28/03/2024 lúc 22:07 (GMT+7)
Breaking News

Báo Hàn Quốc khen Việt Nam gắn kết ASEAN trong phòng chống dịch Covid-19

VNHN - Dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến kinh tế các nước ASEAN bao gồm cả Việt Nam, qua đó cho thấy sự cần thiết phải tăng cường cơ chế hợp tác.

VNHN - Dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến kinh tế các nước ASEAN bao gồm cả Việt Nam, qua đó cho thấy sự cần thiết phải tăng cường cơ chế hợp tác.

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò kép khi vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam được kỳ vọng tạo được sự đồng thuận chung trong ASEAN đối với nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời nâng cao vai trò, tiếng nói của ASEAN trên trường quốc tế.

Báo Asiatoday - một trong những tờ báo lớn của Hàn Quốc ngày 11/3/2020 đã đăng bài viết với nội dung đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với sự phát triển và đoàn kết của ASEAN, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với Việt Nam. Đây là một cơ hội tuyệt vời để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế khi Việt Nam đồng thời đảm nhiệm vai trò kép là Chủ tịch ASEAN và là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, Việt Nam đang khẳng định được vai trò Chủ tịch ASEAN và coi đây như là một cơ hội để mang lại sự đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Ngay sau tuyên bố chung “các quốc gia ASEAN tăng cường hợp tác ưu tiên đối phó với dịch virus corona chủng mới” của ASEAN do Việt Nam chủ trì với tư cách Chủ tịch ASEAN (ngày 14/2), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt Trung Quốc - ASEAN đã được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào để tăng cường hợp tác đối phó với dịch Covid-19. Dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng đến kinh tế các nước ASEAN bao gồm cả Việt Nam, qua đó cho thấy sự cần thiết phải tăng cường cơ chế hợp tác trong ASEAN.

Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN được đánh giá là một điển hình cụ thể cho khẩu hiệu “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Trên cơ sở đề xuất của Việt Nam, một cuộc tham vấn giữa Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và ASEAN lần đầu tiên được tổ chức sau 52 năm ASEAN được thành lập. Cuối tháng 1/2020, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã tham dự Hội đồng Bảo an và thảo luận về các phương án tham vấn.

Nhiều quốc gia thành viên ASEAN cũng mong muốn tăng cường hơn nữa vị thế của ASEAN trong cộng đồng quốc tế. Các chương trình nghị sự như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), dự kiến sẽ được ký kết tại Việt Nam trong năm nay và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng được kỳ vọng sẽ đạt được kết quả mang tính thực chất khi Việt Nam nắm quyền Chủ tịch ASEAN.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) đã thống nhất đưa ra Tuyên bố chung về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN đối phó với dịch Covid-19. Ảnh Internet

Trong phần kết thúc, bài báo đã trích dẫn đánh giá của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) Choi Sing Kwok về khả năng dẫn dắt, lãnh đạo cũng như vai trò của Việt Nam trong việc nâng cao vị thế của ASEAN trên trường quốc tế: “Việc đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đem lại cho Việt Nam cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo trên toàn cầu và đương nhiên sẽ đem lại lợi ích cho ASEAN. Lập trường, quan điểm và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ được thể hiện trên trường quốc tế”.

Kể từ khi gia nhập ASEAN (7/1995) đến nay, Việt Nam luôn là một quốc gia thành viên tích cực, có trách nhiệm và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển, lớn mạnh của Hiệp hội này. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, trong đó có việc đề xuất một số sáng kiến và đã được hiện thực hóa như cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+)

Thành lập Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN, đồng thời tạo được sự đồng thuận về quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á cho Nga và Mỹ tham gia. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và quốc tế diễn biến nhanh chóng, phức tạp, đặc biệt là sự đe dọa của đại dịch Covid - 19 hiện nay.

Tuy nhiên, với chính sách đổi mới, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, có những bước tiến vượt bậc cả về kinh tế và chính trị, nổi lên là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất, một đối tác tin cậy trong khối ASEAN, khu vực và quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng, sự tự tin cũng như kinh nghiệm để thực hiện thành công đồng thời hai trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó khẳng định vị thế, uy tín cũng như năng lực lãnh đạo chiến lược, dẫn dắt ASEAN ngày càng phát triển, lớn mạnh và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế.