18/04/2024 lúc 10:34 (GMT+7)
Breaking News

Thực hư về những điều kiêng kị trong 'tháng cô hồn'

VNHNO - Theo tín ngưỡng dân gian, hàng năm vào tháng 7 Âm lịch được coi là tháng của ma quỷ, hay được gọi một cách khác là ‘tháng xa tội vong nhân’. Vào thời gian này, người Việt coi là tháng xấu, kiêng kị làm những việc lớn. Phong tục này có từ lâu đời, xuất phát từ quan niệm xa xưa.

VNHNO - Theo tín ngưỡng dân gian, hàng năm vào tháng 7 Âm lịch được coi là tháng của ma quỷ, hay được gọi một cách khác là ‘tháng xa tội vong nhân’. Vào thời gian này, người Việt coi là tháng xấu, kiêng kị làm những việc lớn. Phong tục này có từ lâu đời, xuất phát từ quan niệm xa xưa.

(Ảnh: internet)

Nguồn gốc của tháng cô hồn rằm tháng 7

Từ xưa theo Đạo giáo, phong tục cúng cô hồn bắt đầu từ Trung Hoa. Câu truyện dân gian tương truyền khi từ xa xưa Diêm Vương đã cho mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 hàng năm để quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về. Người trần gian muốn được bình yên phải cúng cháo, gạo, muối cho quỷ đói để chúng không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Có những nơi, người ta gọi quỷ đói là 'anh em tốt', 'thần cửa sau' để lấy lòng những linh hồn quỷ đói này và lợi dung chúng làm việc cho mình. Chính vì vậy hàng năm, người dân Trung Quốc đều có tập tục cúng cô hồn vào ngày 14/7 Âm lịch.

Hoặc theo một quan niệm khác lưu truyền trong dân gian, sách “Thiên nguyên ngũ ca” của Đại Hồng để lại đã từng viết, Vương đế cổ đại khi qua đời đã được để lại đến tháng bảy mới cho an táng, vì đây là tháng thân “thượng đắc thiên thời, hạ đắc địa lợi”, là ngày ‘thuận thiên” để an ủi phần nào sự mất mát của quốc gia. Điều này cho thấy tháng bảy là may mắn, không hề có ý nghĩa đen đủi. Đến thời nhà Minh, triều đình không muốn dân chúng được hưởng may mắn cùng hoàng tộc trong tháng bảy nên quân sư Lưu Bá Ôn đã hiến kế cho hoàng đế Chu Nguyên Chương cho người loan tin trong dân rằng “tháng bảy là tháng ma quỷ, trời sẽ gieo thảm họa xuống trần gian” để lừa dân.

Tập tục cúng “tháng cô hồn” du nhập Việt Nam từ khá lâu, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh được coi là truyền thống của người Việt, truyền từ đời này sang đời khác. Người Việt cho rằng, con người bao gồm hai phần là hồn và xác. Khi con người mất đi nhưng phần hồn vẫn tồn tại, người có tâm địa tốt lành được đầu thai kiếp khác, xấu xa bị đày xuống làm ma quỷ quấy nhiễu dân gian.

Ngoài ra, người dân tâm niệm tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng 7, hành sự phải để qua tháng.

Thực hư những điều kiêng kị trong tháng 7 âm lịch

Trong tháng “cô hồn” mọi người thường truyền tai nhau những điều cấm kỵ như: Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi con người ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập quấy phá. Người yếu bóng vía không nên đi chơi đêm trong những ngày tháng cô hồn, nếu không sẽ dễ gặp điều không may. Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến. Không nên thức quá khuya, vì như vậy tinh thần sẽ hao tổn suy nhược, dễ nhiễm “quỷ khí”... Cũng không ít người quan niệm rằng tháng này đen đủi, không nên làm việc lớn… Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa các quan niệm này đều không có cơ sở khoa học.

Thực tế, những điều kiêng kị trên bắt nguồn từ thói quen có từ thời xa xưa. Nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới, tháng 7 là tháng mưa nhiều, thời tiết mưa nắng thất thường. Khí hậu thay đổi khiến tâm tính con người dễ muộn phiền, cáu bực, đổ bệnh…

Khi tiến hành những công việc như: làm nhà, khai trương, …một phần khí hậu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, có thể làm kéo dài thời gian hơn so với dự kiến, hoặc làm lỡ dở kế hoạch, mất cơ hội.

Trong tháng này mọi việc cưới xin, động thổ... đều hết sức kiêng kị vì sợ ảnh hưởng tới mai sau. Điều này tuy không có cơ sở nhưng đang dần tạo nên thói quen và làm chậm tiến độ công việc, kéo theo sự phát triển chậm hơn.

Tuy nhiên tháng 7 cũng là tháng Vu Lan, là tháng để báo hiếu cha mẹ, ông bà, làm việc tốt tích đức, đây là những hành động tốt đẹp cần được phát huy và duy trì tới nhiều thế hệ sau. Như vậy vừa tăng công đức vừa hoàn thành được các việc đời sống mà không cần phải kiêng kỵ.

Với quan niệm rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên để thay đổi là vấn đề rất khó và cần thời gian lâu dài. Hơn nữa, việc đổ lỗi cho tháng cô hồn khiến bản thân bị đen đủi, gặp điều không may lâu dần sẽ dẫn đến tính ỉ lại, trở nên lười biếng mất động lực trong công việc.

Rằm tháng 7 thay vì đổ quá nhiều tiền của công sức cho cúng bái, tôn thờ những điều mê tín, thì con người nên hướng tới những điều thiện, như xá tội vong nhân và báo hiếu với cha mẹ, ông bà, vừa để tăng công đức hồi hướng cho các hương linh. Làm được như vậy thì các việc khác chúng ta sẽ được tốt lành mà không cần phải quá câu nệ kiêng kỵ làm lỡ mất cơ hội.