19/04/2024 lúc 20:01 (GMT+7)
Breaking News

Tham vọng chinh phục sao Hỏa

VNHN - Cách đây 2 năm, tỷ phú Elon Musk - nhà sáng lập Công ty công nghệ SpaceX, đã công bố kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa sinh sống, cải tạo “hành tinh đỏ” để xây dựng môi trường sống cho khoảng một triệu người. Không chỉ Elon Musk, cuộc đua chinh phục hành tinh chưa được chứng minh đầy đủ là thích hợp cho sự sống này cũng thu hút các cá nhân, tổ chức và quốc gia trên thế giới, cùng những dự án khoa học.

VNHN - Cách đây 2 năm,  tỷ phú Elon Musk - nhà sáng lập Công ty công nghệ SpaceX, đã công bố kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa sinh sống, cải tạo “hành tinh đỏ” để xây dựng môi trường sống cho khoảng một triệu người. Không chỉ Elon Musk, cuộc đua chinh phục hành tinh chưa được chứng minh đầy đủ là thích hợp cho sự sống này cũng thu hút các cá nhân, tổ chức và quốc gia trên thế giới, cùng những dự án khoa học.

Dự án công dân liên hành tinh

Elon Musk được biết đến là một nhà tỷ phú muốn thay đổi cả thế giới bằng những công nghệ và ý tưởng “điên rồ”. Năm 2002, Elon Musk sáng lập Tập đoàn công nghệ khai phá không gian (SpaceX), một công ty tư nhân về vận chuyển trong không gian có trụ sở tại Hawthorne (California, Mỹ). SpaceX đã phát triển các tên lửa đẩy Falcon 1 và Falcon 9 với mục đích trở thành các tên lửa có thể tái sử dụng được. Công ty cũng đang phát triển tàu không gian Red Dragon được phóng lên quỹ đạo nhờ tên lửa Falcon 9.

Cái tên Elon Musk và SpaceX được thế giới biết đến vào năm 2006, khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trao hợp đồng Dịch vụ vận chuyển thương mại quỹ đạo (COTS) cho SpaceX. Công ty này có nhiệm vụ thiết kế, chế tạo và phóng một tàu vận chuyển cung cấp hàng hóa cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Ngày 9/12/2010, SpaceX phóng thành công chuyến bay thử nghiệm lần một, trở thành công ty tư nhân đầu tiên phóng thành công một tàu không gian lên quỹ đạo và sau đó thực hiện trở lại mặt đất an toàn.

Elon Musk từng nói rằng, một thiên thạch hay thảm họa thiên nhiên có thể xóa sổ nhân loại. Những nguy cơ khác khiến loài người diệt vong có thể là một virus nhân tạo, sai lầm trong việc tạo ra hố đen, các thảm họa từ biến đổi khí hậu… “Nhân loại đã tiến hóa hàng triệu năm nhưng chỉ mất 60 năm để tạo ra những vũ khí có thể hủy diệt toàn bộ lịch sử. Sớm hay muộn, chúng ta cũng phải rời Trái đất hoặc chấp nhận sự diệt vong”, Elon Musk nhấn mạnh.

Năm 2010, Elon Musk tuyên bố muốn tạo ra cách để nhân loại có thể rời Trái đất trong trường hợp xảy ra thảm họa diệt vong và đích đến chính là sao Hỏa, một hành tinh ở gần Trái đất và có dấu hiệu tồn tại của nước. Năm 2015, nhà tỷ phú có đầu óc mạo hiểm này cho biết có thể cải tạo môi trường sống trên “hành tinh đỏ”, đồng thời phác thảo một ý tưởng được cho là “điên rồ”: dùng bom nhiệt hạch để biến đổi khí hậu lạnh giá của sao Hỏa. Theo đó, việc sử dụng một quả bom nhiệt hạch sẽ giải phóng các khí gây hiệu ứng nhà kính (như CO2, CH4), giúp hành tinh đỏ có nhiệt độ ấm hơn, giúp con người thích nghi dễ dàng hơn với sao Hỏa.

Tại Hội nghị quốc tế hàng không vũ trụ lần thứ 67, tổ chức tại Guadalajara (Mexico) cuối tháng 9/2016, nhà sáng lập SpaceX đã công bố một dự án chinh phục sao Hỏa chi tiết và khả thi hơn. Kế hoạch gồm hai phần, đó là sử dụng tàu vũ trụ chuyên chở bằng tên lửa tái sử dụng và xây dựng một thành phố trên sao Hỏa. Theo kế hoạch, những chuyến tàu thử nghiệm đầu tiên sẽ cất cánh vào năm nay, các chuyến bay chở theo con người và chỉ đi một chiều lên sao Hỏa sẽ bắt đầu vào năm 2024.

Tham vọng của Elon Musk là đưa khoảng một triệu người lên “định cư” trên sao Hỏa trong 100 năm tới, trở thành những công dân liên hành tinh đầu tiên. Để làm được điều đó, Elon Musk tính toán mỗi chuyến tàu của ông sẽ đưa 100 người lên “hành tinh đỏ”, có vận tốc trung bình 30.600km/giờ. Mỗi chuyến tàu vũ trụ chở người sẽ được trang bị nhà hàng, các phòng nhỏ để ngủ, các trò chơi cho “hành khách” giải trí trong môi trường không trọng lực và phim ảnh để “giết thời gian” suốt hành trình kéo dài hơn ba tháng từ Trái đất đến sao Hỏa.

Theo tính toán của các chuyên gia thuộc SpaceX, hiện nay giá vé một chiều đến sao Hỏa khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, Elon Musk cho biết khi “Hệ thống chuyên chở liên hành tinh SpaceX” (gọi tắt là ITS) của ông chính thức hoạt động hết công suất, chi phí có thể sẽ giảm xuống khoảng 200.000 USD/người. Elon Musk cũng đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một hệ sinh thái khép kín trên sao Hỏa, có khả năng cung cấp oxy và các thực phẩm thiết yếu cho hàng trăm nghìn người sinh sống. Dù vậy, tham vọng chinh phục sao Hỏa của Elon Musk cũng vấp phải nhiều ý kiến hoài nghi, cho đó là điều phi thực tế và thậm chí là “ngông cuồng”.

Cuôc đua sôi động

Dự án sử dụng tàu vũ trụ đưa con người lên sao Hỏa của SpaceX đã nhận được sự hỗ trợ của NASA. Vào năm nay, SpaceX sẽ gửi tàu du hành không người lái Red Dragon đến bề mặt sao Hỏa để thử nghiệm hệ thống hạ độ cao, xâm nhập khí quyển và hạ cánh của con tàu. NASA sẽ cung cấp các kỹ thuật tiếp sóng viễn thông và liên lạc xuyên không gian, cũng như các dịch vụ tư vấn khác cho SpaceX để trao đổi với dữ liệu hành trình. Trong thời gian tới, NASA đặt mục tiêu đáp tàu mang tải trọng đến 30 tấn lên bề mặt sao Hỏa. Cho đến nay, thiết bị nặng nhất từng đổ bộ lên “hành tinh đỏ” là tàu tự hành Curiosity nặng một tấn.

Hiện SpaceX cũng đối mặt nhiều đối thủ đáng gờm trong cuộc đua tới “hành tinh đỏ”. Bên cạnh dự án biệt lập hỗ trợ SpaceX, NASA đã thông báo kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2030. Hành trình khai phá sao Hỏa của NASA bao gồm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu đã diễn ra trong suốt 15 năm qua, chính là những thử nghiệm có liên quan cuộc sống của con người trên sao Hỏa và các phi hành gia trên ISS. Đây là bước đệm giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn ảnh hưởng của vũ trụ lên tâm trí và sức khỏe con người. Giai đoạn hai là hàng loạt sứ mệnh sẽ diễn ra trong 5 năm tới, gồm việc thử nghiệm nhiều loại tàu vũ trụ khác nhau. Giai đoạn này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2020 để tạo đà cho cuộc chinh phục sao Hỏa chính thức của loài người. Giai đoạn ba là kế hoạch xây dựng môi trường sống cho con người trên sao Hỏa. Cuối tháng 8/2016, các nhà khoa học của NASA đã kết thúc thí nghiệm mô phỏng cuộc sống trên sao Hỏa trong điều kiện gần như bị cô lập hoàn toàn.

Ngoài SpaceX, Blue Origin - công ty do ông chủ Tập đoàn Amazon Jeff Bezos sáng lập, cũng bày tỏ tham vọng đưa hàng triệu người lên sống và làm việc trong không gian và đích đến có thể là sao Hỏa, trong một vài thập niên tới. Tham gia cuộc đua này còn có quỹ tư nhân Hà Lan Mars One, với mục tiêu đưa con người đặt chân lên sao Hỏa vào năm 2027. Tuy nhiên, sau khi kế hoạch này được công bố, giới chuyên gia cho rằng đây chỉ là một kế hoạch không có thật. Ngoài việc mập mờ trong hoạt động huấn luyện, xây dựng trang thiết bị hay tàu vũ trụ đưa người lên sao Hỏa, Mars One cũng không đạt được mục tiêu gom quỹ, dù ngân sách dự kiến phục vụ việc lên sao Hỏa của công ty này là khoảng sáu tỷ USD.

Cũng nhận được sự quan tâm như các dự án của SpaceX là kế hoạch chinh phục sao Hỏa của Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tháng 5 vừa qua, UAE công bố kế hoạch đầu tiên khai phá sao Hỏa, theo đó sẽ đưa một tàu thăm dò lên “hành tinh đỏ” vào năm 2021. Tàu thăm dò này mang tên “Hope Probe”, được kỳ vọng sẽ đáp xuống bề mặt sao Hỏa trùng thời điểm kỷ niệm 50 năm Ngày độc lập của UAE. Theo kế hoạch, nó sẽ được phóng đi tháng 7/2020 và vượt hành trình kéo dài chín tháng để tới sao Hỏa vào năm 2021.

NASA nhận định rằng trong tương lai gần, con người sẽ tìm ra giải pháp khắc phục điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên sao Hỏa cũng như phát minh các công nghệ du hành không gian có thể bảo đảm an toàn cho người tham gia hành trình bay, biến ý tưởng “công dân liên hành tinh” của SpaceX không còn là chuyện viễn tưởng.