29/03/2024 lúc 13:43 (GMT+7)
Breaking News

Bác sĩ 9x xung phong ‘bỏ phố lên rừng’ chữa bệnh

VNHNO - Tốt nghiệp Đại học Y loại Giỏi, có cơ hội làm việc gần nhà, nhưng bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu lại lựa chọn một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn về công tác.

VNHNO - Tốt nghiệp Đại học Y loại Giỏi, có cơ hội làm việc gần nhà, nhưng bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Hiếu lại lựa chọn một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn về công tác.

Tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội năm 2014, chàng trai sinh năm 1990 Nguyễn Văn Hiếu được tuyển dụng về làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Thanh Nhàn. Tuy nhiên, khi biết đến dự án bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (Dự án 585 của Bộ Y tế), Hiếu đã không ngần ngại viết đơn ngay và xung phong đến vùng nào xa xôi, những nơi trình độ dân trí thấp và đời sống nhân dân đặc biệt khó khăn. Trong đơn tình nguyện, Hiếu viết: “Tôi tình nguyện đi đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Nơi nào dân sống được thì tôi cũng có thể sống được…”.

Trong điều kiện thiếu đội ngũ bác sĩ ở vùng cao, lá đơn của Hiếu nhanh chóng được chấp thuận. Tháng 8/2017, Hiếu được phân công về Mường Nhé, một huyện nghèo bậc nhất của tỉnh Điện Biên, thuộc danh sách 63 huyện nghèo của Dự án 585, cách Hà Nội 700 km.

Tại Trung tâm Y tế Mường Nhé, do nguyên nhân khách quan, nhiều bác sĩ phải đi học để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực. Vì thế, trong công tác điều trị Hiếu luôn cố gắng làm việc cả Nội khoa, Nhi khoa, Sơ sinh, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm... có khi phải lên phòng mổ tham gia gây mê, hỗ trợ phẫu thuật. Thế nhưng khó khăn, vất vả không làm giảm sút tinh thần của bác sĩ trẻ. Để tạo sự tin tưởng và gần gũi với bệnh nhân, Hiếu còn tự học tiếng Mông hàng ngày và đến nay đã có thể tự tin giao tiếp với bà con người Mông.

Đây cũng là lý do để bác sĩ Hiếu “khước từ” cơ hội làm việc ở miền xuôi, yên tâm ở lại công tác, cống hiến tại địa bàn Mường Nhé được anh chia sẻ. Vượt chặng đường dài 700 cây số, qua ngút ngàn núi rừng để đến được địa danh xa xôi nhất của Tây Bắc, tận mắt cảm nhận cuộc sống nghèo khó của bà con các dân tộc Thái, Hà Nhì, Mông… thấp thoáng trong những ngôi nhà sàn đơn sơ vắt vẻo lưng chừng núi, ven các con suối heo hút, nhiều bản còn chưa có đường cho xe cơ giới đi vào, quyết tâm trong Hiếu càng trở nên mạnh mẽ.

Hiếu cho biết thêm, niềm hạnh phúc lớn nhất của anh là được nhìn thấy bệnh nhân dần bình phục. Sau khi được điều trị, chính họ là những người sẽ tuyên truyền cho đồng bào mình và những người thân về việc phải phòng bệnh như thế nào.

Với phương châm “sẵn sàng tình nguyện ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam”, bác sĩ trẻ “bỏ phố lên rừng” có phần “dại dột” trong mắt nhiều người này đang thắp lên ngọn lửa nhiệt tình, tâm huyết và tinh thần tình nguyện cống hiến tới rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam.