20/04/2024 lúc 03:47 (GMT+7)
Breaking News

Bán vé số gom tiền làm đẹp nơi an nghỉ của đồng đội

VNHN - Thương tật liệt nửa thân người, nhưng suốt gần 20 năm ròng nữ thương binh 1/4 Đặng Thị Bảy vẫn kiên trì bán từng tờ vé số, tích cóp để góp 70 triệu đồng làm đẹp nơi an nghỉ của đồng đội như lời hứa năm xưa.

VNHN - Thương tật liệt nửa thân người, nhưng suốt gần 20 năm ròng nữ thương binh 1/4 Đặng Thị Bảy vẫn kiên trì bán từng tờ vé số, tích cóp để góp 70 triệu đồng làm đẹp nơi an nghỉ của đồng đội như lời hứa năm xưa.

Sinh năm 1946 ở xã Long Hưng nay là Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1958, khi vừa tròn 13 tuổi, bà Bảy được người anh thứ 5 hướng dẫn làm cách mạng trong vai trò giao liên tại xã nhà Long Hưng, nay là Long Hưng A. Đến năm 1964, bà Bảy vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây cũng là thời điểm địch ra sức ruồng bố cơ sở cách mạng trên địa bàn huyện Lấp Vò rất dữ dội.

Vì vậy sau lễ kết nạp, 20 tân Đảng viên mới hứa với nhau: “Đến ngày độc lập, ai còn sống sẽ xây mồ mả cho người nằm xuống”. Ngày thống nhất đất nước, 19 đồng đội ngày ấy đã vĩnh viễn nằm lại nghĩa trang xã Long Hưng, riêng bà Bảy còn sống, nhưng trong đầu vẫn còn ghim 3 mảnh đạn, làm bất động một nửa cơ thể. Vết thương liên tục hành làm mất ngủ nhiều tháng liền, sức khỏe ngày càng suy kiệt nên đến năm 1979 bà nghỉ mất sức.

Đúng lúc này 2 cháu nội của người anh thứ 5 lâm cảnh mồ côi, rồi người em gái ngã bệnh không đủ sức nuôi con… bà trở thành “mẹ” 3 đứa trẻ trong căn nhà cất tạm, phải gói ghém mọi chi tiêu 4 miệng ăn trong đồng lương thương binh. Chật vật, nhưng bà vẫn không quên dành 1 phần cho vào “ống heo” để nuôi hy vọng thực hiện lời hứa năm xưa. Đến năm 1990, trước nhu cầu ăn học ngày càng lớn của 3 người con, bà phải lãnh vé số đi bán dạo để cải thiện cuộc sống.

Những ngày khỏe, cô Bảy lại vào nghĩa trang lau dọn cho từng ngôi mộ. Ảnh laodong.vn

Bất chấp thương tật, bà cần mẫn bán từng tờ vé số… Hàng ngày, sau khi trừ tiền trang trải gia đình, phần còn lại bà cho vào heo đất. Mỗi khi được người trúng số “thưởng”, bà cũng cho hết vào đó. Gần chục năm tích cóp, khi heo đất đầy, bà Bảy trút ống với số tiền tích cóp lên đến 72 triệu đồng, rồi đến UBND xã nhờ thực hiện lời hứa. Lúc đầu lãnh đạo xã băn khoăn lắm vì đây là một trong số ít địa phương cấp xã được đặc cách duy trì nghĩa trang có từ kháng chiến chống Mỹ nên được duyệt kinh phí chỉnh trang đón Tết tương đối hoàn chỉnh.

Trong khi đó bà Bảy là thương binh nặng, gia đình còn khó khăn... Tuy nhiên trước thái độ quyết liệt của người nữ thương binh, lãnh đạo xã Long Hưng A chỉ biết… tìm cách tiếp sức. Sau khi cân đối giá vật tư, nhân công, nhận thấy tổng kinh phí để ốp gạch men lên toàn bộ 144 ngôi mộ trong nghĩa trang vào khoảng 70 triệu đồng, lãnh đạo xã Long Hưng A cử người đến thông báo và bà Bảy đồng ý ngay.

Bà chỉ giữ 2 triệu đồng lại để mua con heo quay mừng ngày công trình hoàn thành theo nghi thức “tạ mả” cổ truyền. Giờ tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn tiếp tục bán vé số nhưng với số lượng ít hơn, chủ yếu để vận động cơ thể và có tiền giúp người khó khăn, nhất là hộ chính sách.