29/03/2024 lúc 13:31 (GMT+7)
Breaking News

Bắc Kinh - Rome: “Con đường tơ lụa hai chiều” và hơn thế nữa

VNHN-Vừa qua, tại thủ đô Rome, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ kí kết bản ghi nhớ về sáng kiến “Vành đai và Con đường” cùng hơn 20 thỏa thuận hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực khác.

VNHN-Vừa qua, tại thủ đô Rome, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ kí kết bản ghi nhớ về sáng kiến “Vành đai và Con đường” cùng hơn 20 thỏa thuận hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực khác.

Với việc chính thức kí kết biên bản ghi nhớ về sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, Italy đã trở thành cường quốc Tây Âu đầu tiên bắt tay tham gia sáng kiến trị giá hàng tỷ USD của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, bất chấp sự hoài nghi từ các đối tác Liên minh châu Âu (EU) và Washington.

Củng cố quan hệ chiến lược

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến việc ký kết một bản ghi nhớ về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng hợp tác thương mại của Bắc Kinh vào ngày 23/3 tại Rome.

Bên cạnh thỏa thuận “Vành đai và Con đường”, Italy và Trung Quốc đã ký hơn 20 thỏa thuận khác trong các lĩnh vực bao gồm quản lý cảng, khoa học và công nghệ, thương mại điện tử, nông nghiệp, nhập khẩu thịt bò và thịt lợn, truyền thông, văn hóa, ngân hàng, khí đốt tự nhiên và thép.

Mặc dù các chi tiết của bản hợp đồng không được đưa ra, song theo Reuters, các thỏa thuận trên có trị giá lên tới 20 tỷ EUR (22,62 tỷ USD), trong khi truyền thông Italy ước tính giá trị của “cái bắt tay” này trị giá khoảng 5 tỷ EUR.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Bộ trưởng Lao động và Công nghiệp Italy Luigi Di Maio và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tại buổi lễ kí kết biên bản ghi nhớ ngày 23/3. (Nguồn: AFP)

Italy hiện là quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển G7 và là thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) tham gia sáng kiến thương mại của Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo từ phía Mỹ và Liên minh kinh tế - chính trị nói trên.

Ngày 22/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Bắc Kinh đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp đầu tư vào các dự án cảng biển và cơ sở hạ tầng ở Italy nhân chuyến thăm chính thức tới Rome. Phát biểu trên được đưa ra xuất phát từ những lo ngại về đầu tư của Trung Quốc vào các “tài sản quan trọng” của châu Âu ngày càng gia tăng.

Trong một nỗ lực tìm kiếm cách thức thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương với Rome, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định thiện chí sẵn sàng hợp tác của Bắc Kinh với Rome về các dự án cảng biển, cơ sở hạ tầng và giao thông hàng hải. Người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhấn mạnh: “Trung Quốc và Italy nên tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng, cảng biển và hậu cần, giao thông hàng hải và các lĩnh vực khác, để có thể hiện thực hoá những tiềm năng to lớn”.

Bỏ ngoài tai “lời ra tiếng vào”

Trong cuộc họp báo chung, Tổng thống Italy Mattarella cho biết, Rome đã cố gắng giải quyết những lo ngại rằng Trung Quốc sẽ là người được hưởng lợi duy nhất từ sự tham gia của Italy vào sáng kiến.

“Đường tơ lụa mới phải là con đường hai chiều để Trung Quốc và Italy trao đổi không chỉ riêng hàng hóa, mà còn cả tài năng, ý tưởng, kiến thức, giải pháp hướng tới tương lai cho các vấn đề và dự án chung trong thời gian tới”, Tổng thống Matt Mattarella khẳng định.

Bất chấp những “lời ra tiếng vào” và bỏ ngoài tai dư luận tranh cãi về thỏa thuận về sáng kiến cơ sở hạ tầng và thương mại của Bắc Kinh, sau cuộc hội kiến với người đồng cấp Italy Mattarella, ông Tập Cận Bình cho biết, “Bắc Kinh và Rome là đối tác ở cấp độ chiến lược. Hai nước có sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Bắc Kinh hy vọng Rome có thể đóng vai trò thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc với EU”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Italy Sergio Mattarella. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Trong một nỗ lực giảm bớt những lo ngại về đầu tư của Trung Quốc trong khu vực, sau khi kết thúc chuyến thăm Italy, điểm dừng chân tiếp theo của ông Tập Cận Bình sẽ là Monaco và Pháp. Dự kiến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris vào ngày 26/3 tới.

Một điều ngạc nhiên là, vị Tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp Macron đã mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng tham dự cuộc họp. Động thái trên được cho là nhằm gia tăng áp lực lên Trung Quốc trong cuộc chinh phục châu Âu.

Quan trọng hơn, đây còn là một bước đi thận trọng của Liên minh châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh liên minh kinh tế - chính trị trên vừa công bố kế hoạch 10 điểm trong quan hệ với Trung Quốc, với cảnh báo Bắc Kinh vừa là “đối thủ” vừa là đối tác thương mại lớn nhất. “Chúng ta không thể xây dựng một nền tảng ổn định dựa trên sự mất cân bằng dai dẳng”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định.