20/04/2024 lúc 04:54 (GMT+7)
Breaking News

An Giang: Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt khó !

VNHN - Với sự quan tâm, động viên và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Chính quyền tỉnh Anh Giang kỳ vọng rằng: Doanh nghiệp và người dân sẽ sớm lấy lại cân bằng trong cuộc sống, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước hồi phục phát triển sau đại dịch, góp phần ổn định phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

VNHN - UBND tỉnh An Giang đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn và làm đảo lộn đời sống sinh hoạt xã hội.

*Đảm bảo Tăng trưởng kinh tế ổn định

Thời gian qua, Tỉnh ủy-HĐND-UBND tỉnh An Giang đã tập trung chỉ đạo phòng chống dịch; huy động cả hệ thống chính trị, người dân và nguồn lực xã hội chung tay tham gia, sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe nhân dân và cộng đồng, giữ ổn định trật tự xã hội. Với quyết tâm và sự vào cuộc ngay từ đầu năm của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, quyết liệt với phương châm "chống dịch như chống giặc," của các ngành các cấp, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đạt kết quả đáng mừng, dịch bệnh được kiểm soát, không có cas dương tính.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhận định: Dù dịch Covid-19 đã tác động xấu đến nhiều lĩnh vực, nhưng tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong quý I vẫn cơ bản giữ ổn định. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,75%; sản xuất nông nghiệp thắng lợi, năng suất lúa vụ đông xuân đạt 72,7 tạ/ha (tăng 2,28 tạ/ha so cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu đạt 217 triệu USD, tăng 2,6% so cùng kỳ; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 2.487 tỷ đồng. Có 171 doanh nghiệp được thành lập mới và 130 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký 1.038 tỷ đồng.

Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư An Giang Nguyễn Duy Toàn, cho biết: Trong mức tăng trưởng GRDP 4,75% khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,82%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trước; khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 5,80%, dịch vụ tăng 5,30%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,29%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trước. Trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng trong thời gian qua, đồng thời nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh thời gian tới tỉnh đã dự thảo 3 kịch bản tăng trưởng năm 2020.

*Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, tái cơ cấu sản xuất

Lãnh đạo tỉnh An Giang đã quán triệt và đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội, rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng và mức độ thiệt hại do dịch bệnh gây ra để kịp thời triển khai các giải pháp; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh khi hết dịch. Để vừa làm tốt phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành kế hoạch điều hành an sinh xã hội trong tình hình dịch bệnh. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kích cầu du lịch, tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử…

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: Trong tháng 4-2020, có 25.351 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 ở các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới. Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới là 13.655 tỷ đồng, chiếm 19,18% tổng dư nợ toàn tỉnh; trong đó có 1.553 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 690 tỷ đồng, 8.090 khách hàng được miễn, giảm lãi vay 3.227 tỷ đồng, tiền lãi khách hàng được giảm 2,44 tỷ đồng, 15.708 khách hàng vay mới số tiền 9.738 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh An Giang tích cực hỗ trợ khách hàng

Nhiều ngân hàng làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp, như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-Chi nhánh An Giang đã hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với 28 khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 với tổng dư nợ 530 tỷ đồng, mức giảm lãi suất từ 0,5-2%, cơ cấu lại thời hạn trả nợ 2 khách hàng gần 12 tỷ đồng, gần 1.200 khách hàng được đưa vô chương trình tín dụng giảm lãi vay. Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay của Ngân hàng ngoại thương-Chi nhánh An Giang và Chi nhánh Châu Đốc 2.511 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam-Chi nhánh An Giang và Bắc An Giang 504 tỷ đồng...

Để góp phần chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch, các ngân hàng đã dồn sức để hỗ trợ khách hàng với hàng loạt biện pháp mạnh (miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí thanh toán). Đồng thời, chủ động tự cân đối nguồn vốn, tiết giảm các chi phí hoạt động, giảm lương, thưởng, giảm lợi nhuận kinh doanh và đăng ký nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, giảm sâu so với lãi suất cho vay thông thường, hiện hữu từ 0,5%-2,5%/năm, với quy mô trên toàn quốc lên đến 600.000 tỷ đồng. Đây là sự chia sẻ hết sức to lớn của ngành ngân hàng cùng với các chính sách khác của nhà nước, chính phủ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do đại dịch.

Đối với gói tín dụng này, theo ông Nguyễn Tuấn Dũng ngoài việc ưu đãi lãi suất giảm từ 0,5%-2,5%/năm, tập trung cho vay các đối tượng, ngành nghề bị ảnh hưởng, còn các điều kiện cho vay đều phải thực hiện đúng quy định, không được nới lỏng điều kiện tín dụng, nhằm đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng. Bên cạnh cùng với các ngành hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, thì ngân hàng cũng phải duy trì tính lành mạnh, an toàn trong hoạt động kinh doanh của mình, bởi ngân hàng là một mạch máu chính của nền kinh tế.

Hỗ trợ người nộp thuế tại Cục thuế tỉnh An Giang.

Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh An Giang Phạm Văn Dũng, cho biết: Toàn tỉnh có 5.800 doanh nghiệp đang hoạt động và có nộp thuế. Để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, Cục thuế tỉnh đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các Phòng, Chi cục thuế tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đồng thời nắm sát tình hình, diễn biến ảnh hưởng của dịch bệnh đến nguồn thu ngân sách, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Từ khi có Nghị định 41/2020/NĐ-CP, ngày 8-4-2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đến nay Cục thuế tỉnh đã nhận được đề nghị của 871 doanh nghiệp đề nghị gia hạn với tổng số tiền hơn 109 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp đề nghị gia hạn thuế giá trị gia tăng hơn 32,1 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 67,3 tỷ đồng, tiền thuê đất hơn 9,6 tỷ đồng. Ngoài ra thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm dừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng, tùy theo tình hình diễn biến của dịch, nhưng không quá 3 tháng. Theo thống kê đến cuối năm 2019 toàn tỉnh có hơn 12.300 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm. Hiện Cục thuế tỉnh phối hợp UBND các địa phương rà soát lại, thẩm định, đảm bảo đúng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh An Giang, cho biết: Ngành ngân hàng luôn thường trực, duy trì tiếp nhận thông tin phản ảnh của khách hàng qua đường dây nóng (02963.843662-02963.844245); tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh phù hợp đặc điểm tình hình; thực hiện giải pháp thích hợp với khả năng tài chính của khách hàng, giúp khách hàng ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước hồi phục phát triển sau đại dịch, góp phần ổn định phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

*Hỗ trợ người dân khó khăn do dịch Covid-19

Trước đó - Ngày 12/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh an Giang Lê Văn Phước đã ký quyết định số 1000/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 246.706 đối tượng người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của tỉnh.

Cán bộ trực tiếp đến nhà thăm hỏi và hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch bệnh. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách trở lên tại Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.

Đối tượng hỗ trợ là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả một lần. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được hỗ trợ thêm 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian áp dụng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả một lần. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31-12-2019 được hỗ trợ 250.000 đồng/khẩu/tháng. Thời gian áp dụng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 và được chi trả một lần.

Với sự quan tâm, động viên và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Chính quyền tỉnh Anh Giang kỳ vọng rằng: Doanh nghiệp và người dân sẽ sớm lấy lại cân bằng trong cuộc sống, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước hồi phục phát triển sau đại dịch, góp phần ổn định phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương./.