25/04/2024 lúc 14:42 (GMT+7)
Breaking News

Áp dụng vốn tín dụng chính sách để nâng cao đời sống tại miền núi phía Bắc

VNHN - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết tháng 7, dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

VNHN - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, tính đến hết tháng 7, dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách ngày càng được tiếp cận nhiều hơn các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng với quy trình, thủ tục cho vay theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản và phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng”. Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tại hội nghị về công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc được Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 4/9 tại tỉnh Sơn La.

Nguồn vốn được lan tỏa

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá, trong thời gian qua các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng nói chung và chính sách đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách đã không ngừng được hoàn thiện. Hệ thống tổ chức tín dụng đã triển khai, thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Cũng theo Phó Thống đốc, tính đến hết tháng Bảy, dư nợ tín dụng cho khu vực đạt khoảng 409.552 tỷ đồng, tăng 4,87% so với năm 2018, chiếm 5,29% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay theo lĩnh vực ưu tiên đều có xu hướng tăng so với cuối năm 2018. Đáp ứng nhu cầu vốn cho khu vực trung du miền núi phía Bắc, ngoài 14 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước với chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, mạng lưới ngân hàng hoạt động tại khu vực đã được mở rộng đến 176 chi nhánh cấp 1 và 151 quỹ tín dụng nhân dân, 1.052 chi nhánh trực thuộc và phòng giao dịch. Trong đó, Agribank có 17 chi nhánh loại 1 đang hoạt động trên địa bàn 14 tỉnh; Ngân hàng Chính sách Xã hội có 14 chi nhánh cấp tỉnh, 127 phòng giao dịch cấp huyện, tổ chức 2.566 điểm giao dịch xã, thành lập 37.489 tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, bản.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, hiện ngân hàng đang triển khai, thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện, trong đó có các chương trình tín dụng dành riêng cho huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến 31/7, dư nợ tại khu vực trung du miền núi phía Bắc đạt 42.748 tỷ đồng, tăng 6,12% so với 31/12/2018, với hơn 1.486 ngàn khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 21,5% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội góp phần giúp trên 762.000 hộ thoát nghèo.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cũng cho biết, hiện ngân hàng này đang triển khai các chương trình tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Ngoài ra, còn cho vay một số ngành công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ hỗ trợ khác và cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn. Dư nợ cho khu vực đạt trên 130.000 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ. Riêng gói tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng do Agribank triển khai từ đầu năm 2019, đến nay, dư nợ của khu vực đối với chương trình này đạt gần 300 tỷ đồng, chiếm 29% dư nợ cho vay của chương trình trên toàn quốc.

Công ty Cổ phần Chăn nuôi Minh Thúy Chiềng Chung có địa chỉ tại Bản Mé, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được Agribank chi nhánh tỉnh Sơn La cho vay với số tiền 82 tỷ đồng để thực hiện dự án. Bắt đầu đi vào xây dựng từ năm 2016, đến nay Công ty đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động với quy mô đàn 2.400 lợn nái sinh sản và 20.000 lợn thịt thương phẩm/năm; diện tích chuồng trại 32.000m. Dự án đã đi vào hoạt động với quy mô đàn đúng như thiết kế, công ty đã có sản phẩm cung cấp ra ngoài thị trường, tạo điều kiện công ăn việc làm cho 150 lao động tại địa phương, với mức lương ổn định từ 5 triệu đồng/tháng trở lên.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Minh Thúy Chiềng Chung cho biết, từ khi thành lập đến nay công ty đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt là từ đầu năm 2019 tại Việt Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi, đây là dịch bệnh rất nguy hiểm lây lan nhanh mà hiện tại chưa tìm ra loại vắc xin phòng chống. Tuy nhiên với sự tạo điều kiện của các cấp các ngành, sự chia sẻ đồng hành của Agribank mỗi khi doanh nghiệp có khó khăn đến nay công ty rất tự tin trong lĩnh vực của mình đã đầu tư đặc biệt là trong vấn đề kiểm soát dịch tả Châu Phi.

Nhìn chung, hệ thống ngân hàng đã thực sự phát huy vai trò “huyết mạch” đối với phát triển kinh tế xã hội các tỉnh trong khu vực. Nguồn vốn ngân hàng đã giúp cho hàng triệu hộ gia đình chính sách, hộ nghèo khắc phục khó khăn, có điều kiện chuyển đổi, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

Các ý kiến, tham luận tại hội nghị đã thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ngân hàng, như: Nguồn huy động tại địa bàn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn dẫn đến phải bố trí nguồn vốn điều hòa từ ngân hàng thương mại cấp trên và các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính tiền tệ khác. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại khu vực thường gặp phải các rủi ro do chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa đá, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thu nhập bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng nguy cơ tái nghèo cao.

Ông Thắng nhấn mạnh, hiện tín dụng chính sách đối với người dân tại khu vực mới chỉ dừng lại ở mức triển khai đối với một số đối tượng chính sách cụ thể, chưa có chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho vùng, chưa có chính sách tín dụng đặc thù dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.

Đặc biệt theo ông Thắng, đối tượng thụ hưởng tại một số chương trình tín dụng như cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định. Các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận, mặc dù đây là những đối tượng rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực để trang trải chi phí học tập của con em mình, cũng như để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh thuộc các địa bàn khó khăn.

Mô hình nuôi cá của người dân

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng cần triển khai hiệu quả, kịp thời chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, người dân. Có chính sách điều hòa vốn phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp cho các chi nhánh trên địa bàn để đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách.