29/03/2024 lúc 21:39 (GMT+7)
Breaking News

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hòa Bình: Hiệu quả từ sáng kiến đôn đốc thu, thu nợ

VNHN - Nhằm khắc phục những hạn chế trong thực hiện công tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn, từ những kinh nghiệm thực tế trong công tác, Trưởng phòng Quản lý Thu, BHXH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Mạnh Cường đã ấp ủ và xây dựng sáng kiến "Các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN thông qua việc khai thác, sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm TST".

VNHN - Nhằm khắc phục những hạn chế trong thực hiện công tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn, từ những kinh nghiệm thực tế trong công tác, Trưởng phòng Quản lý Thu, BHXH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Mạnh Cường đã ấp ủ và xây dựng sáng kiến "Các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN thông qua việc khai thác, sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm TST".

Được biết, trong những năm qua, công tác đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH tỉnh Hòa Bình được triển khai thực hiện theo quy định và đã đạt những kết quả nhất định. Tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN năm sau giảm hơn năm trước, hằng năm thu, phát triển đối tượng, giảm nợ đọng đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao của BHXH Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện; tổng số đơn vị nợ và tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN hằng tháng, quý cao hơn so với chỉ tiêu giao của BHXH Việt Nam; phát sinh nhiều số đơn vị phải thanh tra đột xuất về đóng BHXH, BHYT, BHTN trên phần mềm TST; ý thức chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại một số doanh nghiệp chưa cao; các đơn vị nợ kéo dài, khó đòi, các đơn vị chủ bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản còn tồn đọng từ nhiều năm trước chưa có văn bản xử lý dẫn đến số nợ kéo dài (cả tiền lãi cộng dồn) chiếm gần 50% trong số nợ từng năm làm tỷ lệ nợ cao.

Trong thời gian qua việc thay đổi, biến động cán bộ làm công tác thu, đồng thời phải triển khai nhiều nhiệm vụ mới phát sinh như lập danh sách hộ gia đình, đồng bộ cấp mã số BHXH, nhập cơ sở dữ liệu sổ BHXH trả người lao động… dẫn đến khối lượng việc nhiều, nguồn nhân lực hạn chế công tác quản lý nợ, đôn đốc thu nợ và phát triển đối tượng còn có lúc chưa được thực hiện thường xuyên.

Trăn trở với công việc, anh Cường mạnh dạn đề xuất xây dựng Các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN thông qua việc khai thác, sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm TST.

Chia sẻ về sáng kiến này, Trưởng phòng Quản lý Thu nhớ lại, ngày 30/01/2019, BHXH Việt Nam có Công văn số 341/BHXH-BT yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phải tổ chức thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất đối với tất cả các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN có số tiền nợ trên 50 triệu đồng trên phần mềm TST để giảm tỷ lệ nợ trên địa bàn. Trước yêu cầu này, để thực hiện có hiệu quả cao ý kiến chỉ đạo về công tác đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN thông qua việc khai thác, sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm TST, trước hết phải có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện, tiếp theo cần phải phân loại các đơn vị nợ từ 3 tháng có số tiền nợ BHXH lớn từ 30 triệu đồng trở lên, trên cơ sở đó đề ra các định hướng và nhiệm vụ trọng tâm.

Sau khi tiến hành đánh giá, phân tích, bằng những số liệu, dẫn chứng cụ thể, anh Cường cùng các đồng nghiệp đã chỉ ra, trong thời điểm đó chưa nhất thiết phải thanh tra đối với tất cả các đơn vị trên phần mềm tự động thanh tra nhưng phải đảm bảo mục tiêu vừa giảm được tỷ lệ nợ trong tháng, giảm số đơn vị và số cuộc tiến hành thanh tra đột xuất.

Với kinh nghiệm gần 10 năm phụ trách công tác thu, và hơn 10 năm làm công tác khai thác, thu nợ BHYT, anh Cường nhận định, muốn đôn đốc thu, thu nợ hiệu quả trước hết phải nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động. Thực tế, nhiều đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được cơ quan BHXH huyện, thành phố thực hiện đôn đốc thu, thu nợ tại đơn vị vẫn cố tình không đóng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, nhưng lại có tâm lý chung là không muốn hoặc lo sợ khi bị tiến hành thanh tra.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng phòng Quản lý Thu, BHXH tỉnh Hòa Bình

Nắm bắt được tâm lý đó, cần phải tạo ra các căn cứ nhằm thẳng vào ý thức trên của các doanh nghiệp để cho BHXH huyện, thành phố tổ chức đôn đốc thu, thu nợ có hiệu quả. Cụ thể, hàng tháng, lập danh sách những đơn vị trên phần mềm TST đính kèm văn bản yêu cầu BHXH huyện, thành phố bàn giao hồ sơ nợ của những đơn vị này báo cáo về BHXH trước ngày 25 của tháng để tiến hành thanh tra chuyên ngành đột xuất. Đồng thời chỉ đạo BHXH huyện, thành phố có kế hoạch phân công chuyên quản trực tiếp mang văn bản trên đến các đơn vị có tên trong danh sách vừa trực tiếp đôn đốc thu, thu nợ, vừa tuyên truyền, vận động đơn vị chấp hành đúng pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Trong trường hợp cố tình không chấp hành, BHXH tỉnh sẽ tiến hành thanh tra và xử lý theo quy định… Cách làm này hướng tới mục tiêu là không phải tiến hành thanh tra mà vẫn thu được nợ.

Đối với tổ chức thực hiện thanh tra đột xuất về đóng theo phần mềm TST, bên cạnh hồ sơ xác định nợ, tổ thanh tra cần khảo sát tình hình hoạt động, số liệu về sử dụng lao động của đơn vị có trả lương, quyết toán thu nhập qua cơ quan Thuế, Kế hoạch và Đầu tư để từ đó có thêm cơ sở trước khi tham mưu ban hành Quyết định thanh tra.

Trong quá trình tiến hành thanh tra, tổ thanh tra phải vừa tổ chức thực hiện theo các quy định hiện hành nhưng đồng thời phải kết hợp với vận động, tuyên truyền, giải thích để đơn vị sử dụng lao động hiểu rõ nếu không thực hiện đóng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN hoặc không tham gia BHXH đầy đủ cho người lao động thì đơn vị sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và xử lý theo Bộ luật Hình sự… Giải pháp này hướng tới mục tiêu khi kết thúc cuộc thanh tra là thu được nợ và thu đúng, đủ đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.

Sau một thời gian áp dụng giáp pháp đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản như đạt được kết quả cao, hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu theo tháng, quý của BHXH Việt Nam giao năm 2019; giảm số đơn vị phải thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm TST; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị sử dụng lao động; đảm bảo theo các quy định của pháp luật… Hiệu quả rõ nét mà sáng kiến mang lại đó là tổng số đơn vị nợ hàng tháng trên phần mềm thanh tra tự động chưa tiến hành thanh tra là 117 đơn vị; tổng số đơn vị nợ hàng tháng còn phải tiến hành thanh tra trên phần mềm TST sau khi đã áp dụng giải pháp trên 28 đơn vị. Kết quả, 89 đơn vị đã chuyển hết tiền sau khi được đôn đốc thu nợ mà không phải tiến hành thanh tra; với tổng số tiền đã chuyển là trên 7,3 tỷ đồng. Toàn tỉnh cũng đã tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất tự động trên phần mềm TST với 28 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, số tiền đã khắc phục sau thanh tra là trên 3,8 tỷ đồng; truy thu 38 người lao động chưa được đơn vị tham gia BHXH. Ước giảm chi phí nếu phải tổ chức thanh tra tại 89 đơn vị với số tiền trên 320 triệu đồng; Ước giảm thời gian nếu phải tổ chức thanh tra tại 89 đơn vị trên 250 ngày.

Anh Cường vui vẻ chia sẻ, qua áp dụng các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác đôn đốc thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN thông qua việc khai thác, sử dụng chức năng tự động thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất trên phần mềm TST đã góp phần vào kết quả hoàn thành đạt và vượt mức chỉ tiêu của BHXH tỉnh Hòa Bình. Theo đó, tính đến ngày 31/12/2019, số thu BHXH, BHYT, BHTN trên toàn địa bàn tỉnh là 1.911.581 triệu đồng, tăng 106.524 triệu đồng (5,9%) so với cùng kỳ năm 2018, đạt 101,5% so với số kế hoạch BHXH Việt Nam giao; số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 39.155 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 2,08% và giảm 0,5% so với kế hoạch giao./.