20/04/2024 lúc 20:25 (GMT+7)
Breaking News

An Giang: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong đại dịch

VNHN - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua tỉnh An Giang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp góp phần hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra ...

VNHN - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua tỉnh An Giang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp góp phần hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra ...

Theo UBND tỉnh An Giang, dù bị ảnh hưởng của dịch nhưng 3 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của An Giang tăng 4,75%, thấp hơn cùng kỳ năm 2019.

Do nhiều ngành chịu tác động trực tiếp từ dịch COVID-19, nên cả hai khu vực II và III tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; riêng khu vực I tăng 3,82%, cao hơn quý I năm 2019 (tăng 3,01%). Sự tăng trưởng tốt của ngành nông nghiệp là do địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm... liên kết, tiêu thụ nông sản của bà con nông dân.

Trong 3 tháng đầu năm 2020, một số lĩnh vực của An Giang có tiến triển tốt như: xuất khẩu hàng hóa đạt trên 217 triệu USD (tăng 2,60%); tổng thu ngân sách từ kinh tế địa đạt 2.478 tỷ đồng (đạt 36,67% dự toán). Số doanh nghiệp đăng ký mới là 194 doanh nghiệp (tăng 12 doanh nghiệp) và 134 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 1.206 tỷ đồng; đã thu hút 12 dự án đầu tư với tổng vốn 5.440 tỷ đồng (tăng 6,29 lần, tương đương 4.694 tỷ đồng).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, ngành du lịch An Giang ảnh hưởng rất lớn, lượng khách du lịch đến An Giang trong 3 tháng đầu năm giảm 6,25%; khách lưu trú giảm 19%; doanh thu ngành giảm 8,1% chỉ đạt 1.700 tỷ đồng. Từ đó, kéo theo lĩnh vực dịch vụ, thương mại… gặp khó khăn.

Theo UBND tỉnh An Giang, hiện trên địa bàn tỉnh An Giang đã có 14 doanh nghiệp lĩnh vực chế biến nông, thủy sản, may mặc, da giày, du lịch… gặp khó khăn đã tạm dừng hoạt động tạm thời, giảm giờ làm, cho người lao động tạm nghỉ việc hưởng lương với gần 16.000 lao động. Hiện tại, An Giang có gần 2.500 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và tỉnh đã giải quyết được gần 1.300 người với số tiền 19,6 tỷ đồng; trên 2.115 lượt người đăng ký hỗ trợ học nghề, tư vấn và đăng ký tìm việc.

Trước tình hình khó khăn trên, UBND tỉnh cùng các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh An Giang đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động như: Liên đoàn lao động tỉnh và đoàn thể các cấp hỗ gia đình, đoàn viên hoàn cảnh khó khăn nhu yếu phẩm với kinh phí gần 300 triệu đồng.

Các hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn An Giang cũng nhanh chóng hỗ trợ 95 doanh nghiệp, gần 1.200 hộ kinh doanh giảm lãi vay 397 tỷ đồng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ 197 tỷ đồng cho 778 khách hàng; phát vay mới phục hồi sản xuất gần 2.800 tỷ đồng cho gần 1.300 khách hàng.

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, UBND tỉnh An Giang đã đề nghị Công ty Điện lực An Giang xem xét có biện pháp hỗ trợ cho tạm hoãn tiền điện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Ngọc Vệ - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang cho biết, đã đề xuất Cục Thuế tỉnh An Giang miễn giảm các chi phí cố định cho các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch như: giảm phí sử dụng đường bộ từ 15%-20%/xe/năm cho xe khách từ 16 chỗ trở lên, xe tải và xe taxi; giảm phí dịch vụ xe ra vào bến từ 15%-20%/xe/lượt cho tất cả các phương tiện vận tải ra vào bến xe, sau khi rà soát danh mục các khoản phí, lệ phí thuộc lĩnh vực giao thông - vận tải đang thực hiện trên địa bàn An Giang.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện Cục Thuế tỉnh An Giang đã thực hiện miễn, giảm thuế gần 2.700 hồ sơ với số thuế là 2,63 tỷ đồng cho hộ, cá nhân kinh doanh.Ngành công thương tỉnh An Giang cũng nhanh chóng tổ chức cho 22 doanh nghiệp mở 76 điểm bán hàng bình ổn với tổng số tiền dự trữ hàng hóa gần 5.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới UBND tỉnh An Giang sẽ quyết tâm, triển khai nhiều giải pháp điều hành kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt kết quả cao nhất.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trong buổi Lễ phát động toàn dân phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận định, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II năm 2020, GRDP của An Giang sụt giảm 0,41% so kịch bản tăng trưởng đã đề ra từ đầu năm là 8%. Nếu thời gian khống chế dịch bệnh sau quý II, An Giang nghiên cứu và xây dựng giải pháp điều hành kịch bản tăng trưởng GRDP ở mức 7%.

"Để thực hiện hiệu quả việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời giữ vững trật tự an toàn xã hội và quốc phòng – an ninh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai kịp thời, đầy đủ những chính sách của Chính phủ hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh do ảnh hưởng dịch COVID-19; thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội… ", ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Để ổn định sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các ngành, các cấp đẩy nhanh tiến độ nạo vét kênh mương, sữa chữa cống, đê bao... để đảm bảo đủ nước tưới vụ Hè Thu 2020; theo dõi sát thị trường và tiêu thụ nông sản để tổ chức sản xuất, cơ cấu cây trồng – vật nuôi cho phù hợp; tăng cường liên kết thu mua nông sản đảm bảo thu nhập nông dân; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực chế biến thủy sản, may mặc… giúp gia tăng sản xuất công nghiệp, tạo việc làm.

UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các sở, ngành trên địa bàn tỉnh tập trung quản lý và kiểm soát tốt thị trường hàng hóa, đảm bảo cung ứng kịp thời, tránh đầu cơ, găm hàng, tăng giá, đặc biệt các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng chương trình quảng bá du lịch và tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm thu hút khách du lịch, khôi phục ngành dịch vụ.

Để giữ ổn định tình hình hoạt động các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quản lý tốt công nhân và doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp trong điều kiện phòng chống dịch; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cho người lao động an tâm làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp ...

Trước đó, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị liên quan đã thống nhất giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi có diễn biến bất lợi về thị trường xuất khẩu nông sản; trong đó ưu tiên xử lý đối với các sản phẩm có thời gian bảo quản ngắn ngày đã và đang trong giai đoạn thu hoạch chính vụ như: xoài, chuối …

Để chủ động tháo gỡ đầu ra cho nông sản trên địa bàn tỉnh trước ảnh hưởng bất lợi của dịch COVID-19, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, công thương theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Tình hình nuôi trồng thủy sản tại An Giang hiện vẫn tương đối ổn định trước Đại dịch COVID-19.

Tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin từ bộ, ngành Trung ương về tình hình, phương án ứng phó kịp thời, đảm bảo sản xuất và cung ứng nông sản hiệu quả, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc xuất nhập khẩu, đặc biệt là tình hình xuất nhập khẩu, giao thương biên giới với Trung Quốc để kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp.

UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp vẫn tiếp tục thu mua nông sản để thực hiện cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký trước; tích cực tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, theo dõi chặt chẽ tình hình xuất nhập khẩu của Trung Quốc để có giải pháp kịp thời. Các cơ sở nuôi, trồng và nông dân cần thực hiện tốt việc liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để đảm bảo đầu ra ổn định./.