17/04/2024 lúc 05:04 (GMT+7)
Breaking News

An Giang: Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông-thủy sản

VNHN - Sở Công Thương tỉnh An Giang đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị liên quan đã thống nhất giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi có diễn biến bất lợi về thị trường xuất khẩu nông sản; trong đó ưu tiên xử lý đối với các sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn ngày đã và đang trong giai đoạn thu hoạch chính vụ như: xoài, chuối …

VNHN - Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị liên quan đã thống nhất giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi có diễn biến bất lợi về thị trường xuất khẩu nông sản; trong đó ưu tiên xử lý đối với các sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn ngày đã và đang trong giai đoạn thu hoạch chính vụ như: xoài, chuối …

Hiện nay, UBND tỉnh An Giang cũng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ đầu ra cho nông sản, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh. Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến khó lường, Sở Công Thương tỉnh An Giang dự báo tình hình xuất khẩu của An Giang sẽ gặp khó khăn đến hết quý I/2020 và có khả năng kéo dài đến hết quý II/2020 nếu dịch bệnh không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thu hoạch lúa. (Ảnh: Công Mạo)

Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, mặc dù ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh COVID-19, nhưng xuất khẩu hàng hóa của An Giang trong 2 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, đạt 145,5 triệu USD. Để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản trước ảnh hưởng bất lợi về thị trường xuất khẩu do dịch bệnh.

Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, Sở cũng đã làm việc và đưa sản phẩm nông sản của An Giang vào tiêu thụ trong các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Sở tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp rà soát lại sản lượng cần hỗ trợ tiêu thụ đối với các sản phẩm nông, thủy sản, trái cây để tiếp tục làm việc với nhà phân phối trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ cho nông dân. Trong trường hợp dịch bệnh COVID-19 kéo dài, Sở Công Thương sẽ đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ triển khai ngay việc thu mua tạm trữ lúa, thủy sản và chỉ đạo các hệ thống phân phối thu mua xoài cho nông dân An Giang”, ông Lợi cho biết.

Để chủ động tháo gỡ đầu ra cho nông sản trên địa bàn tỉnh trước ảnh hưởng bất lợi của dịch COVID-19, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, công thương theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ bộ, ngành Trung ương về tình hình, phương án ứng phó kịp thời, đảm bảo sản xuất và cung ứng nông sản hiệu quả, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xuất nhập khẩu, đặc biệt là tình hình xuất nhập khẩu, giao thương biên giới với Trung Quốc để kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp.

Tình hình nuôi trồng thủy sản tại An Giang hiện vẫn chưa có sự xáo trộn đáng kể. (Ảnh: Công Mạo)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh An Giang, thời gian qua dịch COVID-19 bước đầu đã tác động đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của tỉnh An Giang. Với ngành hàng cá tra, theo ghi nhận tại các huyện trong tỉnh, tình hình nuôi trồng thủy sản hiện vẫn chưa có sự xáo trộn đáng kể, các vùng nuôi liên kết vẫn đang thả nuôi theo kế hoạch, các vùng nuôi tiêu thụ nội địa tuy giá thấp, nhưng vẫn có đầu ra. Các sản phẩm cá khác tiêu thụ nội địa hiện vẫn đang ổn định chưa có nhiều biến động và tác động tiêu cực.

Các loại gạo có kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhưng hiện vẫn chưa ảnh hưởng nhiều, do thời điểm hiện nay, nông dân chưa thu hoạch nhiều, sản phẩm có thể tồn trữ lâu. Tuy nhiên, theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh An Giang, tổng sản lượng lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 dự kiến là 1.680 ngàn tấn; trong đó sản lượng lúa đã tiêu thụ đến ngày 20/2 được gần 234.000 tấn lúa, sản lượng lúa còn đến cuối vụ là 1,2 triệu tấn. Sản lượng lúa cao điểm của tỉnh sẽ tập trung trong tháng 3 khoảng 511.000 tấn, tháng 4 là khoảng 450.000 tấn, còn lại trong tháng 5 là 189.000 tấn.

Ông Nguyễn Sỹ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: Qua rà soát của ngành nông nghiệp tỉnh, tổng khả năng thu mua lúa vụ Đông Xuân của doanh nghiệp đã đăng ký là gần 352.000 tấn, còn lại khoảng 799.000 tấn chưa có thông tin chính thức về đơn vị thu mua. Riêng tổng sản lượng lúa, nếp của An Giang thu hoạch đến hết mùa vụ Đông Xuân 2019-2020 khoảng 325.000 tấn; trong đó sản lượng đã có thương lái đặt cọc thu mua tiêu thụ đến cuối tháng 2 khoảng gần 106.000 tấn; sản lượng lúa nếp còn lại tập trung cao điểm trong tháng 3 khoảng 90.000 tấn và sản lượng thu hoạch đến từ đầu tháng 4 đến cuối vụ tháng 5 khoảng 130.000 tấn. 

"Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh, hiện các doanh nghiệp đã đăng ký thu mua lúa, nếp với trên 32.600 tấn, còn lại 186.683 tấn chưa có thông tin chính thức về đơn vị thu mua. Dự kiến, tổng sản lượng xoài của An Giang thu hoạch đến hết tháng 5 còn lại khoảng hơn 10.200 tấn chưa có đơn vị đăng ký thu mua chính thức; trong đó huyện Chợ Mới sản lượng nhiều nhất với gần 7.200 tấn”, ông Nguyễn Sỹ Lâm thông tin.

Theo ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị có liên quan làm việc với một số doanh nghiệp thu mua nông sản để thúc đẩy, tăng cường liên kết thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nếu có. Tỉnh tăng cường xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản vào các tỉnh, thành phố lớn, hệ thống siêu thị lớn như: Vinmart, Bách hóa xanh…, các chuỗi cung ứng; tăng cường kiểm tra giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi ép giá, gian lận thương mại.

UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp vẫn tiếp tục thu mua nông sản để thực hiện cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký trước; tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, theo dõi chặt chẽ tình hình xuất nhập khẩu của Trung Quốc để có giải pháp kịp thời. Các cơ sở nuôi, trồng và nông dân cần thực hiện tốt việc liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để đảm bảo đầu ra ổn định, ông Thư nhấn mạnh.

Dự kiến tình hình xuất khẩu và tiêu thụ nông sản do dịch COVID-19 gây ra trong thời gian tới còn khó khăn, UBND tỉnh An Giang cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công Thương xem xét kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, nhằm tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay./.