giặm phục vụ thực khách tại các nhà hàng, khách sạn… Đến những loại hình di sản “tài tử”, “nghệ thuật vị nghệ thuật” vốn không quan tâm đến khía cạnh kinh tế như Đờn ca tài tử, Dân ca Quan họ Bắc Ninh... cũng được khai thác để “xin tiền”.

Từ phương diện kinh tế, có thể những cách tân, làm mới này sẽ tạo nên sự sinh động, mới lạ, hấp dẫn đối với công chúng dẫn tới doanh thu cao. Nhưng từ phương diện văn hóa, đây là sự bóp méo, làm sai lệch di sản. Nguy hiểm hơn là công chúng, du khách trong nước và quốc tế sẽ có những hiểu biết, nhận thức hoàn toàn sai lạc về di sản văn hóa của Việt Nam.

Tất cả những điều đó góp phần tạo nên những “thực hành xấu” trong bảo tồn di sản văn hóa, đôi khi trở nên phi văn hóa, đi ngược lại tinh thần bảo tồn di sản của UNESCO và Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, quá trình “sân khấu hóa”, “sáng tạo truyền thống” đã làm thay đổi bản chất, nội dung, ý nghĩa của nhiều di sản(5).

Về lâu dài, việc quá coi trọng mục tiêu kinh tế, đặt doanh thu, lợi nhuận lên trên hết mà không chú ý đến nhu cầu bảo tồn giá trị di sản văn hóa có thể tạo ra những hệ lụy về phát triển văn hóa - xã hội, cản trở sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Thứ ba, cân đối, hài hòa giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, những di sản nào được đối xử một cách thỏa đáng cả hai vế bảo tồn và phát huy, giữ gìn và khai thác thì sẽ thu được kết quả khả quan và dài lâu. Đây là khuynh hướng ứng xử với di sản lý tưởng nhất và được khuyến khích nhất, như vậy, sẽ đạt được “mục tiêu kép” vừa bảo vệ được di sản, vừa đạt được mục tiêu kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng là một bài toán khó không dễ gì thực hiện và hiện nay chỉ có một số di sản đạt tới.

Hội An là một ví dụ tiêu biểu về sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Các ngôi nhà cổ với những nét kiến trúc Nhật Bản và Trung Hoa đa phần được quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo vệ đúng quy cách; các đền, chùa, hội quán vẫn giữ được bản sắc riêng; những đêm Rằm phố cổ vừa giữ được không khí cổ xưa, vừa mang hơi thở cuộc sống mới…

Quần thể di tích cố đô Huế, sau một thời gian bị UNESCO đưa vào “danh sách đen”, đến nay đã trở thành nơi bảo tồn khá tốt các giá trị cảnh quan, kiến trúc, nghệ thuật cũng như các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với vùng đất cố đô, với con người Huế. Những kỳ festival với sự góp mặt của các làng nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, trang phục phối hợp cùng với các sự kiện văn hóa mới đã ngày càng khẳng định thương hiệu. Năm 2019, tổng lượng khách tham quan các di tích cố đô Huế đạt hơn 3,5 triệu lượt, tổng doanh thu bán vé đạt gần 388 tỷ đồng (tăng 1,6% so năm 2018), doanh thu dịch vụ đạt gần 19 tỷ đồng.

Tại Vịnh Hạ Long, sau khi bị UNESCO đưa vào danh sách khuyến nghị, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng cải thiện và đạt nhiều bước tiến trong việc kết hợp giữa khai thác cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những hình thức lễ hội mới như trình diễn đường phố, carnaval, ẩm thực đường phố… Năm 2019, Vịnh Hạ Long đã đón được 4,4 triệu khách, trong đó có 2,9 triệu khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 1.237 tỷ đồng.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là mô hình vừa bảo tồn rất tốt các giá trị di tích, hiện vật, cảnh quan, vừa kết hợp tổ chức những sự kiện văn hóa, nghệ thuật, hoạt động du lịch đa dạng tạo được nguồn thu lớn và sức sống cho di sản. Nhờ vậy, năm 2019, khu di tích đã đón tiếp được hơn 2 triệu lượt khách tham quan trong nước và quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 45,7 tỷ đồng.

Trong quá trình khai thác di sản cần đảm bảo cân bằng mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Kinh tế và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc, bổ sung cho nhau. Hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh kinh tế của di sản văn hóa để tạo động lực cho phát triển và di sản văn hóa cần được nhìn nhận như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng không thể vì mục tiêu kinh tế, mục tiêu lợi nhuận mà không đếm xỉa đến các mục tiêu văn hóa, giữ gìn các giá trị văn hóa. Không thể “hy sinh” di sản, “hy sinh” văn hóa vì mục tiêu kinh tế.

Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa hai quá trình bảo tồn và phát huy. Những ví dụ thất bại về giải quyết mối quan hệ này trong đại đa số trường hợp đều là do quá coi trọng vế khai thác, lạm dụng quá mức di sản mà không quan tâm đến công tác bảo vệ, bảo tồn. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã rất chú trọng đến việc tính toán khả năng, sức chứa của di sản để khai thác đúng mức, “tới hạn”, điều tiết lượng du khách đến thăm.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng không nên quá thận trọng, chỉ chăm lo bảo tồn, giữ gìn mà không biết khai thác, phát huy giá trị di sản. Như vậy, vô hình chung lại rơi vào cực trì trệ, thụ động, để lãng phí một nguồn tài nguyên nhân văn có thể phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, có thể tập trung vào một số giải pháp như sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trước hết, cần tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho chính các cấp lãnh đạo của chính quyền địa phương. Hiện nay, nhận thức, sự quan tâm về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của ngay tầng lớp lãnh đạo ở nhiều địa phương cũng chưa thực sự thấu đáo, đầy đủ thể hiện trên những phương diện sau: 1) Chưa có thông tin, hiểu biết sâu sắc, đúng đắn về các quan điểm, nguyên tắc bảo tồn và phát huy di sản, từ đó dẫn đến những định hướng, quyết sách sai lầm, chệch hướng; 2) Hiểu biết chưa thấu đáo về bản chất, ý nghĩa của các danh hiệu di sản (của UNESCO, cấp quốc gia, cấp tỉnh…), dẫn đến tình trạng chạy đua theo danh hiệu, theo hình thức, phong trào mà không đi vào thực chất; 3) Coi di sản chủ yếu là để phục vụ phát triển du lịch, du lịch là cứu cánh để bảo vệ di sản.

Để khắc phục những hiểu biết sai lệch như vậy, trước hết, cần nâng cao nhận thức cho “quan trí” đồng thời với nâng cao dân trí. Muốn tránh những tranh cãi vô ích về nguyên tắc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, thì tốt nhất là căn cứ vào các quan điểm, định hướng của UNESCO (qua các Công ước về di sản văn hóa năm 1972 và 2003, các cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các di sản được UNESCO ghi danh). Nhìn chung, những “thực hành tốt” theo đánh giá của UNESCO sẽ là  những khuôn mẫu, tiêu chí để tham khảo trong việc ứng xử với di sản.

Đối với các di sản văn hóa vật thể, phải ưu tiên hàng đầu việc bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của chúng. Cố gắng lưu giữ và chuyển giao tính chân xác lịch sử của chúng cho các thế hệ tiếp theo - những người sẽ có các điều kiện vật chất và kỹ thuật chắc chắn hơn chúng ta để đưa ra những phương án bảo tồn thích hợp hơn. Cần cố gắng duy trì những chức năng truyền thống của di sản bên cạnh việc tạo lập những công năng mới của chúng.

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, hoạt động bảo tồn và phát huy chính là để giữ gìn những vốn quý của văn hóa truyền thống, đồng thời thổi luồng sinh khí mới tiếp sức cho nó tồn tại trong cuộc sống đương đại. Như vậy, bảo vệ di sản chính là “giữ lửa và tiếp lửa” cho di sản.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng là chủ thể của di sản hoặc sống dựa vào di sản. Tăng cường phổ biến pháp luật, trang bị cho họ những hiểu biết, kiến thức về giá trị của di sản, các nguyên tắc ứng xử với di sản để góp phần khắc phục tình trạng thương mại hóa, hoành tráng hóa, giải thiêng hóa di sản.

Đặc biệt để hướng tới phát triển bền vững, cần giáo dục ý thức và hành động ứng xử với môi trường, không xả rác bừa bãi, phá vỡ cảnh quan, xâm hại môi trường sinh thái.

Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di sản.

Trước hết, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa. Mặc dù chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa từ năm 2001 và bổ sung, sửa đổi năm 2009, nhưng nhiều thuật ngữ, khái niệm, nội dung của Luật này còn chưa tương thích với các văn kiện quốc tế, nhất là với hai Công ước năm 1972 và 2003 của UNESCO. Do vậy, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật cũng như xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện sao cho đạt hiệu lực, hiệu quả cao.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực thi các văn bản quản lý, các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm. Cần có chế tài xử phạt phù hợp, nghiêm khắc, đủ sức răn đe để hạn chế các tái phạm.

Tuân thủ và thực hiện nghiêm các Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án, Dự án về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kiểm kê, làm hồ sơ khoa học cho các di sản, làm căn cứ cho công tác bảo tồn và phát huy.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn và phát huy di sản. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, năng lực tốt về quản lý di sản văn hóa.

Phân bổ hợp lý và quản lý tốt các nguồn lực đầu tư trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ba là, phát huy vai trò của cộng đồng.

Phát huy vai trò tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khuyến khích cộng đồng tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy di sản. Trao quyền cho cộng đồng trong quản lý di tích, danh thắng, tổ chức lễ hội, thực hành di sản văn hóa phi vật thể…

Muốn vậy phải xử lý hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa Nhà nước và cộng đồng trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ di sản. Phân định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi từ cả hai phía. Cần đảm bảo các hoạt động kinh tế lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế và xã hội tới tất cả những người được hưởng lợi từ di sản, từ đó kích thích họ tự nguyện, tự giác bảo vệ di sản, tạo nên chất keo gắn kết cộng đồng với di sản. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác nhau trong việc bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cũng cần tránh xu hướng “hành chính hóa”, “Nhà nước hóa” di sản, chính quyền “lấn sân”, làm thay người dân trong thực hành di sản. Việc làm này vô hình trung sẽ đẩy người dân rời xa bản chất của di sản và tách di sản ra khỏi môi trường sống đích thực của nó. Chỉ khi người dân có hiểu biết sâu sắc và có sự tham gia chủ động vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, thì khi đó hiệu quả mới bền vững, lâu dài.

Hiện nay phát triển dựa vào cộng đồng đang là một xu thế của thế giới và là một trong các giải pháp hữu hiệu để khai thác bền vững di sản. Các công ước của UNESCO cũng luôn đề cao vai trò của cộng đồng - những chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo, duy trì và trao truyền di sản văn hóa.

Bốn là, tận dụng vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia, phản biện xã hội trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững đạt được hiệu quả cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội từ nhiều phía: nhà quản lý, cộng đồng, các cơ quan truyền thông, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản.

Thực tiễn cho thấy, báo chí và các cơ quan truyền thông là một kênh giám sát các hoạt động bảo tồn và khai thác di sản rất hữu hiệu, sâu sát. Với lực lượng thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế, các cơ quan quản lý khó có thể bao quát  hết các hoạt động trong lĩnh vực di sản diễn ra trên cả nước. Chính các nhà báo và dư luận xã hội là đội ngũ kiểm soát đắc lực cho công cuộc này. Rất nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc, các hiện tượng tiêu cực trong ứng xử với di sản được báo đài đưa tin hay người dân phản ánh thông qua mạng xã hội, đã kịp thời cung cấp thông tin đến các nhà quản lý.

Cần tranh thủ ý kiến đóng góp, tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản, nhất là đối với những trường hợp phức tạp, nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi.

Cần tận dụng sự hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật của các chuyên gia  UNESCO (đang làm việc trong các Dự án của UNESCO tại Việt Nam hay ở Văn phòng UNESCO tại Hà Nội). Ví dụ, TS. Frank Proschan đã có những buổi thuyết trình rất hữu ích về các danh hiệu di sản của UNESCO và truyền đạt một cách chính xác, khách quan tinh thần của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Một dân tộc muốn phát triển đi lên không thể không giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa quý giá từ quá khứ. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, sự chủ động linh hoạt vận dụng các nguyên tắc khoa học để lựa chọn phương án bảo tồn tối ưu, làm sao vừa khai thác được tiềm năng kinh tế của di sản, vừa giữ gìn được các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật của chúng, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản.

GS.TS. Từ Thị Loan
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam 
Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia

----------------------------------------------------

(1) Tô Vũ: Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc, H, 2002, tr. 242.

(2) Phỏng vấn GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

(3) Đinh Gia Khánh - Lê Hữu Tầng, “Hội lễ dân gian truyền thống trong thời hiện đại”, in trong sách Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 1993, tr. 28.

(4) Bùi Quang Thắng: Tổ chức lễ hội như là tổ chức sự kiện, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 318, tháng 12/2010, tr.28.

(5) Lê Hồng Lý, Đào Thế Đức, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Cầm: Vai trò của môi trường thực hành văn hóa trong việc bảo tồn di sản: Bài học từ các dự án bảo tồn di sản cồng chiêng và nhã nhạc, trong sách Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội Việt Nam đương đại (trường hợp Hội Gióng). Nxb Văn hóa Thông tin, H, 2012.