20/04/2024 lúc 21:33 (GMT+7)
Breaking News

An Giang: Đổi mới giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh

VNHN - Tỉnh An Giang luôn triển khai và thực hiện nghiêm túc các chính sách đổi mới, các biện pháp nhằm nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển.

VNHN - Hiện nay, giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng đối với vận mệnh của mọi quốc gia, dân tộc ở mọi thời đại. Trong xu thế phát triển tri thức, tỉnh An Giang luôn triển khai và thực hiện nghiêm túc các chính sách đổi mới, các biện pháp nhằm nâng cao dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo.

An Giang là tỉnh có dân số đông trong các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long với số dân 1,9 triệu người. Do đó việc thực hiện công tác quản lý và đổi mới giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh là nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể, tỉnh An Giang triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo trong các trường trung học phổ thông. Dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời khắc phục những vấn đề còn hạn chế.

Sở GD-ĐT ban hành các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ được ban hành rất sớm, tạo các khung pháp lý cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục trong các trường phổ thông. Bộ phận chuyên môn của Sở thường xuyên tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục.

Sở GD-ĐT tại An Giang cũng đã chỉ đạo các trường trung học phổ thông trên địa bàn cùng chung sức xây dựng và đổi mới kế hoạch giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Triển khai chương trình giáo dục lý thuyết đi đôi với thực tiễn đời sống nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục phân hóa theo năng lực và định hướng nghề nghiệp cho những mầm non tương lai. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng vào các chính sách quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và hạn chế những tiêu cực trong công tác dạy và học.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Đặc biệt chú trọng vào phương pháp đổi mới tích cực, hướng học sinh vào các hoạt động thực tiễn, hướng dẫn thực hành, làm quen với các hoạt động nghiên cứu khoa học. Giúp học sinh có thể vận dụng những kiến thức lý thuyết trên sách vở vào thực tiễn đời sống phân hóa theo năng lực phù hợp theo từng học sinh.

Để đạt được hiệu quả trong công tác quản lý đã đề ra, Sở GD-ĐT cũng như các phòng GD-ĐT tăng cường thường xuyên cử cán bộ theo dõi, kiểm tra đánh giá cũng như tư vấn và hỗ trợ các trường học trong quá trình triển khai thực hiện công tác quản lý. Phát hiện những khó khăn, điều chỉnh những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên thực hiện tốt công tác đồng thời tập trung đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo về chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp. 

Cùng với đó là việc đổi mới nội dung và đánh giá công tác giảng dạy của giáo viên thông qua việc dự giờ dạy trên lớp tạo điều kiện cho “những người lái đò” tích cực hơn trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh.

Chú trọng giáo dục đạo đức lối sống và rèn luyện kĩ năng sống, tăng cường hiểu biết xã hội và thực hành pháp luật, tăng cường các hoạt động thực tiễn nhằm giúp các học sinh vận dụng được những lý thuyết đã học trên ghế nhà trường nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Sở giáo dục và đào tạo tỉnh An Giang luôn tích cực đa dạng hóa học tập, đổi mới phương thức dạy học để phù hợp với nền giáo dục hiện nay. Bên cạnh đó, luôn triển khai các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, gắn dạy học với thực tiễn đời sống, sản xuất và tăng cường nghiên cứu khoa học đối với học sinh phổ thông, chú trọng giáo dục đạo đức cũng như kỹ năng sống đã tạo được hứng thú và thu hút ngày càng nhiều các học sinh tham gia, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong hoạt động dạy và học. 

Thực hiện đúng đắn các chính sách đổi mới trong giáo dục tại tỉnh An Giang đã góp phần phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, hình thành kiến thức, kỹ năng, phát huy năng lực sáng tạo, hình thành nên phẩm chất và thái độ sống đối với mỗi học sinh.