20/04/2024 lúc 04:16 (GMT+7)
Breaking News

Bắc Giang: đẩy mạnh phát triển giao thông hướng đến cơ hội hợp tác toàn diện

Là một tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, Bắc Giang có một hệ thống mạng lưới giao thông khá đa dạng và phong phú, trong đó bao gồm đường bộ, đường sông và đường sắt. Đây chính là cơ hội thuận tiện cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Bắc Giang với các tỉnh lân cận...

Là một tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, Bắc Giang có một hệ thống mạng lưới giao thông khá đa dạng và phong phú, trong đó bao gồm đường bộ, đường sông và đường sắt. Đây chính là cơ hội thuận tiện cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Bắc Giang với các tỉnh lân cận.

Giao thông đi trước một bước

Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của các cấp chính quyền cùng với sự quyết tâm, đồng lòng của nhân dân, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành tốt nhiều kế hoạch được đề ra. Nhiều nhiệm vụ quy hoạch trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng giao thông đã khoác lên mình bộ áo mới. Cụ thể, nhiều trục giao thông quan trọng đã được tập trung đầu tư xây dựng như: Tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, ĐT290, ĐT295, ĐT293, đường Vành đai IV, đường nối ĐT293… 

Hạ tầng giao thông Bắc Giang đang là động lực để thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: CTTĐT Bắc Giang

Hiện tại, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 10.784,79 km đường bộ. Trong đó, có 5 đường Quốc lộ chạy qua gồm: QL1A, QL31, QL37, QL279 và QL17 với tổng chiều dài 308,9 km; 18 tuyến đường tỉnh dài 367,66 km; đường huyện dài 736,9 km; đường xã dài 2.053,72 km; đường đô thị khoảng 308,18 km và 7.009,43 km đường thôn. Ngoài ra, còn có hệ thống đường chuyên dùng ở các khu công nghiệp và đường nội đồng.

Với mục tiêu tập trung tối đa mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, từ đó tạo tiền đề, động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo, làm cơ sở xem xét tích hợp vào quy hoạch tỉnh và bổ sung một số nội dung quy hoạch về tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 23/8/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh, bổ sung cục bộ Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang dự Lễ thông xe kỹ thuật cầu vượt QL1 kết nối đường vành đai IV với đường trong KCN Quang Châu, huyện Việt Yên vào ngày 14/11/2020. Ảnh: CTTĐT Bắc Giang

Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện điều chỉnh quy mô các tuyến ĐT298, ĐT292, ĐT290 từ cấp IV lên cấp III; đoạn QL31 - Neo - Đồng Việt (thuộc ĐT 299) từ cấp IV lên cấp III và bổ sung cầu Đồng Việt kết nối với tỉnh Hải Dương. Tại đường vành đai IV, bổ sung xây dựng cầu vượt QL1 kết nối với khu công nghiệp Quang Châu và điều chỉnh hướng tuyến đoạn cuối tuyến đi qua Xuân Cẩm, kết nối với nút giao Bắc Phú (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội).

Bên cạnh đó, bổ sung thêm một số tuyến mới như: Tuyến Cảnh Thụy - Neo - Nham Sơn- Yên Lư (huyện Yên Dũng) kết nối với đường khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, đường Vành đai IV có chiều dài 17 km, quy mô cấp III. Bổ sung tuyến kết nối ĐT298 đến đường vành đai IV dài 7 km qua địa bàn các xã: Hoàng Ninh, Quảng Minh, Trung Sơn của huyện Việt Yên…

Bắc Giang cũng không ngừng đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh tỷ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn. Trong đó 100% đường huyện được cứng hóa mặt đường; cứng hóa mặt đường xã đạt 70%; nâng cấp đường thôn, xóm đạt loại B, tỷ lệ cứng hoá đạt 75 - 80%.

Về đường thủy, tỉnh Bắc Giang có 3 sông chính chảy qua gồm sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam, tổng chiều dài khoảng 354 km; trong đó 222 km do Trung ương quản lý đảm bảo cho các phương tiện thủy có trọng tải từ 40 tấn đến 500 tấn qua lại được; 130 km do địa phương quản lý, chủ yếu cho các phương tiện thủy loại nhỏ hoạt động; ngoài ra còn có các sông nhánh và 2 hồ thuộc huyện Lục Ngạn là hồ Cấm Sơn và Khuôn Thần.

Ngoài các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông đường thủy, Bắc Giang còn có 3 tuyến đường sắt quốc gia chạy qua: gồm tuyến Hà Nội - Đồng Đăng dài 167 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài 40 km; tuyến Kép - Hạ Long dài 106 km, qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài 32,77 km; tuyến Kép - Lưu Xá dài 57 km, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Giang dài 23 km. Cùng với đó là hệ thống nhà ga phân bố đều khắp ở các tuyến: ga Sen Hồ, Bắc Giang, Phố Tráng, Kép, Bảo Sơn, Lan Mẫu, Bố Hạ, Mỏ Trạng.... Các ga này đều có đủ năng lực phục vụ vận chuyển hành khách, xếp dỡ hàng hóa với khối lượng lớn.

Song song với 3 tuyến đường sắt Quốc gia do Trung ương quản lý, Bắc Giang còn có một tuyến đường sắt chuyên dùng thuộc Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đóng góp rất lớn vào việc giảm tải cho vận tải giao thông đường bộ trên địa bàn.

Với việc mở rộng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, tỉnh Bắc Giang đang đứng trước cơ hội hợp tác toàn diện, sâu rộng với các trung tâm kinh tế trong vùng và hợp tác quốc tế, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX  đã đề ra.


Giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Giang tiếp tục tập trung mở rộng một số tuyến đường kết nối giữa cảng và đường bộ. Ảnh: CTTĐT Bắc Giang

Mở rộng quy hoạch, đa dạng các loại hình bến bãi

Giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Giang tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các tuyến đường tỉnh hiện có. Trong đó điều chỉnh cắt giảm l,5 km ĐT288 tại đầu tuyến về đường huyện quản lý; bổ sung l,5 km từ điểm đầu nhánh 3 đường Vành đai IV đến đê sông Cầu quy mô cấp III; bổ sung xây dựng cầu vượt sông Cầu. Điều chỉnh quy mô ĐT293 đoạn TP. Bắc Giang - QL37 dài 20km từ cấp III lên cấp II. Đồng thời điều chỉnh chuyển toàn bộ ĐT298B hiện trạng thành đường huyện, bắt đầu từ ĐT295B (xã Hồng Thái, huyện Việt Yên) đến đoạn ĐT298 (Km 14+200) - QL37 (Km77+200) - chùa Bổ Đà và kết thúc tại đê sông Cầu với chiều dài tuyến 14,5 km với quy mô cấp III.

Thực hiện bổ sung danh mục một số cảng vào quy hoạch. Đặc biệt tập trung vào các cảng chuyên dùng gồm: Cảng xăng dầu Quang Châu, Mỹ An, Thạch Bàn, Tân Tiến, Trí Yên, Hòa Phú, Hợp Thịnh, Khám Lạng, Yên Lư và bổ sung cảng hành khách Chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng).

Đồng thời cũng tập trung bổ sung quy hoạch một số tuyến đường kết nối giữa cảng và đường gồm: Đường kết nối cảng Đồng Sơn với QL1; tuyến đường kết nối cảng Quang Châu với khu công nghiệp Quang Châu và QL1; tuyến kết nối ĐT293 đến cảng Tân Tiến; tuyến kết nối QL17 với cảng Thạch Bàn, quy mô tối thiểu đạt cấp IV.

Có thể nói, những năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển đã giúp đời sống của người dân tỉnh Bắc Giang được nâng cao, chất lượng giao thông vận tải được cải thiện rõ rệt. Đây là bước đệm chắc chắn, đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và toàn tỉnh Bắc Giang nói chung.