20/04/2024 lúc 08:30 (GMT+7)
Breaking News

Bài học từ Cách mạng tháng Tám

VNHN - Qua 74 năm, những bài học kinh nghiệm quý báu từ Cách mạng Tháng Tám luôn tạo nên sức mạnh nội lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trên hết đó là bài học về nắm bắt thời cơ cho đến nay vẫn là bài học nóng hổi, mang tính thời sự trong công cuộc phát triển đất nước hôm nay.

VNHN - Qua 74 năm, những bài học kinh nghiệm quý báu từ Cách mạng Tháng Tám luôn tạo nên sức mạnh nội lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trên hết đó là bài học về nắm bắt thời cơ cho đến nay vẫn là bài học nóng hổi, mang tính thời sự trong công cuộc phát triển đất nước hôm nay.

Ngày nay, thế giới đang diễn ra mạnh mẽ cuộc cách mạng khoa học công nghệ  – Cách mạng 4.0, tạo ra những kỹ thuật mũi nhọn đưa năng suất lao động lên rất cao. Xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế ngày càng tăng mạnh. Đồng thời, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển cũng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đó là những thời cơ mới tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Ở nước ta, đường lối, chính sách hơn ba mươi năm đổi mới của Đảng và Nhà nước đã mang lại những thành tựu to lớn, tạo điều kiện cho đất nước tiến lên theo xu thế phát triển chung của thời đại. Đất nước ta đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vững bước đi lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945. (Ảnh: Tư liệu)

Thực hiện đường lối phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta chủ trương tích cực và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Việc nước ta gia nhập các tổ chức quốc tế đa phương là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đó còn thể hiện kết quả của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Bước vào sân chơi thế giới đã mở ra cho chúng ta những cơ hội, thuận lợi mới để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tất yếu nảy sinh không ít khó khăn, thách thức mới cả trực tiếp và gián tiếp, tác động tiêu cực đến việc bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở nước ta, cơ hội và thách thức luôn đan xen, lồng ghép vào nhau, trong cơ hội bao hàm cả thách thức và trong thách thức cũng bao hàm cả cơ hội. Cơ hội càng lớn, thách thức càng nhiều, càng đòi hỏi sự sáng suốt, tầm nhìn xa trông rộng và bản lĩnh chính trị, quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, cùng sự nỗ lực của toàn dân, để hạn chế những khó khăn, thách thức, biến thách thức thành cơ hội.

Tuy đất nước đã đạt được nhiều thành tựu mới trong quá trình chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới những năm vừa qua, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, tuy kinh tế tăng trưởng cao nhưng năng suất, chất lượng, quy mô, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội gia tăng, đạo đức xã hội xuống cấp đáng lo ngại; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lụt, hạn hán diễn ra nhanh và phức tạp; bốn vấn đề bức xúc hiện nay về an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và an ninh mạng đang là những vấn đề "nóng" của  toàn xã hội. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng bằng các thủ đoạn "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ ta hòng phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng tiến tới làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

 Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là căng thẳng giữa Mỹ - Iran, Anh - Iran. Tình hình biển Đông thời gian qua đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, trở thành "điểm nóng" trên thế giới. Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới. Chủ nghĩa bảo hộ đang ảnh hưởng đến tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Vì vậy, đòi hỏi cao nhất đối với Đảng, Nhà nước ta, đối với mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên là tích cực nghiên cứu, vận dụng tốt những bài học lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong tình hình mới, chúng ta phải luôn phải quán triệt sâu sắc phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra và vận dụng thành công trong thời kỳ giành và giữ chính quyền năm 1945 – 1946.

Vận dụng “bất biến” tức là không vì quyền lợi hay lợi ích nhất thời, cục bộ của tổ chức, cá nhân nào đó mà bất chấp nguyên tắc, làm tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, của tập thể. Phải tuyệt đối đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của chủ nghĩa xã hội lên trên hết. Thực hiện phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế cũng phải luôn “ứng vạn biến”, biết phân tích, dự đoán và mau lẹ chớp lấy thời cơ, nắm chắc và tận dụng có hiệu quả thời cơ để mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia, cộng đồng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đó là thước đo bản lĩnh cách mạng, sự mẫn cảm và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng ta trong thời kỳ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay./.