19/04/2024 lúc 05:07 (GMT+7)
Breaking News

Bài học dịch bệnh: Khi chúng ta rời xa những việc bình thường! (Kỳ 2)

VNHN - Rõ ràng với đại dịch AISD, cộng đồng đã nhận chân được những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống có tác dụng ngăn ngừa và chặn đứng nguy họa như thế nào. Với đại dịch COVID-19 đang diễn ra, một lần nữa những đòi hỏi, nguyên tắc hành xử cơ bản nhất, những việc bình thường nhất lại được đặt ra. Tại sao lại như vậy?

VNHN - Rõ ràng với đại dịch AISD, cộng đồng đã nhận chân được những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống có tác dụng ngăn ngừa và chặn đứng nguy họa như thế nào. Với đại dịch COVID-19 đang diễn ra, một lần nữa những đòi hỏi, nguyên tắc hành xử cơ bản nhất, những việc bình thường nhất lại được đặt ra. Tại sao lại như vậy?

Ai cũng thấy, bước vào thời đại công nghệ số, con người, chủ yếu là giới trẻ được nhiều điều kiện thuận lợi hơn, tiện nghi hơn, và tự do cá nhân hơn. Những “thói hư tật xấu” trong quan điểm thế hệ đi trước dần trở thành bình thường, như lười biếng ở dơ, không chịu lao động, lạm dụng các chất kích thích, các chất liệu quá độ… Giới trẻ hôm nay không chấp nhận những giá trị cố hữu của cha ông nữa, mà luôn tự cho mình đúng, phá cách và tìm lối đi ngược lại tất cả những giá trị văn hóa giao tiếp, ứng xử mà cha ông đã dày công tác tạo.

Thời đại công nghệ số, hành vi giao tiếp, đối thoại giữa mọi người đã khác đi.

Và thế là, dịch bệnh đã xảy ra. Ở lăng kính thời đại, người ta sẽ lý giải dịch bệnh như là sản phẩm của một thuyết âm mưu nào đó, đòn thế chính trị nào đó, lối tính toán tổ chức nào đó, sự suy thoái môi trường tự nhiên, làm nảy sinh những độc vật chết người do biến đổi khí hậu và môi trường sống.

Nhưng ở lăng kính của người viết, thì dịch bệnh, thật sự sẽ không đến, khi mỗi con người biết cách ứng xử đúng mực, trở lại với tự nhiên, với cộng đồng xã hội xung quanh, và với chính bản thân mình. Chỉ cần quay lại giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo những giá trị văn hóa truyền thống, từ câu chuyện đời sống của cha ông, thì chúng ta sẽ xử lý được dịch bệnh.

Khi trao đổi về điều này, một bạn trẻ đã hỏi, vậy phải chăng tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh ở Châu Âu hay Châu Mỹ, là do họ không có được đầy đủ, những quy tắc, thỏa ước cần thiết mà cha ông chúng ta từng có? Hoặc họ đã từng có, nhưng theo thời gian đã bị chôn vùi và lãng quên đi, bị xem nhẹ và bỏ qua không cần thiết?

Tạm thời đến nay, chưa thể trả lời được câu hỏi đó. Nhưng có thể nghĩ khác, là do người Việt cho đến nay, ở sâu thẳm trong tiềm thức văn hóa xã hội cổ truyền, vẫn giữ được những nguyên tắc cơ bản, và dễ dàng chấp nhận thực thi lại những nguyên tắc cơ bản, những điều bình thường nhất mà cha ông đã dạy. Nhờ đó, trước đại dịch, chúng ta đã lập tức ghìm giữ được tình hình.

Người viết nghĩ vậy, và nhìn thấy những bạn trẻ hôm nay, bởi nguy cơ dịch bệnh, bắt đầu nghĩ đến việc vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và cầm nắm vật dụng gì, tự ý che miệng lại, tự ý thức mình không được khạc nhổ bừa bãi nữa, không phải thích ăn gì thì ăn và ăn kiểu nào thì ăn. Họ đang dần xem lại cách họ đánh giá những thế hệ trước, phán xét lịch sử qua người già đã sống ra sao trong mắt họ, tự khép bớt những ham muốn bề ngoài để tìm hiểu sâu hơn những giá trị bên trong, thẩm thấu không gian gia đình, giá trị sách vở, học thuật, ngôn từ, hình ảnh và cả món ăn…

Người viết tin là, dịch bệnh rồi sẽ tan đi, nhưng những bài học đặt ra sau dịch bệnh thì sẽ vẫn còn đó. Vấn đề ở chỗ, những bài học ấy không phải xuất phát từ dịch bệnh, mà đã đi ra từ chính thái độ của chúng ta, thái độ biết trân trọng, bảo vệ những giá trị truyền thống.

Tìm lại những giá trị văn hóa truyền thống sẽ giúp thay đổi chúng ta.

Bởi những lý do thời cuộc, bởi ý thức nhất thời trong cuộc sống, chúng ta đã lao vào vòng xoáy ganh đua, cơ hội, ham muốn vật chất và những giá trị hưởng thụ nhất thời, độc đoán, ích kỷ, dần ra rời những việc bình thường.

Mà đã vậy, thì sau dịch bệnh, mỗi người nên nhìn lại chính cách hành xử của mình với cuộc sống, với cộng đồng xung quanh, để chỉnh sửa và thích ứng khác đi? Phải chăng, những thói hư tật xấu trong mỗi người, liên quan đến cả một quá trình thời đại bị tiêm nhiễm những điều thói tắc trách và ích kỷ cá nhân, cần phải được tẩy trùng sạch sẽ.

Cái tôi cá nhân ích kỷ, ham muốn bản thân nhất thời, sẽ cần phải tôi luyện lại, để biết nói có và không, đồng ý và phản đối, thuận theo và từ chối, một cách lý trí và cân nhắc hơn.

Cách hành xử độc đoán của mỗi người, sẽ phải tập nhường nhịn, lắng nghe, chịu khó trao đổi, hạn chế va chạm không cần thiết, biết tôn trọng và lịch sự với xung quanh.

Lối tư duy trọng vật chất, cướp thời gian, khinh khi những giá trị căn bản, chắc chắn sẽ được suy xét lại, để mỗi người thấy được rõ hơn tinh thần sẻ chia, tương tác, thấu hiểu và thái độ minh bạch chính mình.

Cách sống ích kỷ, vụ lợi, tham lam của nhiều người, kể cả qua thái độ đối xử với tổ tiên, cha mẹ, những người già, những thế hệ đã qua, một cách suồng sã và độc ác, chắc chắn sẽ phải truy xét lại, để mọi người ân cần, tử tế với nhau hơn, biết cúi đầu trước những mái tóc bạc và biết xót thương những kẻ yếu đuối đau thương.

Và còn rất nhiều, rất nhiều giá trị khác, sẽ đươc gợi lại với mỗi cá nhân, để tất cả hiểu đúng hơn những giá trị văn hóa truyền thống và trách nhiệm của mình với mọi người.

Kể cả những thói mê tín dị đoan thiếu cơ sở, mù quáng, kể cả những ý nghĩ khinh thị, tự đắc, tự cao, trong mỗi con người hay một tập thể, của một dân tộc hay một xã hội, đều sẽ phải hoán chuyển đi.

Điều chúng ta lấy làm may mắn và vui mừng, là xung quanh chúng ta, cuộc sống của người viết và mọi người bên cạnh, vẫn còn hiểu và nghĩ về những giá trị đã có, vẫn chấp nhận những quy tắc đã có và chấp nhận những quy tắc sẽ có, vì lợi ích chung của tất cả mọi người.

Con người Việt Nam, nói đến cùng, hiện tại vẫn đang băn khoăn trở về với nguồn cội, khi quá trình tách ra chưa quá lâu và hành vi thay đổi chưa quá xa. Những đua đòi theo phong trào, hô hào bề nổi, những giá trị dịch vụ ảo tưởng về công nghệ số hào nhoáng, những sản phẩm, tiện ích sử dụng thiếu căn cơ tri thức, suy đến cùng, đến nay vẫn chưa đủ lực làm khiếm khuyết đi tâm thức “ôn cố tri tân”, “trọng nhân hiếu đạo”… ở con người Việt Nam.

Đó là nền tảng quan trọng để chúng ta tin, Việt Nam sẽ sớm đi qua đại dịch, sẽ là vùng rất an toàn cho mỗi người và mỗi gia đình.

Đã có một đại dịch AISD đi qua, và cuộc sống hạnh phúc gia đình của mỗi cá nhân, phải củng cố lại theo đó, thay đổi để tốt hơn.

Sẽ có một đại dịch COVID-19 đi qua, và cách hành xử, ý thức, giao tiếp của chúng ta, cũng sẽ được củng cố, tái lập theo đó, thay đổi để bảo toàn.

Hãy bỏ qua những gì sai lầm và lệch lạc, hãy quay lại với những việc bình thường nhất, tôn trọng những giá trị cơ bản nhất, chúng ta sẽ chiến thắng.

Chiến thắng dịch bệnh hay chiến thắng chính mình, mong mọi người tự thấu hiểu!