19/04/2024 lúc 08:11 (GMT+7)
Breaking News

Bắc Ninh tái cơ cấu ngành công nghiệp trong bối cảnh mới

VNHN - Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh phát triển mạnh, quy mô và năng lực tăng lên rõ rệt, đóng góp lớn vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh.

VNHN - Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh phát triển mạnh, quy mô và năng lực tăng lên rõ rệt, đóng góp lớn vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh.

Trong bối cảnh mới khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã chi phối mạnh mẽ tới mọi ngành sản xuất, vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp phù hợp nhằm tái cơ cấu ngành công nghiệp một cách thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Với 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó 10 khu đã đi vào hoạt động, với hơn 1.400 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt hơn 18,8 tỷ USD. Bắc Ninh đã thu hút được các nhà đầu tư từ các thị trường lớn là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc theo hướng có chọn lọc, lựa chọn các nhà đầu tư, dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng lao động và đóng góp lớn cho sự phát triển chung của toàn tỉnh, trong đó có các doanh nghiệp, tập đoàn có thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Samsung, Canon, Pepsico, Foxconn, Hanwha Techwin.

Quy mô công nghiệp tăng lên từng năm, cụ thể: Năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (giá so sánh 2010) mới đạt 569,6 nghìn tỷ đồng, đến năm 2019 ước đạt 1.179,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,1 lần; bình quân mỗi năm từ 2015-2019 tăng 15,7%. Tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp luôn chiếm hơn 70% trong GRDP của tỉnh, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh thuộc tốp đầu cả nước về phát triển công nghiệp, khẳng định vững chắc vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế và tạo ra “kỳ tích” đối với ngành công nghiệp điện điện tử công nghệ cao, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng với phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ luôn được quan tâm. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 229/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 21/QĐ-UBND ngày 15-1-2019 bổ sung 5 CCN với tổng diện tích khoảng 214,4ha, trong đó có 2 CCN hỗ trợ là Tân Chi 2 (Tiên Du) diện tích quy hoạch 50ha và Cách Bi (Quế Võ) diện tích quy hoạch 72ha. Nhờ vậy, từng bước hình thành sự liên kết, kết nối các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện toàn tỉnh có 7 doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng cấp 1 và nhiều doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 2,3 cho các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong CCN và các làng nghề được đẩy mạnh phát triển... Trong quá trình phát triển công nghiệp cũng bộc lộ hạn chế, bất cập điển hình như: Cơ cấu ngành công nghiệp tuy phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và xu thế phát triển chung song, tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố về vốn và lao động phổ thông, yếu tố tri thức, KHCN, lao động có kỹ thuật cao chưa được phát huy.

Công nghiệp điện tử chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành công nghiệp của Bắc Ninh.

Một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp (gia công, lắp ráp...), đây là các khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, tỷ suất lợi nhuận chỉ khoảng 5 - 10%. Chính vì vậy, giá trị công nghiệp đạt thành tích lớn về quy mô xuất khẩu, nhưng thực chất giá trị gia tăng thu chưa tương xứng. Công nghiệp còn thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới.

Việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài còn nhiều hạn chế, nhất là vấn đề tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội và doanh nghiệp... Trong bối cảnh hiện nay khi thế giới đang hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mở ra nhiều cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Theo nhận định của các chuyên gia, hiện trình độ sản xuất của cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng đang ở giai đoạn công nghiệp 2.0 và 3.0, sản xuất chính vẫn ở trình độ thấp do thiếu hụt công nghệ mới, thông tin, cơ sở hạ tầng.

Do vậy, yêu cầu tái cấu trúc ngành công nghiệp theo hướng hiện đại ngày càng trở nên quan trọng, chiến lược phát triển công nghiệp cần phải gắn với xu thế này. Trước mắt, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ (lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn) nhằm phát huy tiềm năng các mặt hàng có thế mạnh. Rà soát, điều chỉnh chính sách phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo vùng, địa phương.

Thực hiện thu hút đầu tư có trọng tâm trọng điểm theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, sản phẩm bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thúc đẩy sản xuất làng nghề theo hướng bền vững, xây dựng các thương hiệu sản phẩm làng nghề, quản lý chất lượng, trách nhiệm xã hội, tiết kiệm năng lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm... Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, làng nghề và sản phẩm tỉnh Bắc Ninh.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, hiện đại tại các KCN tập trung như: KCN Yên Phong-2C, KCN VSIP 2… làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư lớn đến đầu tư tại Bắc Ninh. Tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng hiệu quả thị trường, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường, thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển, phát triển sản phẩm mũi nhọn, chương trình cải tiến doanh nghiệp.