29/03/2024 lúc 03:08 (GMT+7)
Breaking News

35 năm đổi mới: Thực hiện tốt các chính sách xã hội

Sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, nhiều chính sách về lao động, việc làm, bảo vệ quyền của người lao động, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã được ban hành và triển khai thực hiện.

Sau khi thống nhất đất nước, đặc biệt kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, nhiều chính sách về lao động, việc làm, bảo vệ quyền của người lao động, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã được ban hành và triển khai thực hiện. Đến nay, hệ thống chính sách xã hội đã ngày càng hoàn thiện, góp phần đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, chỉ số phát triển con người không ngừng tăng lên.

Ảnh minh họa

* Hệ thống chính sách xã hội ngày càng hoàn thiện

Từ năm 1986 đến nay, thực hiện công cuộc đổi mới, lĩnh vực xã hội có những thành tựu quan trọng. Nhà nước đã ban hành Bộ luật Lao động và hàng loạt các chính sách về giải quyết việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động, phát triển nguồn nhân lực, phát huy nội lực sức lao động, phát triển thị trường lao động theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tiền lương, đổi mới chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động... góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới.

Đặc biệt 5 năm gần đây (2016-2020), việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, hệ thống chính sách xã hội đã nhanh chóng được bổ sung, sửa đổi theo hướng bảo đảm các quyền cơ bản của con người phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và với các tiêu chuẩn tiến bộ về quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận; ban hành và triển khai một số chính sách trong lĩnh vực lao động, ưu đãi người có công, an sinh xã hội, chính sách đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số; hệ thống văn bản pháp luật, chính sách đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới; các chính sách về tiền lương...     

* Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân

Sau ngày đất nước thống nhất, công tác lao động, xã hội được mở rộng, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề lao động ở miền Nam. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết, sắp xếp việc làm cho người lao động thất nghiệp; ổn định đời sống cho cán bộ tập kết từ miền Bắc trở về; sắp xếp việc làm cho bộ đội, thanh niên xung phong xuất ngũ; thực hiện chủ trương phân bổ lại lực lượng lao động và dân cư, hàng triệu đồng bào Đồng bằng sông Hồng đã hăng hái đi khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ những năm 80 thế kỷ XX, chủ trương đưa người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được triển khai mạnh mẽ; đã giải quyết được việc làm cho một bộ phận thanh niên, đồng thời đào tạo một đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước sau này. Đến nay, đã có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở trên 40 nước và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề.

Trong những năm gần đây, nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động được thực hiện. Nhờ đó, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở thành thị có xu hướng giảm dần từ mức 4,5% năm 2010 xuống còn 3% năm 2020. Từ 2006-2011, đã giải quyết được việc làm cho trên 8 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn dưới 4,5%.

Công tác dạy nghề cũng đạt được những kết quả quan trọng, số người được đào tạo nghề liên tục tăng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện đáng kể từ 40% năm 2010 lên 65% năm 2020.

* Thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội
Từ năm 1986 đến nay, các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động được thực hiện tốt. Diện bao phủ bảo hiểm xã hội ngày càng được mở rộng. Tính đến hết năm 2020, số người tham gia bảo hiểm xã hội là trên 16,1 triệu người, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng trên 6 lần so với thời điểm năm 1995.

Công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ; phát triển nhà ở xã hội được đẩy mạnh. Bình đẳng giới được thực hiện có hiệu quả; công tác bảo vệ trẻ em được quan tâm.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công đã huy động được toàn xã hội tham gia. Đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó, số người đang hướng chế độ ưu đãi hằng tháng gần 1,4 triệu người; trên 500 nghìn thân nhân người có công đang hướng trợ cấp hằng tháng.

* Xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng

Xóa đói, giảm nghèo là một điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. Trong 3 thập kỷ qua, hàng loạt các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế. Qua đó, đã cải thiện đáng kể diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền trong cả nước. Tỷ lệ hộ đói, nghèo đã giảm liên tục từ 30% năm 1992 xuống còn 8,3% năm 2004. Đến năm 2000, cơ bản xóa xong tình trạng đói kinh niên.

Năm 2006, Việt Nam hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói, về đích trước 10 năm so với thời hạn (năm 2015).

Giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Việt Nam đã trở thành một trong số những nước đi đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều để giảm nghèo ở tất cả các chiều cạnh.

* Chỉ số phát triển con người không ngừng tăng lên

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới.

Theo bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) ở Việt Nam, Việt Nam có tỷ lệ tăng HDI nhanh nhất trên thế giới với tăng trưởng trung bình HDI ở mức 1,36% trong suốt giai đoạn 1990-2018. Trong giai đoạn này, tuổi thọ bình quân khi sinh của Việt Nam đã tăng lên 4,8 năm; số năm đi học bình quân tăng 4,3 năm. Tổng thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 354%... đưa Việt Nam dịch chuyển từ quốc gia có HDI thấp vào năm 1990 lên suýt soát trở thành quốc gia có HDI cao vào năm 2018.

Với chỉ số HDI hiện là 0,63, Việt Nam hiện xếp thứ 118/189 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số này và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao. Điều đáng chú ý là Việt Nam đạt được tiến triển về HDI nhưng không phải đánh đổi nhiều về bất bình đẳng. Báo cáo của UNDP cũng nhấn mạnh Việt Nam có kết quả tốt về khía cạnh bình đẳng giới. Chỉ số phát triển giới ở mức 1,003 đã đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu trong số 5 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới, xếp thứ 68/162 nước về chỉ số phát triển giới. Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam lên tới 26,7% đã giúp Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ này./.