29/03/2024 lúc 20:21 (GMT+7)
Breaking News

Bắc Ninh hướng tới xây dựng thành phố với tầm nhìn đẳng cấp khu vực và thế giới

VNHN – Bắc Ninh với khởi nguồn là một mảnh đất nghìn năm lịch sử gắn với nhiều dấu ấn, nhiều giai thoại hào hùng. Những bước đi phát triển vượt bậc từ trung tâm sinh hoạt lớn thời Việt Cổ, đến đô thị lớn – trung tâm thương mại suốt thời kỳ thế kỷ thứ II đến thế kỷ IX-X cho tới tỉnh lỵ thời Pháp Thuộc và nay đã trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng. Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, Bắc Ninh xứng đáng là tỉnh tiêu biểu trong tiến trình hội nhập, khẳng định vị thế trước

VNHN – Bắc Ninh với khởi nguồn là một mảnh đất nghìn năm lịch sử gắn với nhiều dấu ấn, nhiều giai thoại hào hùng. Những bước đi phát triển vượt bậc từ trung tâm sinh hoạt lớn thời Việt Cổ, đến đô thị lớn – trung tâm thương mại suốt thời kỳ thế kỷ thứ II đến thế kỷ IX-X cho tới tỉnh lỵ thời Pháp Thuộc và nay đã trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội quan trọng. Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, Bắc Ninh xứng đáng là tỉnh tiêu biểu trong tiến trình hội nhập, khẳng định vị thế trước xu thế phát triển chung của đất nước.

Từ cái nôi văn hóa Việt Cổ đến trung tâm kinh tế - xã hội bậc nhất cả nước

Từ hàng nghìn năm trước trong thời kỳ dựng nước, người Việt Cổ đã cư trú và lập làng ở ven sông Cầu, sông Dâu, sông Đuống, sông Ngũ Huyện Khê, sông Tiêu Vương sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp kết hợp làm nghệ thủ công. Đến thời kỳ nhà nước Văn Lang, nước ta được chia làm có 15 bộ, bộ Vũ Ninh là vùng lãnh thổ thuộc phần lớn tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

Dưới thời ký Bắc Thuộc, được biết đến với tên Huyện Luy Lâu, đây được xem là đô thị lớn, là trung tâm thương mại trong suốt thời kỳ dài từ cuối thế kỷ thứ II đến thế kỷ IX-X. Xung quanh Luy Lâu là các làng nông nghiệp, làng thủ công, làng buôn bán phát triển. Đến thời kỳ phong kiến độc lập, Bắc Ninh là đất phát tích nhà Lý - triều đại khai mở ra nền văn minh Đại Việt gắn liền với tên tuổi của những nhân vật lịch sử - văn hoá kiệt xuất như: Lý Công Uẩn, Lý Nhân Tông, Nguyên Phi Ỷ Lan, Lê Văn Thịnh, các vua thời Lý lập Phủ Thiên Đức (vốn là châu Cổ Pháp). Đến cuối thời Trần, cả nước có 24 đơn vị hành chính. Lộ Bắc Giang bao trùm Bắc Ninh và một phần Hà Nội, Bắc Giang ngày nay, gồm có 3 châu, lộ trực tiếp quản lý 2 huyện Siêu Loại và Gia Lâm. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, gồm 13 (đạo) xứ thừa tuyên. Trong đó, trấn (xứ) Kinh Bắc gồm 4 phủ (20 huyện), hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội.

Trải qua nhiều quá trình lịch sử đến hàng nghìn năm, mảnh đất Kinh Bắc ấy đã là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử của quá trình hình thành và phát triển cái nôi văn hóa, mảnh đất giàu tiềm năng được nhiều đời nay khai sáng và phát triển như một vị trí quan trọng. Và cùng từ những dấu tích xưa còn để lại, có thể thấy những giá trị văn hóa và tinh thần phản ánh qua các di chỉ khảo cổ được tìm thấy đã tái hiện một lịch sử gắn liền với mảnh đất Kinh Bắc ấy.

Dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển của Bắc Ninh được tái lập và chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới theo Nghị quyết của Quốc hội khóa IX tại kỳ họp thứ 10, ngày 15/11/1996 vào ngày 1/1/1997.

Tiếp nối truyền thống lịch sử hào hùng với những giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử, chính quyền và người dân tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định những bước đi táo bạo, đột phá và kiến tạo đưa Bắc Ninh từ một tỉnh thuần nông nghiệp trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Là đàu tàu trên cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mô hình kiến trúc chính quyền điện tử và kiến thiết một thành phố thông minh.

Những con số vượt bậc khẳng định những bước đi thần tốc, tự tin hội nhập

Trước hết phải kể đến cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể:

Xuất phát từ một đô thị chủ yếu làm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại nhỏ lẻ, giao thương tương đối khép kín, thành phố Bắc Ninh đã chuyển mình thành một đô thị có mức tăng trưởng cao về thương mại - dịch vụ và công nghiệp.

Tỉnh Bắc Ninh đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng thành công thành phố thông minh

Theo thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 1997-2016 tăng bình quân 15,25%/năm. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 6.000 USD, tỷ trọng kinh tế khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 98,7%, nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 1,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó khu vực nông nghiệp giảm mạnh, tỷ trọng từ 45,1% năm 1997 xuống còn 5% năm 2016; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, từ 23,8% năm 1997 tăng lên 74,3% năm 2016.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp giúp tăng năng xuất trên địa bàn tỉnh những năm qua

Cùng với sự chuyển dịch mạnh của cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đã chuyển nhanh từ lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thu ngân sách thành phố năm 2017 đạt 2.206 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2014, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 40.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2017.

Năm 2018, thành phố Bắc Ninh được công nhận là đô thị loại I. Nhân sự kiện có dấu mốc quan trọng này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bắc Ninh thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh. Thành phố Bắc Ninh phải là một thành phố hiện đại, thông minh. Trong quy hoạch, xây dựng cần kiến tạo một không gian đô thị mở, thông minh với kiến trúc xanh hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc, đẩy mạnh phát triển nông thôn mới, làng nghề và không gian tự nhiên, quan tâm phát triển văn hóa xã hội, làm tốt công tác y tế đào tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa… để đưa thành phố Bắc Ninh trở thành một đô thị kiểu mẫu, thành phố đáng sống đồng thời sớm đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Bắc Ninh trở thành điểm sát trong thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước

Phát huy những lợi thế, Bắc Ninh đã vươn lên trở thành tỉnh công nghiệp với sự đồng bộ trong phát triển các khu công nghiệp gắn liền với đô thị, cụm công nghiệp và phát huy lợi thế trong phát triển làng nghề. Hàng nghìn ha đất được quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hàng loạt các chính sách, quy định cởi mở, hấp dẫn, tạo hình ảnh một Bắc Ninh thông thoáng, thân thiện đã cuốn hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến dựng nghiệp.

Sau 20 năm tái lập, nhân dân Bắc Ninh đã kiến thiết thành một tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, với hệ thống các khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp, mạng lưới giao thông, đô thị đồng bộ. Trên mảnh đất chỉ rộng hơn 820 km2 đã thu hút số vốn đầu tư lên tới hơn 13,1 tỷ USD, với 1.036 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (trong nước là 369, FDI là 667). Nhiều năm liền, Bắc Ninh đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút đầu tư, năm 2016 xuất siêu đạt khoảng 6,5 tỷ USD, góp phần đáng kể trong việc dịch chuyển cán cân thương mại của cả nước từ nhập siêu chuyển dần sang xuất siêu.

Bắc Ninh tập trung các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn

Hoạt động ngoại thương phát triển vượt bậc, nếu như năm 1997, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bắc Ninh mới đạt hơn 20 triệu USD, đến năm 2016 ước đạt 22,8 tỷ USD. Quy mô thị trường hàng hóa ngày càng mở rộng, đa dạng hóa các ngành dịch vụ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao, năm 2016 ước đạt hơn 39 nghìn tỷ đồng, gấp 41 lần năm 1997. GRDP xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố; GRDP bình quân đầu người gấp 24,7 lần so với năm 1997 và gấp 2,3 lần bình quân chung cả nước, xếp thứ 2 (sau Bà Rịa - Vũng Tàu, do tính cả khai thác dầu thô).

Nếu như trước đây Kinh Bắc - Bắc Ninh chỉ được biết đến là cái nôi của Nho giáo, đất khoa bảng nổi tiếng cả nước, được sử sách và dân gian ca ngợi là đất của “một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”, thì ngày hôm nay, miền quê đất khoa bảng đang trở thành “cứ điểm” của các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Microsft, Canon, Foxconn, Semcorp, PespiCo…

Bắc Ninh đang dần trở thành điểm sáng trong thu hút các nhà đầu tư thương hiệu toàn cầu

Quy mô sản xuất công nghiệp xếp thứ 2 cả nước (chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh); tính đến hết năm 2015, Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, xếp thứ 11 về thu ngân sách nhà nước (từ năm 2011 là một trong 13 địa phương có điều tiết ngân sách nhà nước về Trung ương); đứng thứ 4 về thi học sinh giỏi THPT quốc gia, đứng thứ 7 về tỷ lệ hộ nghèo thấp, xếp thứ 2 về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số phát triển con người (HDI)... đều nằm trong top đầu của cả nước.

Bắc Ninh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa chính quyền, nhân dân địa phương và cộng đồng doanh nghiệp

Bắc Ninh đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, của địa phương bạn phục vụ sự phát triển bền vững, lâu dài của tỉnh.

Có thể thấy, với những nỗ lực và đoàn kết của chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chứng minh một quá trình phát triển không ngừng với những chuyến biến lớn qua những bước đi táo bạo. Trong tương lai, “cần xây dựng Bắc Ninh với tầm nhìn đẳng cấp và khu vực, tầm nhìn đó phải được kết tinh từ cội nguồn văn hóa, lịch sử, từ tâm hồn, cốt cách và khát vọng vươn lên của các cấp ủy Đảng, chính quyền cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn tỉnh. Bắc Ninh phải trở thành hình mẫu độc đáo về tư duy phát triển thịnh vượng dựa trên kinh tế tri thức, các mô hình sáng tạo, đột phá và sức mạnh tiềm ẩn của chiều sâu văn hóa” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bảy tỏ lời động viên, khích lệ lãnh đạo, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Bắc Ninh.