25/04/2024 lúc 02:02 (GMT+7)
Breaking News

Bắc Ninh: Vượt qua đại dịch, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng

Cùng với cả nước, năm 2021 là năm toàn tỉnh Bắc Ninh gặp phải những khó khăn, thách thức về mọi mặt do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Song, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cùng sự quan tâm hỗ trợ của trung ương, chính sách thúc đẩy của địa phương đã giúp toàn tỉnh đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, xứng đáng là “lá cờ đầu” về phát triển kinh tế - xã hội. 

Cùng với cả nước, năm 2021 là năm toàn tỉnh Bắc Ninh gặp phải những khó khăn, thách thức về mọi mặt do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Song, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cùng sự quan tâm hỗ trợ của trung ương, chính sách thúc đẩy của địa phương đã giúp toàn tỉnh đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, xứng đáng là “lá cờ đầu” về phát triển kinh tế - xã hội. 

Đồng chí Nguyễn Hương Giang - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh

Theo đó, với tinh thần tập trung cao, nhiều giải pháp, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo, Bắc Ninh đã kiểm soát dịch bệnh, không để đứt gãy nền kinh tế; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (giá SS năm 2010) ước 133.609 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2020 (kế hoạch từ 4-5%), đứng thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13 cả nước; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng ước 101.699 tỷ đồng, tăng 8,22%; dịch vụ 22.691 tỷ đồng, tăng 2,12%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 3.777 tỷ đồng, tăng 3,47%; thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm 5.442 tỷ đồng, tăng 5,75%. GRDP bình quân đầu người ước 6.738 USD; thu nhập bình quân đầu người 71,8 triệu đồng.

Về sản xuất nông nghiệp được quan tâm, chuyển dịch tích cực theo hướng phối hợp tình hình phòng chống dịch và sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh thực phẩm, bước đầu đạt hiệu quả tốt. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước 8.247,8 tỷ đồng (giá SS 2010), đạt 100,2% kế hoạch năm, tăng 3,6% so với năm trước. Năng suất lúa ước đạt 64,95 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước 83.855 tấn, tăng 28,2%. Tổng sản lượng thủy sản 38.059 tấn, tăng 1,4%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm không để gián đoạn chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng toàn cầu, Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, "chưa từng có tiền lệ" để bảo vệ sản xuất, kinh doanh an toàn; ký kết 3 bên Bộ Công thương - Sam sung và Bắc Ninh; tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI; doanh nghiệp trong nước và HTX; phát triển dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn, với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, ký kết 02 biên bản ghi nhớ với đối tác chiến lược của Nhật Bản phát triển dự án kho vận tại Khu công nghiệp Yên Phong 2A; tham dự chương trình Đoàn Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Quốc hội đi Hàn Quốc, Ấn Độ,…  góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp - ngành kinh tế “đầu tàu” của tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,5% so với năm 2020; GRDP khu vực công nghiệp tăng 9,92%. Công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục khẳng định vai trò động lực.

Bắc Ninh mạnh mẽ khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế, xã hội

Song song đó, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp cũng được chú ý, nhằm tạo động lực vững chắc khẳng định Bắc Ninh là điểm đến hấp dẫn, an toàn cho các nhà đầu tư. Theo đó, Bắc Ninh triển khai 6 khu công nghiệp mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tổ chức thực hiện Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Kế hoạch thực hiện Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trong đăng ký kinh doanh, cơ chế “5 tại chỗ”, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử đạt 98%, đứng thứ 3 cả nước.

Đặc biệt, đầu tư nước ngoài được đẩy mạnh 124 dự án, tổng vốn 1.160,7 triệu USD; cấp mới đăng ký đầu tư 57 dự án trong nước, với tổng vốn 22,44  nghìn tỷ đồng; thành lập mới 2.221 doanh nghiệp, 777 đơn vị trực thuộc với tổng vốn đăng ký 25,67 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, đã thu hút 1.714 dự án FDI còn hiệu lực với số vốn đăng ký 21,16 tỷ USD; 1.489 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 225,3 nghìn tỷ đồng; thành lập 20.995 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 319,6 nghìn tỷ đồng.

Thu ngân sách nhà nước đảm bảo dự toán năm, ước đạt 31.110 tỷ đồng, vượt 11,7% dự toán; trong đó: Thu nội địa 23.710 tỷ đồng, vượt 6,2% dự toán. Chi ngân sách địa phương ước 21.771 tỷ đồng, vượt 14,3% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển là 8.900 tỷ đồng, vượt 51,2% dự toán. Hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng được thông suốt, cơ bản ổn định, khả năng thanh khoản được đảm bảo. Đến nay, tổng số vốn huy động ước 192,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm 2020; dư nợ tín dụng ước 121 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% so với cuối năm 2020; nợ xấu là 2.625,7 tỷ đồng, chiếm 2,17%.

Bắc Ninh là điểm đến ngày càng thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiềm năng

Công tác quản lý đầu tư công được tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021; xây dựng kế hoạch và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; vốn đầu tư công được phân bổ đảm bảo nguyên tắc, tiêu chí, định mức, công khai, minh bạch, từng bước khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải (năm 2021 bố trí vốn khởi công mới 7 công trình thuộc ngân sách địa phương quản lý và 5 công trình sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết, quan trọng). Chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có tính liên kết vùng cao, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Cầu Kênh Vàng; phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4; mở rộng Cầu Như Nguyệt... Tổng vốn đầu tư phát triển ước 58,4 nghìn tỷ đồng, đạt 92,6% kế hoạch, giảm 16,1% so với năm 2020. Ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngân sách tỉnh năm 2021 đạt trên 95%. 

Ngoài ra, nhiều hoạt động khác cũng được chú trọng quan tâm, cụ thể: Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được điều chỉnh linh hoạt học trực tuyến phù hợp với công tác phòng chống dịch; Sự nghiệp y tế được chỉ đạo quyết liệt theo hướng nâng cao chất lượng công tác y tế dự phòng; Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao với nhiều hình thức phù hợp; Công tác quản lý tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường được chú trọng và tập trung cao có chuyển biến tích cực; Quốc phòng, an ninh, chính trị được tăng cường,…

Năm 2021 chắc hẳn là năm đáng nhớ của toàn tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung - Một năm với nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội để thử sức trong gian nan, và thực tế với những con số biết nói kể trên, tỉnh Bắc Ninh xứng đáng có quyền được tự hào, được nêu gương. Tin rằng với nội lực mạnh mẽ với những giá trị thiết thực đã tạo ra, trong năm mới Nhâm Dần 2022, Bắc Ninh tiếp tục khẳng định mình một cách nổi bật hơn nữa.