25/04/2024 lúc 05:20 (GMT+7)
Breaking News

Bắc Ninh số hóa di sản văn hóa thời hội nhập

VNHN - Bắt nhịp xu thế và không bỏ lỡ “chuyến tàu” 4.0, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hoá tỉnh Bắc Ninh” với tổng mức đầu tư khái toán xấp xỉ 45 tỷ đồng. Đề án được triển khai liên tiếp trong 3 năm từ 2018 đến 2020 do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Khoa học kỹ thuật và các chuyên gia lĩnh vực cơ sở dữ liệu thực hiện.

VNHN - Bắt nhịp xu thế và không bỏ lỡ “chuyến tàu” 4.0, UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hoá tỉnh Bắc Ninh” với tổng mức đầu tư khái toán xấp xỉ 45 tỷ đồng. Đề án được triển khai liên tiếp trong 3 năm từ 2018 đến 2020 do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Khoa học kỹ thuật và các chuyên gia lĩnh vực cơ sở dữ liệu thực hiện.

Trong bối cảnh hội nhập và giao thoa văn hóa, cùng sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, cần những cách thức ứng xử phù hợp, hài hòa giữa bảo tồn bền vững với khai thác, phát huy nguồn tài nguyên di sản, tạo động lực mới cho sự phát triển văn hóa, xã hội.

Nằm trong vùng văn hóa xứ Bắc, Bắc Ninh là tỉnh giàu có về tài nguyên di sản văn hóa và mang bản sắc riêng, tiêu biểu, không trộn lẫn với các tiểu vùng văn hóa khác. Tính riêng di sản vật thể, Bắc Ninh thuộc 10 tỉnh có số lượng di tích lịch sử văn hóa nhiều nhất cả nước với 1558 di tích đã được kiểm kê thuộc nhiều loại hình như đình, đền, chùa, nghè, miếu, lăng, thành cổ, văn chỉ, di chỉ khảo cổ học.

Trong đó 608 di tích đã được xếp hạng (4 di tích Quốc gia đặc biệt, 194 di tích Quốc gia và 410 di tích cấp tỉnh). Cùng với hệ thống di tích, trên địa bàn tỉnh còn có hàng ngàn di vật, cổ vật, tài liệu, phong phú về chất liệu được cất giữ trong di tích tín ngưỡng tôn giáo, Bảo tàng tỉnh và một phần thuộc sở hữu tư nhân. Đó là bằng chứng sống động của các giai đoạn lịch sử, mang giá trị nhiều mặt, trong số đó có 8 nhóm hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp (Thuận Thành) là một trong số di sản văn hóa quan trọng được ưu tiên thu thập thông tin và số hóa trước tiên. 

Di sản văn hóa là tài nguyên quý báu của cộng đồng do các thế hệ dày công sáng tạo, kết tinh và trao truyền từ đời này qua đời khác. Theo phân tích của giới chuyên môn: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản văn hóa thì không thể tạo ra được. Do đó, tuyệt đối không phá hủy, làm hỏng hay hi sinh di sản vì bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Bởi nếu để mất di sản văn hóa, dù là một phần cũng là đánh mất bản sắc dân tộc”.

Nghĩa là, trước khi đề cập đến việc khai thác, phát huy giá trị thì di sản văn hóa cần phải được bảo tồn bền vững. Muốn vậy, vấn đề đặt ra là phải có phương thức quản lý đồng bộ, cách can thiệp và ứng xử hợp lý đối với từng di sản văn hóa. Xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa là một trong số nhiều giải pháp hướng đến bảo tồn di sản bền vững đang được khuyến khích thực hiện

Hệ thống di sản phi vật thể của Bắc Ninh cũng vô cùng phong phú, đa dạng, đặc sắc mà tiêu biểu là di sản Dân ca Quan họ và Ca trù đã được thế giới vinh danh từ một thập niên trước. Các nghệ thuật trình diễn dân gian như tuồng, chèo, trống quân, múa rối nước; trò chơi dân gian; lễ hội truyền thống; tập quán tín ngưỡng; nghề thủ công... cũng được gìn giữ, phát huy và có ý nghĩa thiết thực trong đời sống đương đại.

Đáng chú ý, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có sự phối hợp tư vấn của các nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế về xây dựng cơ sở dữ liệu di sản văn hóa như: Pháp, Nhật, Hàn Quốc. Được biết, các đơn vị chuyên môn đang hoàn thiện thủ tục liên quan và tiến hành số hóa các dữ liệu về di sản theo thứ tự ưu tiên: Di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia, các nhóm Bảo vật Quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, di sản vương triều Lý, truyền thống hiếu học khoa bảng.

Các chương trình nghệ thuật đặc sắc như “Tứ hải giao tình” sẽ xuất hiện trong ngân hàng dữ liệu về di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Nội dung số hóa bao gồm hồ sơ khoa học về di sản; dữ liệu không gian 3D; ảnh chụp đen trắng, ảnh màu, băng, đĩa ghi hình... về thuộc tính của từng di sản; các văn bản pháp lý liên quan; các quy hoạch, kế hoạch, dự án tu bổ, tôn tạo di tích... Vì được tiến hành thu thập dưới dạng số hóa nên có thể lưu giữ vĩnh viễn mọi thông tin liên quan về di sản nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, đồng thời hỗ trợ thiết thực cho hoạt động quản lý nhà nước về di sản văn hóa và thiết lập cơ sở pháp lý, khoa học.

Cho nên, mở rộng số hóa tổng thể dữ liệu về di sản, tích hợp quảng bá, giới thiệu di sản trên mạng xã hội cũng như các kênh truyền thông hiện đại, thậm chí sau này có thể ứng dụng robot vào thuyết minh hay quản lý không gian di sản... đều được cho là cách ứng xử phù hợp và tất yếu. Bởi nó vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn bền vững di sản vừa mở ra cơ hội cho di sản “hội nhập” với xã hội hiện đại chứ không tồn tại đơn thuần là một tài sản thừa kế của quá khứ.

Kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là tài sản vô giá, một trong những tiềm năng nội lực về vật chất và tinh thần để Bắc Ninh phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay. Hơn nữa, trước tác động của điều kiện tự nhiên trong thời kỳ biến đổi khí hậu cùng quá trình khai thác của con người thì hệ thống di sản văn hóa Bắc Ninh cũng đang đối mặt với áp lực “mong manh, dễ vỡ”.