25/04/2024 lúc 15:34 (GMT+7)
Breaking News

Ấm lòng người nghe câu hát đêm đông tại Bắc Ninh

VNHN - Với chủ đề “Lời thương ta ngỏ cùng nhau”, đêm diễn xướng Quan họ trên thuyền tại khu vực hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh) vào 20h thứ Bảy (14-12) lại đưa công chúng đến với không gian âm nhạc đậm tình đất, tình người Quan họ qua những làn điệu dân ca thiết tha sâu lắng, chan chứa nghĩa tình.

VNHN - Với chủ đề “Lời thương ta ngỏ cùng nhau”, đêm diễn xướng Quan họ trên thuyền tại khu vực hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh) vào 20h thứ Bảy (14-12) lại đưa công chúng đến với không gian âm nhạc đậm tình đất, tình người Quan họ qua những làn điệu dân ca thiết tha sâu lắng, chan chứa nghĩa tình.

Chương trình là món quà tinh thần của người Quan họ dành tặng tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, thiết thực chào mừng kỉ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12). Chắc hẳn người yêu nhạc đều biết đến những câu hát đã đi cùng năm tháng: “Chiều biên giới anh thầm nhớ về/Nơi em đó bộn bề/Bao nỗi nhớ tha thiết/Hỡi anh có biết những lời em thương/Bao ngày qua, tuy rằng xa em để trong lòng...”.

Đó là một phần lời trong bài hát “Lời thương ta ngỏ cùng nhau” do cố nhạc sĩ tài hoa Đức Miêng đặt lời mới theo làn điệu “Mười nhớ” của Dân ca Quan họ cổ. Những câu hát ngọt ngào, tha thiết ấy không chỉ góp phần xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà còn tiếp thêm sức mạnh tinh thần to lớn cho quân và dân cả nước, gieo vào lòng người một niềm tin tất thắng, giục giã lớp lớp thanh niên tòng quân ra trận bảo vệ Tổ quốc.

Anh hùng LLVT Lê Xuân Dị quê Phù Chẩn, Từ Sơn tâm sự: “Tôi không có may mắn được gặp và nghe các nữ văn công miền Kinh Bắc hát ở trong chiến trường. Nhưng sau những lúc chiến đấu gian khổ, ác liệt, mỗi khi về nghỉ ngơi mà được nghe những bài hát Quan họ là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn đối với những người lính, tiếp thêm nghị lực tinh thần cho chúng tôi quyết tâm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Nghe những câu hát sâu lắng mà những người lính chúng tôi thêm yêu quê hương, đất nước và thêm tự hào dân tộc”.

Năm 1969, Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh thành lập thì mùa xuân năm 1970, Đoàn đã cử hai diễn viên tham gia đội Nghệ thuật xung kích đi biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sơn. Những năm sau đó, Đoàn tổ chức nhiều đợt biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trong tỉnh nơi bị bom B52 Mỹ tàn phá; tham gia biểu diễn phục vụ ngày hội giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Bắc Giang và các dịp kỉ niệm tại Hà Nội. Đến năm 1979, Đoàn lại tiếp tục tổ chức các đợt biểu diễn phục vụ chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc.

Một trong số hai diễn viên đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ được chọn vào Đoàn văn công xung kích tỉnh Hà Bắc đi chiến trường Tây Nguyên năm 1970 chính là diễn viên Lệ Ngải. Người con gái Kinh Bắc hát Quan họ trên đỉnh Trường Sơn năm xưa, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú và cũng sắp bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”. Bà không chỉ tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội chiến đấu ở chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1970-1971 mà còn phục vụ cả ở chiến dịch Biên giới phía Bắc năm 1979.

Tối thứ Bảy 14-12, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh) sẽ diễn ra chương trình biểu diễn Quan họ trên thuyền với chủ đề “Lời thương ta ngỏ cùng nhau”.

Giữa trận mạc, ranh giới của sự sống và cái chết rất mong manh nhưng người ra trận luôn cảm thấy vững lòng mỗi khi nghe thấy những làn điệu dân ca Quan họ ngân nga, ngọt mượt. Nhiều lần gặp trò chuyện với NSƯT Lệ Ngải về Quan họ, chúng tôi thường thấy bà như được trẻ hơn, ánh mắt lấp lánh, rưng rưng mỗi khi kể lại hồi ức về một thời hoa lửa mang tiếng hát át tiếng bom. Bà xúc động kể: “Trên đường vào Nam, đoàn văn công Hà Bắc hễ gặp bộ đội ở đâu là ca hát, biểu diễn văn nghệ phục vụ ở đó.

Có hôm hát cả ngày cả đêm phục vụ bộ đội và thương bệnh binh. Hát để động viên, ru các anh vào giấc ngủ để quên đi đau đớn. Có buổi sáng vừa hát câu Quan họ tiễn nhau xung trận nhưng đến chiều chỉ nhận về ba lô...”. Bà Ngải hồi tưởng: Vào đúng dịp Tết năm 1971, Đoàn văn công dừng chân ăn Tết ở một binh trạm bộ đội lái xe trên đất Xavanakhet của Lào. Bà ngồi ở bậu cửa, không loa máy, không tăng âm, cứ thế cất vang câu Quan họ. Các anh bộ đội ngồi im lặng nghe hát, nghe đến bài “Gọi đò”, “Se chỉ luồn kim” thì thấy anh nào cũng khóc.

Cũng sau lần đó, nhà thơ, chiến sĩ Phạm Tiến Duật hứa tặng cô gái Quan họ một bài thơ nhưng mãi sau này nghệ sĩ Lệ Ngải mới nhận được khi bài thơ “Người ơi, người ở...” viết về mình của Phạm Tiến Duật được đăng trên báo Quân đội nhân dân... Cũng nhờ tiếng hát Quan họ mà cô gái Kinh Bắc-Lệ Ngải đã gặp lại người yêu chính là chồng của bà bây giờ. Năm ấy, khi thoảng nghe tiếng hát Quan họ âm vang giữa trùng điệp núi rừng Trường Sơn, một anh thương binh quấn băng trắng đầu bỗng giật mình sung sướng bật dậy vừa chạy theo tiếng hát vừa gọi “Ngải ơi, Ngải ơi...”.

Cái âm giọng đặc trưng, không thể trộn lẫn của trai làng Ngang Nội (xã Hiên Vân, huyện Tiên Du) vọng lên đã giúp cô gái Quan họ nhận ra người yêu và họ gặp được nhau giữa rừng Trường Sơn trong niềm hạnh phúc khôn tả. Cuộc gặp gỡ chóng vánh để sau đó lại chia xa, chàng trai Kinh Bắc trở ra Bắc chữa trị vết thương, còn cô gái Quan họ tiếp tục hành quân trở vào mang tiếng hát phục vụ bộ đội, chiến sĩ... Có nhà văn đã viết: “Giữa chiến trường đạn bom ác liệt, câu Quan họ ngân vang như dòng mật ngọt thấm sâu vào tận đáy lòng mỗi người chiến sĩ. Cỏ cây, hoa lá cũng đồng điệu, im phắc như lặng yên nghe em gái Kinh Bắc hát dân ca giữa rừng Trường Sơn...”. 

Với tinh thần mang “tiếng hát át tiếng bom”, những làn điệu dân ca Quan họ đã theo chân các Đoàn văn công vào khắp chiến trường, từng ngân vang cả núi rừng Trường Sơn. Nhờ những tiếng gọi “Người ơi, người ở” mà tình đồng chí đồng đội được nhân lên. Nhờ những “Se chỉ luồn kim”, “Gọi đò”, “Bèo dạt mây trôi”... mà người chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà, làm cho tinh thần chiến đấu thêm sức mạnh, vững gan bền chí.

Cũng nhờ tiếng hát Quan họ dịu dàng, sâu lắng của những nữ văn công, nữ bác sĩ, y tá đã trở thành liều thuốc tinh thần làm dịu đi bao cơn đau xé ruột của thương binh. Trong tháng năm bom đạn mịt mùng ấy, còn có cả những khúc Dân ca Quan họ được cất lên trong nước mắt, trong nỗi đau quặn thắt khi đưa tiễn các anh về lòng đất mẹ... “Câu Quan họ chiều nay em hát/Tiếng ngân vang như giọt mưa rơi/Tiếng chim hót ngọt ngào lảnh lót/... Câu Quan họ chiều nay em hát/Khúc giao duyên khi khoan khi nhặt/Thêm ấm lòng người nghe câu hát.