16/04/2024 lúc 16:20 (GMT+7)
Breaking News

Bảo đảm đủ nguồn hàng, giá cả ổn định trong dịp Tết Tân Sửu 2021

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, để phục vụ nhu cầu của người dân, tính đến thời điểm này, các địa phương lớn trên cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng đã sẵn sàng kế hoạch cung ứng nguồn hàng hóa dồi dào với giá cả ổn định. Nhiều doanh nghiệp (DN) thương mại cũng khẳng định, người tiêu dùng (NTD) không cần lo tình trạng khan hàng, "sốt" giá đột biến do đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa từ rất sớm, kèm theo nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu các mặt

Chỉ còn khoảng một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, để phục vụ nhu cầu của người dân, tính đến thời điểm này, các địa phương lớn trên cả nước như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng đã sẵn sàng kế hoạch cung ứng nguồn hàng hóa dồi dào với giá cả ổn định. Nhiều doanh nghiệp (DN) thương mại cũng khẳng định, người tiêu dùng (NTD) không cần lo tình trạng khan hàng, "sốt" giá đột biến do đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa từ rất sớm, kèm theo nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu các mặt hàng vào thời điểm cận Tết.

Cấp tập chuẩn bị nguồn hàng

Người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm hàng hóa tại siêu thị Vinmart Royal City (Hà Nội).

Trong 5 năm trở lại đây, nhiều DN thương mại đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, đưa hệ thống phân phối về tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và kéo dài thời gian mở bán các điểm bán lưu động, cố định đến tận chiều tối 30 Tết, mở cửa trở lại vào mồng 4 Tết, cho nên phần lớn người dân không còn giữ thói quen tích lũy hàng hóa để sử dụng dần trong dịp Tết như trước, mà mua sắm tùy theo nhu cầu thực tế. Mặc dù vậy, như mọi năm, nhu cầu mua sắm trong dịp Tết tăng đột biến từ 15 đến 20% theo từng nhóm hàng. Do vậy, hầu hết các DN vẫn cấp tập bổ sung dự trữ nguồn hàng để chủ động phương án cung ứng, tránh xảy ra việc khan hàng, tăng giá bán khi có biến động lớn từ thị trường. Trong đó, ưu tiên dự trữ những nhóm hàng bình ổn thị trường như: gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản...

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sức mua các sản phẩm bánh kẹo trong dịp Tết năm nay sẽ giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tuy nhiên các đơn vị sản xuất vẫn sẵn sàng nguồn hàng. Ðơn cử, Công ty bánh kẹo Bibica đã chuẩn bị lượng hàng tương đương năm 2020. Dự kiến, Bibica sẽ đưa ra thị trường 3.000 tấn bánh kẹo phục vụ nhu cầu đa dạng của NTD trong dịp Tết Tân Sửu 2021, với hơn 80 chủng loại sản phẩm cho các phân khúc khác nhau, trong đó điểm nhấn là bộ sản phẩm bánh Goody được trau chuốt và làm mới tỉ mỉ từ chất lượng đến hình thức sản phẩm. Ðáng chú ý, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến một số mặt hàng trong nước khan hiếm nguồn cung, giá một số nguyên vật liệu tăng từ 7 đến 28%, nhưng Bibica vẫn cam kết không tăng giá bán bất cứ sản phẩm nào. Trong khi đó, với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ dịp Tết, nhiều DN đã có kế hoạch chi tiết để chủ động sản xuất, kìm hãm tăng giá, bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường. Hiện Công ty cổ phần Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã hoàn thành kế hoạch chuẩn bị cho thị trường Tết, trong đó có 2.300 tấn thịt tươi sống, 5.200 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 10% so với năm trước với tổng giá trị hàng hóa khoảng 900 tỷ đồng, tăng 11% so với Tết năm 2020. Vissan cũng lên phương án tăng cường hợp tác với các trang trại nhằm tăng khả năng tự cung ứng để chủ động về giá bán, cam kết giữ giá ổn định. Ðồng thời, thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 5 đến 10% các sản phẩm chế biến và tươi sống.

Riêng đối với các DN bán lẻ, việc dự trữ, bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết về cơ bản đến nay đã hoàn tất. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Ðỗ Tuệ Tâm, sau 12 năm tham gia chương trình bình ổn thị trường, Hapro hiện có 100 điểm bán lẻ, bảo đảm phục vụ nhân dân Thủ đô tốt nhất, nhất là vào dịp Tết. Hiện lượng hàng dự trữ của Hapro dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng, riêng giá trị hàng bình ổn khoảng 200 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều mặt hàng thế mạnh như: gạo, rượu, hạt điều, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm..., triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng với nhiều khuyến mãi, giảm giá, tặng kèm sản phẩm, chính sách giao hàng tại nhà. Tương tự, đại diện Central Retail tại Việt Nam, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Big C cho biết, dự báo nhu cầu mua hàng thực phẩm tươi sống của NTD tại hệ thống siêu thị Big C sẽ tăng khoảng 50% trong dịp Tết, cho nên DN đã làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn cung ứng thịt lợn tăng khoảng 20%, thịt gia cầm 25% so với Tết năm 2020 nhằm chủ động giá bán. Theo đó, từ nay tới Tết Nguyên đán, Big C sẽ triển khai đa dạng hoạt động khuyến mãi áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Ðồng thời, cam kết không tăng giá bán đối với hơn 10 nghìn sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh,... Bên cạnh đó, DN cam kết bán thịt lợn tươi theo giá vốn, không lấy lợi nhuận nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Tiếp tục theo sát diễn biến thị trường

Theo thông tin từ Sở Công thương TP Hà Nội, đến nay 30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn ước tổng giá trị đạt 39.400 tỷ đồng. Các DN thương mại Hà Nội cũng đã có mức dự trữ tăng gấp hai đến ba lần so với chỉ đạo chung của thành phố và tăng từ 7 đến 22% so dịp Tết năm 2020. Từ nay đến Tết, Sở Công thương Hà Nội sẽ tổ chức loạt sự kiện xúc tiến thương mại như: triển khai 12.443 điểm bán hàng bình ổn giá, các hội chợ hàng hóa nông sản, thực phẩm trong tháng 1 và tháng 2 với quy mô dự kiến khoảng 300 gian hàng; tổ chức 88 chợ hoa Xuân phục vụ Tết, nhiều chuyến bán hàng lưu động về khu vực ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất; hỗ trợ các tỉnh, thành phố tổ chức ba đến năm tuần hàng tại Hà Nội. Tương tự, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, dành khoảng 19.680 tỷ đồng cho hoạt động sản xuất, chuẩn bị, dự trữ và cung ứng hàng hóa hai tháng trước và sau Tết, tăng 652 tỷ đồng so kế hoạch Tết năm 2020, trong đó, gần 7.133 tỷ đồng dành riêng phục vụ bình ổn thị trường. Hiện lượng hàng chuẩn bị của các DN cũng tăng từ 12 đến 21,2% so với Tết năm trước. Riêng tháng cao điểm từ ngày mồng 1 đến 30 tháng Chạp âm lịch, tổng giá trị hàng hóa của các DN trên địa bàn sẽ đạt 10.425 tỷ đồng, hàng tham gia bình ổn thị trường khoảng 4.172 tỷ đồng. Hiện nay, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi,... đã xây dựng xong kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng (tăng gấp hai đến ba lần so với tháng bình thường). Các DN cũng cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong tháng trước, trong và Tết; đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 5 đến 49% hàng nghìn mặt hàng để kích cầu tiêu dùng.

Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Ðông khẳng định, đến thời điểm này nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán không thiếu, không có tình trạng "sốt" hàng hoặc giá cả tăng cao đột biến do chương trình bình ổn thị trường đã được nhiều địa phương tập trung triển khai tốt, song cũng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền thời gian trước Tết để người dân nắm được, tránh tâm lý tích trữ hàng hóa. Dự báo nhu cầu hàng hóa thiết yếu sẽ bắt đầu tăng cao vào các ngày cuối tháng 1 và ngày 6, ngày 7-2 (25, 26 tháng Chạp âm lịch), vì vậy các DN sản xuất, kinh doanh cần lưu ý trong việc chuẩn bị nguồn hàng cho hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu của NTD. Bên cạnh đó, đề nghị lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, tuyệt đối không để xảy ra những vấn đề lớn về an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Có thể thấy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các DN, cùng việc thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dự báo thị trường Tết sẽ không có những biến động bất thường về giá cả cũng như thiếu hụt lượng hàng hóa. Ðiều khiến các DN lo lắng nhất trong mùa kinh doanh Tết năm nay chính là sức mua. Dù đã có dấu hiệu cải thiện nhưng nhìn chung, tình hình sức mua của NTD còn rất thấp so cùng kỳ. Vì vậy, các DN và địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp, tránh việc nơi thừa, nơi thiếu. Bên cạnh đó, công tác tổ chức bán hàng cần được triển khai song song với việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, cũng như phòng, chống dịch Covid-19.

Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra các mặt hàng nóng, trọng điểm và có nhu cầu cao trong dịp Tết, như: thuốc lá điếu, rượu bia, nước giải khát, pháo nổ, quần áo, mỹ phẩm,... nhằm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm ổn định thị trường. Đồng thời, đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương kiểm soát chặt công tác an toàn thực phẩm với các nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản tại các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh,... Xử lý nghiêm việc lợi dụng thời điểm nhu cầu dịp Tết tăng cao để trà trộn lưu thông hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ xuất xứ.

Trần Hữu Linh 
Tổng cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương)