16/04/2024 lúc 12:45 (GMT+7)
Breaking News

Bản lĩnh của nữ Giám đốc bị hỏng một mắt

Tai nạn thuở nhỏ cướp đi mắt trái, "vùi" 25 năm đầu đời của Như Quỳnh trong nỗi đau bị chế giễu, khinh miệt. Nhưng cô đã vượt qua bằng tình yêu của mẹ.

Tai nạn thuở nhỏ cướp đi mắt trái, "vùi" 25 năm đầu đời của Như Quỳnh trong nỗi đau bị chế giễu, khinh miệt. Nhưng cô đã vượt qua bằng tình yêu của mẹ.

Cậu bé hơn hai tuổi ôm cô giáo khóc nức nở khi bố tới đón. Ánh mắt nhìn trân trân lêm cái quạt trần nhưng cậu cũng không thể diễn đạt được mong muốn của mình. Có điều, ai cũng biết cậu bé muốn ở lại lớp vì có nhiều trò chơi, bạn chơi.

Em được chẩn đoán mắc hội chứng giãn não thất, khả năng tập trung không quá ba giây ví như với một món đồ chơi thích thú, em chỉ dừng lại ở việc cầm và thả. Sau hai tuần tới trung tâm, được can thiệp mỗi ngày một tiếng, cậu đã tập trung được khoảng 3 phút. "Theo tiến trình can thiệp, tới khi em tập trung được 10 phút thì có thể tham gia lớp học cùng những bạn nhỏ khác", cô giáo Hà Thị Như Quỳnh cho hay. Thường sẽ mất từ một đến hai tháng để trẻ đạt đến mức độ này.

Như Quỳnh theo đuổi sự nghiệp thay đổi cuộc đời những đứa trẻ sinh ra bị khiếm khuyết. Trong ảnh cô đang tương tác với một cậu bé bị khuyết tật trí tuệ, sáng 8/4. Ảnh: Phan Dương

Cậu bé là một trong 30 trẻ mắc các chứng tăng động, tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ... đang được can thiệp tại trung tâm giáo dục trẻ đặc biệt ở Đông Anh của Như Quỳnh. Tiền thân của trung tâm này là nhà cứu trợ trẻ tàn tật được cô gái gốc Nam Định thành lập 8 năm trước. Tâm huyết của Quỳnh với những đứa trẻ đặc biệt xuất phát từ thực tế cô cũng là một người khuyết tật.

Năm lên ba tuổi Quỳnh bị cát đọng trong mắt sau một lần nô đùa với bạn. Khi gia đình phát hiện, mắt trái đã hỏng hoàn toàn, bắt buộc phải mổ bỏ và đeo mắt giả. Cũng từ đó sự tự ti nảy nở trong tâm hồn trẻ thơ. Mỗi ngày đến trường là một ngày ám ảnh vì bị bạn chế giễu. Trên khuôn mặt Quỳnh tan học trở về thường xuất hiện vết cào mới, khi vết cũ còn chưa lành.

Giờ ra chơi năm lớp 2, Quỳnh bị các bạn cố tình chọc vào mắt giả, để mắt rơi ra ném xuống ao. Cô bé sợ hãi, òa khóc nức nở. Lúc chạy đến trường thấy con mình thu lu trong góc lớp, run lên bần bật, người mẹ quỳ xuống ôm con khóc ngất. Chính lúc đó cô bé nín, động viên lại mẹ: "Con không sao đâu. Lắp mắt mới là được".

Trong mắt Quỳnh, mẹ cô - bà Nguyễn Thị Tú - sống cảm xúc, dù có cố gắng kìm nén vẫn lộ ra. "Chỉ cần tôi thể hiện thất vọng về khuyết tật là mẹ không thể chịu nổi. Sau lần ấy tôi đã học cách giấu nỗi đau của mình", cô nói.

Thay vào đó cô khoe với mẹ những điều mình làm được. "Mẹ ơi nay đi thi nhiều bạn lo lắng không làm được bài, có bạn dùng phao. Con chỉ cầm hai cây bút vào phòng thôi". "Mẹ ơi nay bố bạn Diệp đối xử với con như người lớn. Bác mời con ngồi ra bàn, rót nước và cảm ơn con vì đã kèm bạn từ điểm 3 lên điểm 8".

Trong ảnh Quỳnh và mẹ (đầu tiên và thứ hai từ trái qua) tham gia tập huấn để chăm sóc trẻ khuyết tật. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mất một con mắt là nỗi đau nhưng cả bà Tú và Quỳnh đã không ngừng cố gắng làm nó dịu đi theo cách của riêng mình. Nhưng mọi nỗ lực xây dựng sự tự tin của cô gái đã tan như bọt biển vào năm Quỳnh 25 tuổi. Gia đình bạn trai đã sỉ nhục cô rằng "voi một ngà, đàn bà một mắt", "cái ngữ ấy có sinh con cũng ra giòi bọ mà thôi". "Điều khiến tôi đau nhất là họ gọi cho mẹ tôi mắng chửi là không biết dạy con", Quỳnh gạt nước mắt khi nhớ lại những từ ngữ "sắc hơn dao" ấy.

Cô đã nghĩ tới cái chết. Nhưng cứ những lúc cô nghĩ quẩn, ánh mắt mẹ lại hiện lên trong tâm trí và cô biết "mình có làm sao thì chắc mẹ cũng không sống nổi". Vì mẹ, cô cố sống nhưng đó là những ngày không nói, không cười, không có mục đích.

Một lần, cô gái trẻ quyết định tham gia chuyến từ thiện ở Yên Bái. Tại đây, Quỳnh đã gặp những đứa trẻ khó khăn, vất vả mà vẫn vui cười, hồn nhiên như cây cỏ. Cảm xúc trong veo của các em bé vùng cao giúp Quỳnh "bừng tỉnh". "Tôi phải làm cái gì đó để các em kém may mắn được bình an trong tâm hồn và tự tin hòa nhập", cô ngộ ra.

Sau chuyến đi Như Quỳnh nghỉ việc ở công ty bất động sản và chuyển sang học y học cổ truyền như mẹ. Cô cũng biết, nếu chỉ có kiến thức về phục hồi chức năng là không đủ nên tiếp tục học lên cử nhân và thạc sĩ ngành giáo dục đặc biệt, tham gia những khóa đào tạo chuyên sâu của chuyên gia để nâng cao trình độ.

Càng học, Như Quỳnh càng biết đây chính là điều mình cần. "Chìa khóa cho những đứa trẻ khuyết tật tự tin là phải có trí tuệ, phải được công nhận, phải độc lập. Đó là động lực để tôi học", cô gái nói.

Tiến sĩ Đỗ Thị Thảo, người hướng dẫn luận văn của Quỳnh cho biết: "Quỳnh là một người rất cầu toàn, chỉn chu, vô cùng có trách nhiệm với cộng đồng và có khát khao lớn thay đổi cuộc đời những đứa trẻ kém may mắn. Bạn ấy làm việc bất chấp ngày đêm đến mức tôi phải 'hãm bớt' bạn ấy lại".

Luận văn thạc sĩ của Như Quỳnh đúc kết từ 8 năm làm việc với trẻ đặc biệt đã được các thầy cô đánh giá rất cao. Hai tháng gần đây Quỳnh đã phải đi khám mắt 3 lần do làm việc trên máy tính chỉ với một con mắt quá nhiều. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Đào Thị Hương, mẹ của hai bé học ở trung tâm của Quỳnh chia sẻ, sau ba năm học con lớn của chị - cậu bé mắc hội chứng tự kỷ rất nặng - giờ đã nói nói được nhiều câu và nhu cầu của mình. Con học rất tốt các bài tập logic, bài tập có quy luật và toán. Bé thứ hai của chị cũng từng gặp vấn đề chậm nói, tới trung tâm hai tháng đã cải thiện rõ và đi học mẫu giáo hòa nhập từ đó.

"Các cô giáo ở trung tâm đều có trình độ và thương trẻ. Nhất là cô Quỳnh, vì là người khuyết tật nên cô hiểu phụ huynh, học sinh và liên tục bổ sung kiến thức để áp dụng cho con em chúng tôi", chị Hương, 29 tuổi, làm nghề kế toán ở Đông Anh, cho hay.

Sống cuộc đời "trao đi" và Như Quỳnh cũng được "nhận lại". Cuộc đời cô giờ đây đã có thêm người chồng và cô con gái đồng hành. Năm 2020, Như Quỳnh được trao tặng bằng khen "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt Nam của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam.