16/04/2024 lúc 13:23 (GMT+7)
Breaking News

1/2 dân số thế giới phải ở nhà dập dịch

VNHN - Trước sự bùng phát dữ dội của dịch Covid-19, hơn 3,9 tỷ người, tương đương 1/2 dân số thế giới được yêu cầu ở nhà hoặc phải tuân thủ lệnh cách ly bắt buộc của các chính phủ nhằm ngăn chặn mầm bệnh chết người lây lan.

VNHN - Trước sự bùng phát dữ dội của dịch Covid-19, hơn 3,9 tỷ người, tương đương 1/2 dân số thế giới được yêu cầu ở nhà hoặc phải tuân thủ lệnh cách ly bắt buộc của các chính phủ nhằm ngăn chặn mầm bệnh chết người lây lan.

Trang Worldometers.info thống kê, tính đến chiều 3/4 (theo giờ Việt Nam), virus corona chủng mới đã xuất hiện ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ khắp toàn cầu, lây nhiễm cho ít nhất 1.018.082 người và cướp đi sinh mạng của 53.251 trường hợp trong số đó. Song, thế giới cũng chứng kiến hơn 213.000 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi.

Tại Trung Quốc, bất chấp cuộc chiến chống dịch Covid-19 có nhiều tiến triển tích cực, chính quyền thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh miền trung Hồ Bắc, nơi khởi phát và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì sự bùng phát của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại đại lục, khuyến cáo các cư dân chỉ nên ra ngoài khi thực sự cần thiết. Dù Hồ Bắc đã bắt đầu dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại trong và ngoài tỉnh từ ngày 25/3 sau hơn 2 tháng phong tỏa dập dịch, nhưng thành phố Vũ Hán sẽ thực hiện quyết định này chậm hơn, vào ngày 8/4 để đảm bảo dịch sẽ không bùng phát triển lại.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ xếp thứ 5 trên thế giới về tổng số ca nhiễm (81.620 người) và số ca tử vong vì Covid-19 (3.322 người) do tâm chấn của đại dịch đã thay đổi, chuyển hướng sang Mỹ và châu Âu. Tại một cuộc họp báo ngày 3/4, giáo sư Brendan Murphy, Cố vấn y tế trưởng của Australia cảnh báo, số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới thực tế có thể cao gấp 5 - 10 lần mốc hơn 1 triệu người được xác nhận mắc bệnh hiện nay. Theo chuyên gia này, căn cứ vào tỉ lệ tử vong và tỉ lệ xét nghiệm, nhiều nước dường như đang không phát hiện hết các ca dương tính với virus corona chủng mới, trong khi một số quốc gia khác không đủ khả năng xét nghiệm diện rộng.

Theo hãng tin Euro News, tổng cộng đã có hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ ban bố sắc lệnh giới nghiêm, phong tỏa hoặc các biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc hay mang tính khuyến cáo để dập dịch. Lệnh giới nghiêm toàn quốc của Thái Lan, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/4 đánh dấu việc một nửa trong tổng số hơn 7,8 tỷ người dân thế giới phải ở nhà để ngăn ngừa sự lây lan của virus corona chủng mới. Mỹ hiện vẫn là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới, lên tới 245.373 người với 6.095 trường hợp đã tử vong.

Binh sĩ đứng gác bên ngoài nhà thờ ở Milan sau khi chính phủ Italia quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc chống dịch Covid-19 đến sau lễ Phục sinh vào ngày 12/4. Ảnh: Reuters

Tính đến hết ngày 2/4, hơn 40/50 bang và vùng lãnh thổ Mỹ đã cho cho triển khai các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau nhằm kiểm soát dịch. Ít nhất 10 bang của nước này cũng ra lệnh đóng cửa các trường học cho tới cuối năm học 2020 để làm giảm nguy cơ lây lan virus. Trước tốc độ gia tăng đáng báo động về số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19, Tiến sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, một chuyên gia y tế hàng đầu trong nhóm đặc trách phòng chống dịch của Nhà Trắng đã kêu gọi thống đốc tất cả các bang của Mỹ sớm ban hành sắc lệnh yêu cầu mọi người dân ở nhà.

Tại một cuộc họp báo ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump cho biết, nhà chức trách y tế nước này sắp công bố các hướng dẫn mới về việc đeo khẩu trang y tế nhằm ngăn ngừa lây truyền virus. Song, lãnh đạo Nhà Trắng nói, những hướng dẫn này nhiều khả năng mang tính bắt buộc. Trong khi đó, châu Âu tiếp tục là tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu với Italia là ổ dịch lớn nhất khu vực. Quốc gia hình chiếc ủng hiện ghi nhận số ca tử vong vì virus corona chủng mới cao nhất thế giới, lên tới 14.000 người trong tổng số 115.242 ca nhiễm.

Tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại Italia khi hệ thống y tế quốc gia đang quá tải trước sự gia tăng đột biến số bệnh nhân cần phải chữa trị cùng lúc. Vấn đề càng thêm trầm trọng khi đội ngũ nhân viên y tế cũng bị virus hạ gục, với gần 10.000 y, bác sĩ, điều dưỡng bị nhiễm bệnh và hơn 60 người trong số họ đã tử vong. Đức cũng vừa trải qua một ngày đen tối khi số ca dương tính với virus corona chủng mới vọt lên gần 85.000 người, cao hơn tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc.

Tổng số ca tử vong vì dịch tại quốc gia châu Âu này đến chiều 3/4 cũng vượt mốc 1.100 người. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tiết lộ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận về việc có nên kéo dài các quyết định đóng của biên giới của khối tới sau lễ Phục sinh (12/4) hay không. Bà von der Leyen cũng nêu ý tưởng về một gói tài chính mới có tên SURE nhằm giúp các nước thành viên EU tăng cường sức mạnh của hệ thống y tế cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế của họ.

Tại Nga, để đối phó với dịch Covid-19 hoành hành, Tổng thống Vladimir Putin ngày 2/4 đã ký sắc lệnh yêu cầu chính quyền các vùng triển khai các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại và giãn cách cộng đồng phù hợp với tình hình từng địa phương. Tính đến chiều 3/4 đã có ít nhất 4.149 người ở Nga mắc Covid-19 với 34 trường hợp tử vong. Lãnh đạo Điện Kremlin cũng thông báo kéo dài "thời gian không làm việc mà vẫn được hưởng lương" trên toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch lây lan tới cuối tháng 4, sau một tuần triển khai biện pháp này (từ ngày 28/3 - 5/4).

Tuy nhiên, quy định không được áp dụng đối với các lao động làm việc trong những ngành nghề thiết yếu hoặc những lao động có thể làm việc tại nhà. Cùng ngày, tại Peru, Tổng thống Martin Vizcarra tuyên bố sẽ thực thi biện pháp phân chia lịch đi lại theo giới tính với những người không làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, nhằm hạn chế dân ra đường không cần thiết trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đã có 1.414 người dương tính với virus corona chủng mới và 55 người trong số đó đã tử vong.

Theo quy định mới, phụ nữ sẽ chỉ được ra rời nhà vào các thứ lẻ Ba - Năm - Bảy, trong khi nam giới chỉ được ra đường vào các thứ Hai - Tư - Sáu. Tất cả phải ở nhà vào ngày Chủ nhật khi cả nước đồn sức dập dịch. Quy định sẽ có hiệu lực đến ngày 12/4, trùng thời điểm kết thúc lệnh phong tỏa phòng chống Covid-19 đã được triển khai từ ngày 16/3.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã có bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, ca ngợi cả 1,3 tỷ dân nước này đã đồng lòng tuân thủ các biện pháp cách ly nghiêm ngặt do chính phủ ban hành nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của mầm bệnh nguy hiểm. Lệnh phong tỏa toàn quốc của Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực từ đêm 25/3 và sẽ kéo dài trong 21 ngày. Biện pháp dường như đang phát huy tác dụng khi trong vòng 24 giờ qua, quốc gia đông dân thứ hai thế giới chỉ có thêm 24 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.567 người và giữ nguyên số trường hợp tử vong là 72 người do không có thêm ca thiệt mạng nào trong ngày 2/4.