29/03/2024 lúc 15:48 (GMT+7)
Breaking News

Bắc Ninh - Cái nôi của nền văn hiến lâu đời

VNHN - Bắc Ninh, với những con người sinh ra và lớn lên cùng câu Quan họ ngọt ngào, đằm thắm, tình tứ quê mình. Mảnh đất địa linh nhân kiệt này cũng là nơi hội tụ của nhiều di tích tâm linh, là cái nôi của văn hóa Kinh Bắc, tên gọi của một vùng đất có nền văn hiến lâu đời.

VNHN - Kinh Bắc - Cái nôi văn hóa của một vùng đất có nền văn hiến lâu đời. Nơi ấy có những dấu tích của một nền tín ngưỡng, một nét văn hóa nghệ thuật và một cái hồn dân tộc thể hiện đậm đà bản sắc qua những con người Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh ngày nay.

Mành đất Bắc Ninh hình thành và phát triển gắn liền với những câu Quan họ ngọt ngào, đằm thắm, tình tứ. Người Bắc Ninh nhân hậu và hiền hòa. Nơi ấy cũng là mảnh đất địa linh nhân kiệt gắn liền với nhiều danh nhân lịch sử, từ đó đã hội tụ của nhiều di tích tâm linh, nhiều di chỉ khảo cổ học còn đó với những dấu tích cổ xưa thể hiện đậm nét văn hóa thời sơ sử của một nền văn minh lúa nước Châu thổ Sông Hồng.

Kinh Bắc nơi miền quê mà cách đây hàng nghìn năm đã sản sinh ra những làn điệu dân ca làm say đắm lòng người. Nơi đó là một địa danh cũ ở phía Bắc Việt Nam, bao gồm hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận Hà Nội, Hưng Yên và Lạng Sơn. Trong đó, Bắc Ninh là vùng đất nằm ở trung tâm châu thổ Bắc Bộ, đất đai màu mỡ, lại thuận tiện trong giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa phương khác.

Đây là một vùng đất cổ với phong cảnh đẹp, địa hình có núi, có sông, có đồng bằng trù phú, thẳng cánh cò bay. Sách cổ của người xưa từng ngưỡng mộ “Kinh Bắc nổi tiếng văn nhã”. Bởi ở thời đại nào cũng có những danh nhân, kẻ sĩ, các bậc hiền tài nổi tiếng. Đây cũng là nơi kết tụ tinh hoa của các làng nghề như làng tranh Đông Hồ, làng giấy Đống Cao, làng chạm khắc Phù Khê, làng đồng Đại Bái cùng nhiều di tích văn hóa, tâm linh nổi tiếng.

Làng tranh Đông Hồ – Bắc Ninh là cái nôi của dòng tranh khắc gỗ dân gian đặc sắc được đông đảo người dân cả trong và ngoài nước biết đến.

Bắc Ninh là “cái nôi” của Phật giáo Việt Nam

Bắc Ninh là một tỉnh thành có dày đặc các di tích chùa, tháp, đền đài, lăng tẩm được xây dựng qua nhiều triều đại phong kiến và giờ đây đã trở thành những danh thắng lịch sử giá trị. Nơi đây được xem là “cái nôi” của Phật giáo Việt Nam bởi đã ra đời và tồn tại những trung tâm văn hóa Phật giáo lớn và cổ xưa nhất là chùa Dâu, đô thị Luy Lâu cùng nhiều chùa chiền khác. Đô thị Luy Lâu nằm ở khu vực giao nhau giữa sông Dâu và sông Đuống, giữa Trung tâm đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

Những dấu tích còn lại đến ngày nay cho thấy trước đây Luy Lâu là một khu dân cư đông đúc và có hoạt động kinh tế, thương mại nhộn nhịp, xứng tầm là thủ phủ của Việt Nam thời Bắc thuộc. Luy Lâu cũng trở thành trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của Việt Nam sau khi hệ thống chùa, tháp được xây dựng nhiều ở xung quanh. Mà trong đó trung tâm là chùa Dâu.

Chùa Dâu Bắc Ninh – Đệ nhất cổ tự trời Nam.

Chùa được khởi công xây dựng từ năm 187 và là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo. Đầu tiên là các tăng sĩ Ấn Độ trực tiếp đến truyền bá đạo Phật. Và vào cuối thế kỷ thứ 6, các nhà sư Trung Quốc đến chùa Dâu lập nên một phái Thiền ở Việt Nam. Chùa Dâu trở thành nơi phát tích của Phật giáo, là nơi trụ trì của nhiều cao tăng Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đến để nghiên cứu, phiên dịch kinh Phật và đào tạo tăng ni.

Bắc Ninh còn được dân gian truyền tụng ca ngợi là “xứ sở” của đình chùa, lễ hội: Những ngôi chùa lớn trong hệ thống Tứ Pháp thuộc huyện Thuận Thành, chùa Phật Tích, chùa Tiêu, chùa Bút Tháp, những ngôi đình cổ như đình Đình Bảng, Đình Diềm cùng rất nhiều lễ hội nổi tiếng trong vùng. Song hành với lịch sử, những di sản văn hóa ấy vẫn còn được bảo lưu đến ngày nay và là minh chứng rõ nhất mảnh đất này là “cái nôi” của Phật giáo Việt Nam, là trung tâm văn hóa lớn của vùng Kinh Bắc.

Anh Nguyễn Hữu Nam, cán bộ văn hoá huyện Thuận Thành, cho biết: "Bắc Ninh là một trong những nơi có những ngôi chùa cổ nhất ở Bắc Ninh. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ được nhiều công trình nghệ thuật kiến trúc chạm khắc độc đáo có từ thế kỷ thứ 17, tiêu biểu là bức tượng gỗ Phật Bà nghìn tay nghìn mắt và toà tháp kiến trúc chạm khắc đá là Tháp Bảo Nghiêm hay còn gọi là Tháp Bút. Tên Tháp Bút đã được đặt tên cho cả ngôi chùa. Dù trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh cũng như quá trình bào mòn của thời gian, nhưng chùa Bút Tháp vẫn giữ nguyên được nét cổ kính”. 

Chùa Bút Tháp - Cái nôi của nền văn hóa Phật giáo tại Bắc Ninh.

Cái nôi của văn hóa nghệ thuật Kinh Bắc

Bắc Ninh còn là vùng đất đầy ắp những huyền thoại, truyền thuyết, thơ ca,…phản ảnh về xã hội con người ở mọi góc độ như lao động, chinh phục thiên nhiên và tình yêu đôi lứa. Cũng từ đây đã nảy nở nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa, mà tiêu biểu là dân ca Quan họ. Quan họ hình thành ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay. Nơi ranh giới này được ngăn cách bởi sông Cầu, còn được gọi là “dòng sông Quan họ”. Nhưng các làng Quan họ chủ yếu tập trung ở Bắc Ninh, chỉ có số ít làng nằm rải rác ở Bắc Giang. Bởi vậy, Bắc Ninh được xem là quê hương của dân ca Quan họ.

Quan họ Bắc Ninh Quan họ, là cái hồn của Kinh Bắc – Bắc Ninh. Ông Nguyễn Thạc Kim cán bộ quản lý di tích Đền Đô, cho biết: "Khi Nhà Lý lên ngôi đã xây dựng nền quân chủ thống nhất, một lãnh thổ thống nhất và một chính quyền thống nhất và từ đó Nhà Lý đã xây dựng các cơ sở kinh tế xã hội và văn hoá, làm nền tảng cho nền văn hoá, văn minh Đại Việt sau này và xây dựng quân đôi vững mạnh. Dân ở thời bình làm nông nghiệp,còn khi có chiến tranh là những người lính".

Các liền chị thướt tha trong tà áo tứ thân và nón quai thao. 

Với chính sách như thế, nhà Lý đã xây dựng nền kinh tế vững mạnh, đồng thời bảo vệ được lãnh thổ của Nhà nước Đại Việt”. Dân ca Quan họ có từ thời Hùng Vương. Cho đến bây giờ, nét văn hóa Kinh Bắc xưa vẫn được thể hiện trong những đền đài di tích cổ, những lễ hội truyền thống và lề lối của người Quan họ Bắc Ninh. Du khách một lần hành hương đến mảnh đất này cũng là đến với cội nguồn làng Việt cổ. Mà ở đó, mỗi nét văn hóa là một mảnh ghép tạo nên bức tranh văn hóa Kinh Bắc đầy màu sắc.

Theo thần tích làng Diềm (thôn Viêm Xã, xã Hòa Long, huyện Yên Phong), công chúa Nhữ Nam, con vua Hùng Vương đi du xuân gặp mưa to gió lớn nên dừng chân ở làng Diềm và sau đó ở lại dạy người dân làm ăn và văn hóa lễ nghĩa. Những lúc nông nhàn, bà dạy dân các làn điệu hát đối đáp, gọi là hát Quan họ. Và sau khi mất, được nhân dân lập đến thờ, tôn bà là Vua bà, thủy tổ của các làn điệu dân ca Quan họ. Chính từ làng Diềm, những câu Quan họ đầu tiên đã cất lên, lan tỏa ra khắp miền Kinh Bắc, để rồi, hôm nay trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Nét đẹp của văn hóa

Những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ váy áo mớ ba, mớ bảy cùng nhau hát đối những câu ca thắm đượm ân tình. Người Quan họ không chỉ có lời ca hay mà còn giàu có về vốn văn hóa dân gian. Các điển tích, các lối chơi thơ văn đều được kế thừa và đưa vào trong lời ca tiếng hát. Từ cái nôi là mảnh đất Bắc Ninh, dân ca Quan họ đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc Việt Nam, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.