28/03/2024 lúc 15:38 (GMT+7)
Breaking News

Bàn về thẩm quyền ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự của Hội đồng xét xử

VNHN - Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự là văn bản do Thẩm phán giải quyết vụ án hoặc Hội đồng xét xử ban hành nhằm vô hiệu quyết định tạm đình chỉ đã ban hành trước đó để khôi phục lại thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án và là căn cứ để Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo để giải quyết vụ án. Tuy nhiên trong thực tiễn thực hiện quy định về thẩm quyền ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của HĐXX vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

VNHN - Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự là văn bản do Thẩm phán giải quyết vụ án hoặc Hội đồng xét xử ban hành nhằm vô hiệu quyết định tạm đình chỉ đã ban hành trước đó để khôi phục lại thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án và là căn cứ để Tòa án tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo để giải quyết vụ án. Tuy nhiên trong thực tiễn thực hiện quy định về thẩm quyền ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của HĐXX vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Ảnh minh họa

Theo quy định tại khoản 2 điều 219 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì “Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.” Tuy nhiên, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự là quyết định được ban hành sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà lý do tạm đình chỉ không còn. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lý do tạm đình chỉ không còn thì Tòa án phải ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp cũng như các đương sự.

Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là quyết định của Tòa án có thẩm quyền làm tạm dừng quá trình giải quyết vụ án khi phát hiện có một trong những căn cứ để tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật (quy định tại điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015). Sau khi có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, mặc dù không xóa sổ thụ lý, thẩm phán vẫn còn trách nhiệm với vụ án và phải theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm khắc phục trong thời gian ngắn nhất những lý do dẫn tới vụ án bị tạm đình chỉ để kịp thời đưa vụ án ra giải quyết. Tuy nhiên trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì Thẩm phán không được tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo để giải quyết vụ án, không được ban hành các văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ,...

Như vậy mặc nhiên trong thời gian tạm đình chỉ chưa có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án thì Thẩm phán không thể ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử hay giấy triệu tập đương sự trong vụ án để mở phiên tòa; vì sẽ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Như vậy trên thực tiễn sẽ không có trường hợp tại phiên tòa Hội đồng xét xử có thẩm quyền ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án???

Vấn đề đặt ra là khi Hội đồng xét xử ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì khi lý do tạm đình chỉ không còn, cá nhân Thẩm phán phụ trách giải quyết vụ án (Chủ tọa phiên tòa) ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án có vi phạm thủ tục tố tụng hay không?

Trên nguyên tắc, Hội đồng xét xử đã ban hành quyết định tạm đình chỉ, khi hết lý do tạm đình chỉ thì thẩm quyền ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án vẫn thuộc về Hội đồng xét xử chứ không phải thẩm quyền của cá nhân Thẩm phán nữa. Tuy nhiên như đã nêu trên, khi đã tạm đình chỉ giải quyết vụ án mà chưa có quyết định tiếp tục giải quyết vụ án thì không thể mở phiên tòa để Hội đồng xét xử cùng ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án tại phiên tòa.

Trong trường hợp này, để đảm bảo về thẩm quyền ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Hội đồng xét xử trong thực tiễn thì tại phiên tòa, trước khi Hội đồng xét xử quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì phải tiến hành nghị án và thảo luận để thống nhất ban hành quyết định tạm đình chỉ. Trường hợp này Hội đồng xét xử sẽ nghị án luôn cả phần khi lý do tạm đình chỉ không còn thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được phép thay mặt Hội đồng xét xử ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Như vậy khi lý do tạm đình chỉ không còn thì dù không mở phiên tòa Thẩm phán chủ tọa phiên tòa vẫn thay mặt Hội đồng xét xử ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án và tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo để giải quyết vụ án mà không vi phạm tố tụng.

Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xem xét sửa đổi quy định tại Điều 219 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 về thẩm quyền ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Hội đồng xét xử nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn áp dụng như sau:

1. Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

2. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

3. Sau khi Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án tại phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa được thay mặt Hội đồng xét xử ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án.