24/04/2024 lúc 15:34 (GMT+7)
Breaking News

Áo dài: Di sản văn hóa Việt Nam

Sự kiện “Áo dài của chúng ta” với chủ đề “Thế giới trong áo dài Việt” do Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long đã phối hợp với Tạp chí tinh hoa đất Việt sẽ được tổ chức vào tối ngày 9/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Sự kiện “Áo dài của chúng ta” với chủ đề “Thế giới trong áo dài Việt” do Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long đã phối hợp với Tạp chí tinh hoa đất Việt sẽ được tổ chức vào tối ngày 9/4 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Áo dài truyền thống là một di sản văn hóa quan trọng, gắn liền với vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã đề xuất công nhận áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hướng đến đề xuất UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Mỗi tà áo dài đều góp phần lan tỏa lòng tự hào, tình yêu với trang phục truyền thống Việt Nam; tôn vinh vóc dáng, vẻ đẹp của người phụ nữ góp phần mang tới sức sống mới cho di sản văn hóa Việt Nam.

Chất liệu truyền thống bị lãng quên

Sự kiện sẽ mang đến đêm diễn với 15 bộ sưu tập của 15 nhà thiết kế hàng đầu cả nước: Như NTK Huệ Thi, NTK Trung Beret, NTK Trần Thanh, NTK Cao Duy, NTK Ngọc Hân, NTK Trần Thiện Khánh, NTK Hà Duy, NTK Trịnh Bích Thủy ,NTK Công Huân,… Đặc biệt tất cả các bộ sưu tập được thực hiện bằng chất liệu truyền thống Việt Nam như lụa Vietnam Silk House và vải gai AP. Đây vốn là một chất liệu cổ truyền bị lãng quên nhiều năm và giờ đây như được sống lại. Những chất liệu này góp phần ghi thêm dấu ấn đậm nét về cội nguồn dân tộc Việt Nam trên chiếc áo dài.

 “Nếu công chúng đã quá quen thuộc với lụa thì nay, lần đầu tiên được biết thêm một chất liệu tuyệt vời nữa dành cho áo dài là vải từ sợi gai, một chất liệu thân thiện và dễ chịu” nhà thiết kế Minh Hạnh - Tổng đạo diễn chương trình chia sẻ.

Các nhà thiết kế của 15 bộ sưu tập áo dài trong sự kiện.

Biểu trưng của Phụ nữ trong thời đại mới

Sự kiện “Áo dài của chúng ta” nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Áo dài Di sản Việt Nam” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động với mong muốn phát huy hơn nữa vẻ đẹp của tà áo dài để trang phục này trở thành biểu trưng của phụ nữ trong thời đại mới.

Đại diện ban tổ chức cho biết nhà thiết kế Huệ Thi (Cần Thơ) sẽ mở màn bằng bộ sưu tập đậm chất Việt Nam; nhà thiết kế Trung Beret (Đắk Lắk) diễn đạt sự bình yên của đất nước Lào; nhà thiết kế Trần Thanh Mẫn (Huế) thể hiện tính hoàng gia sang trọng của Thái Lan; nhà thiết kế Cao Duy (Tiền Giang) thể hiện hình ảnh những kỳ quan của đất nước Trung Quốc; nhà thiết kế Ngọc Hân (Hà Nội) diễn tả đất nước Ấn Độ qua những hoa văn cung đình.

Nhà thiết kế Trần Thiện Khánh (Huế) tái hiện phong cách Hàn Quốc thông qua những bộ áo hanbok; nhà thiết kế Hà Duy (Hà Nội) thể hiện kiến trúc sâu lắng, nhẹ nhàng mang đậm tính thiền của Nhật Bản; nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy (Hà Nội) mang đến những câu chuyện thần thoại của đất nước Hy Lạp; nhà thiết kế Công Huân (Thành phố Hồ Chí Minh) mạnh mẽ với Nữ thần tự do nước Mỹ; nhà thiết kế Lan Hương (Hà Nội) khai thác vẻ đẹp di sản của kiến trúc Đức.

Trong khi đó, nhà thiết kế Cao Minh Tiến (Hà Nội) say mê ngôn ngữ của nước Pháp; trang phục của nhà thiết kế Thanh Thúy (Hà Nội) toát lên vẻ lãng mạn, lịch thiệp của con người Italy; nhà thiết kế Phương Thanh (TP HCM) lại diễn tả vẻ đẹp của đất nước Hà Lan qua hình tượng hoa tulip; nhà thiết kế Chu La (Hà Nội) giới thiệu bộ sưu tập bằng chính vẻ đẹp văn hóa nguồn gốc Tây Ban Nha của mình; nhà thiết kế Minh Hạnh (TP HCM) sẽ mang đến hình ảnh nước Nga với nền văn hóa vĩ đại.

Tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc

Với ý tưởng kết nối giữa văn hóa Việt Nam và thế giới, các nhà thiết kế đã đưa những hình ảnh, vẻ đẹp đại diện của các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc vào tà áo dài; kết hợp cùng với phong cách trang phục truyền thống của các nước để tạo nên một tà áo dài Việt Nam với diện mạo mới lạ và sinh động hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng vốn có.

Những mẫu thiết kế sẽ được trình diễn trong sự kiện.

Tại chương trình, hơn 600 bộ áo dài sẽ được giới thiệu trong không gian văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đặc biệt hơn còn có sự tham dự của 400 “diễn viên”, là phu nhân của đại sứ các nước tại Việt Nam như: phu nhân đại sứ Italy, phu nhân đại sứ Ấn Độ, phu nhân đại sứ Lào, phu nhân đại sứ Belarus, các đại diện đến từ Mozambique…; cùng những nghệ sỹ gạo cội Việt Nam như: nghệ sỹ ưu tú Thanh Tú, nghệ sỹ nhân dân Thu Hà, nghệ sỹ nhân dân Lan Hương (Em bé Hà Nội), nghệ sỹ nhân dân Hoàng Cúc, nghệ sỹ nhân dân Minh Hòa, nghệ sỹ nhân dân Trà Giang. Ngoài ra có sự tham gia của 100 học viên của Học viện Phụ nữ, 40 thiếu nhi của đội tuyển trống thiếu nhi Hà nội, cùng 90 người mẫu từ TPHCM và Hà Nội. 

Không chỉ tôn vinh nét đẹp văn hóa dân tộc, các mẫu thiết kế còn thể hiện sự giao lưu văn hóa với các quốc gia khi khai thác họa tiết từ nét đẹp văn hóa truyền thống của nhiều nước trên thế giới. Nhân dịp này, các nhà thiết kế đã trao tặng 15 bộ áo dài cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Sự kiện “Áo dài của chúng ta” nhằm kỷ niệm những sự kiện lớn của đất nước như: 46 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chào mừng thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chào mừng Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và tôn vinh nét đẹp áo dài, tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam. Sự kiện sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo vệ áo dài truyền thống, tôn vinh và quảng bá trang phục truyền thống của người Việt.