20/04/2024 lúc 13:22 (GMT+7)
Breaking News

Sông Cà Ty mùa nước đỏ

VNHNO - Những ngày này, TP Phan Thiết hầu như chiều nào cũng mưa. Mưa nhạt nhòa đường phố, mưa mờ cả hàng dương trên đồi cát và làm biển cuộn lên những con sóng bạc đầu cao gần 3m. Mưa to, sóng lớn, bà con ngư dân ở Phan Rí Cửa, Phan Thiết, La Gi ít đi biển hơn.

VNHNO - Những ngày này, TP Phan Thiết hầu như chiều nào cũng mưa. Mưa nhạt nhòa đường phố, mưa mờ cả hàng dương trên đồi cát và làm biển cuộn lên những con sóng bạc đầu cao gần 3m. Mưa to, sóng lớn, bà con ngư dân ở Phan Rí Cửa, Phan Thiết, La Gi ít đi biển hơn.

Tranh thủ lúc trời tạnh ráo, tôi đi dạo một vài con phố. Con phố đầu tiên tôi chọn là Hải Thượng Lãn Ông. Đây là một con phố dài, nối đường Trần Hưng Đạo (phía trước cổng HĐND và UBND tỉnh Bình Thuận) ra đến Quốc lộ 1A và đi lên tận xã Hàm Hiệp (huyện Hàm Thuận Bắc). Đứng bên tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, ưỡn ngực hứng những cơn gió biển mát lạnh thổi từ cảng Phan Thiết vào, sao mà thấy tâm hồn mơn man, lâng lâng đến lạ. Dưới cầu Trần Hưng Đạo, con sông Cà Ty lững lờ màu phù sa đỏ ngầu. Cảnh trời đất, vạn vật và cả dòng người xe thong thả xuôi ngược, sao mà thấy hòa thuận, bình yên đến thế.

“Cậu mê sông Cà Ty lắm phải không?” - tiếng một người đàn ông trầm ấm sau lưng khiến tôi quay mặt lại. Cụ già chừng 80 tuổi chống chiếc ba toong, tóc bạc như cước, cùng nụ cười đôn hậu, mới nhìn là có cảm tình ngay. Qua giây phút làm quen, tôi biết tên cụ là Võ Ngọc Thu, ngụ phường Đức Thắng. Hai chúng tôi đứng tựa vào lan can bên tượng đài. Tôi thú thực với cụ là mình rất yêu con sông Cà Ty, yêu thương cả cái thành phố nhỏ bé nằm bên bờ biển Nam Trung Bộ này.

Tôi đã nghe chuyện con sông này trước đây được người dân gọi là “sông kỳ ta”. Kỳ là bởi nước trên những dòng sông thường là nước ngọt, nhưng nước sông Cà Ty đoạn qua Phan Thiết là nước lợ, đôi khi còn mặn chát như nước biển. Kỳ còn bởi dòng sông uốn lượn, chia thành phố ra làm hai phần gần như bằng nhau. Nói đi nói lại nhiều lần, hai chữ “kỳ ta” nói trại lại thành “cà ty” như bây giờ.

Biển Phan Thiết nhìn từ khu Đồi Dương

Cũng có người lại kể cho tôi nghe chuyện về ngày xưa xa lắc. Ngày mà vùng đất này chỉ có biển, có cát mà một con suối nhỏ chảy từ phía núi xa tới. Hồi đó có một chàng trai người Kinh đem lòng yêu thương một cô gái người Chăm. Nhưng do phong tục, tập quán khác nhau, nên gia đình hai bên kiên quyết ngăn cản. Cha mẹ cô gái còn cấm con mình ra suối tắm, giặt váy áo hay đội nước về nhà. Nhớ người yêu, chàng trai ngày nào cũng ra bờ suối hóng gió, thổi sáo và ngắm sao. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, cô gái bị gia đình ép gả cho một người khác mãi trên vùng Ma Lâm. 

Biết chuyện, chàng trai tìm mọi cách đột nhập vào nhà cô gái để gặp người yêu lần cuối. Không may, khi đôi trai gái đang quấn quýt bên nhau thì bị người nhà phát hiện. Họ bắt nhốt cả hai người vào một chiếc cũi, cột chặt trên chiếc bè và thả trôi theo dòng suối. Đôi uyên ương bị nước cuốn ra cửa biển mất tích, chỉ để lại cho đời những câu nói còn lưu lại đến tận bây giờ: Dòng Cà Ty chưa đi đã nhớ, chưa về đã thương, gặp nhau rồi thì mãi vấn vương.

Chả biết những câu chuyện về sông Cà Ty thực hư thế nào, nhưng bất kỳ ai tới đây đều cảm nhận được sự êm ả, mộng mơ và cảnh đẹp nên thơ của dòng nước. Nếu như ta được ngồi trên một con thuyền nhỏ, ngược về phía thượng nguồn thì mọi ký ức, hoài niệm sẽ được đánh thức, để rồi lòng mình nhớ nhớ, thương thương và vấn vương với dòng sông, với thành phố và con người nơi đây.

“Chắc hẳn cậu nặng lòng với vùng đất này lắm”. Vẫn là tiếng ông cụ Thu. Câu nói này đưa tôi trở về thực tại. Tôi mỉm cười thay cho câu trả lời. “Cậu ạ. Thành phố này, vùng đất này bao năm nay bình yên, thuận hòa là thế, vậy mà đã xảy ra một chuyện rất buồn. Thật lòng, tôi thấy thương bà con mình nhiều và rất bất bình với những kẻ đã xúi giục, kích động người dân gây rối, làm mất an ninh trật tự xã hội vừa qua”. Thấy tôi chú ý lắng nghe, cụ Thu nâng cánh tay phải và xòe cả bàn tay xoa xoa về hướng cổng của UBND tỉnh vừa mới được sửa chữa sau vụ gây rối nửa đầu tháng 6. Cụ bảo, công sở của Nhà nước đều là do nhân dân đóng góp tiền của, công sức xây dựng. Những người quá khích vào đập phá cổng UBND tỉnh, đập phá phòng làm việc của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đốt xe phòng cháy, chữa cháy của công an ở Phan Rí Cửa chính là phá hoại tài sản của mình.

Ở gần nhà cụ Thu có một vài thanh niên do hiếu kỳ và bị lôi kéo mà tham gia biểu tình, gây rối tại cổng UBND tỉnh, hai trong số đó bị công an bắt mấy ngày rồi tha cho về. Khi mọi người hỏi vì sao họ làm như vậy thì hai người thanh niên vò tóc, bứt tai, cúi đầu nói: “Chỉ vì hiếu kỳ và bị kích động nên tụi con mới làm những việc sai trái. Giờ thì không bao giờ tụi con làm bậy nữa”. Sự ăn năn, hối lỗi của đám trẻ có thể làm cho chúng ta nguôi ngoai nỗi buồn và yên tâm phần nào, nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều điều phải suy nghĩ...

Trong chuyến đi Bình Thuận lần này, chúng tôi có điều kiện làm việc và trao đổi với nhiều cơ quan chức năng của địa phương, như: Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ CHQS và Công an tỉnh… Chúng tôi cũng chia sẻ nhiều ý kiến với lãnh đạo địa phương xoay quanh nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân để bảo vệ an ninh Tổ quốc”. 

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng vụ việc gây rối, bạo động vừa qua là đặc biệt nghiêm trọng đối với tỉnh Bình Thuận. Đặc biệt nghiêm trọng bởi nó không chỉ gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, mà ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của một nơi luôn được coi là bình yên, hòa thuận. Ông Nguyễn Đông Hồ, Ủy viên thường trực, Trưởng ban Phong trào của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chia sẻ: “Nếu như chúng ta nắm chắc diễn biến tư tưởng trong nhân dân, quản lý chặt chẽ địa bàn và có những biện pháp kiên quyết, cứng rắn ngay từ đầu, thì vụ việc có lẽ đã không xảy ra”. Còn ông Phạm Quốc Luy, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thì cho rằng: “Chúng ta phải kịp thời tuyên truyền tốt những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước để dân hiểu, dân tin trước khi đưa ra quyết sách cuối cùng. Nếu người dân hiểu và tin rồi, thì những thế lực phản động không thể lôi kéo, xúi giục được”.

 Trên thực tế, vụ việc bạo động vừa qua ở Bình Thuận là có những “bàn tay ma” xúi giục đằng sau và mang mục đích chính trị rõ ràng. Kẻ xấu muốn làm mất sự ổn định của xã hội, kích động bà con làm điều xấu và phá hoại chính cuộc sống bình yên của mình. Và việc chúng ta phải vạch trần những âm mưu, thủ đoạn đê hèn của các thế lực phản động để cho người dân hiểu và đấu tranh với chúng là vô cùng cần thiết. Chúng tôi đã nhìn thấy quyết tâm lớn ấy trên gương mặt các đồng chí lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, ở những người chiến sĩ công an và cả những người dân phố biển. 

Đại tá Phạm Văn Long, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận tâm đắc: “Một khi ta hiểu dân, tin dân và xây dựng được thế trận tư tưởng chính trị vững chắc trong lòng dân, thì không thế lực nào lôi kéo, kích động được”. Riêng tôi thì suy nghĩ thêm, qua vụ việc tháng 6 ở TP Phan Thiết và thị trấn Phan Rí Cửa, lực lượng vũ trang càng phải nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tăng cường huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu...

“Bác về nhà đây, chuẩn bị đến bữa ăn tối rồi” - cụ Thu nói rồi đưa bàn tay khô ra nắm lấy tay tôi chào tạm biệt. Lúc này tôi mới nhận ra Phan Thiết chuẩn bị bước vào lúc hoàng hôn. Bầu trời lấp lánh sắc cầu vồng như muốn quấn lấy dòng Cà Ty sóng sánh ánh sáng của hoa đèn.

Tôi bước tiếp về phía cầu Lê Hồng Phong để ngắm sông Cà Ty lúc hoàng hôn. Chao ơi, đứng trên cầu mà cứ tưởng như mình đang bước lên chiếc cầu vồng bảy sắc. Hình như vào buổi tối, Phan Thiết có vẻ nhộn nhịp, đông vui hơn. Ở phía vườn hoa Đức Nghĩa, nhiều du khách ghé vào quán cơm Nam Thạnh Lầu để thưởng thức nhiều món ngon, hay ghé vào những gánh hàng bán bánh căng để gật gù với đặc sản của phố biển. Nhưng có lẽ nhộn nhịp nhất là khu bờ kè. Các quán hải sản ở đây lúc nào cũng đông nghịt người. Chả có gì sảng khoái hơn khi nhấp những ngụm bia ngon, lai rai với cua huỳnh đế, tu hài, cá thu và mực một nắng mang từ đảo Phú Quý vào. Thành phố đã bỏ lại sau lưng những chuyện không vui vừa qua. Đường phố, quán xá vẫn nhộn nhịp bước chân qua. Có lẽ người dân Phan Thiết muốn nhắn nhủ với chúng ta một điều: Hãy về với chúng tôi, về với phố biển xinh đẹp và hiền hòa này.

Buổi sáng ở Phan Thiết thật tinh khôi. Nó dịu dàng theo tà áo của người nữ sinh Trường THPT Phan Bội Châu cùng bạn đạp xe ra khu Đồi Dương đón bình minh. Chỉ ít phút nữa thôi, thành phố sẽ ngập tràn nắng vàng, rực rỡ và vươn mình bên bờ đại dương như khẳng định tiềm năng và sức bật của mình. Tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển và khoáng sản, cũng như phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thật tiếc khi tôi không còn thời gian để khám phá, để tận hưởng những vẻ đẹp, những yêu thương mà Phan Thiết mang lại.

Trên đường về TP Hồ Chí Minh, tôi cứ nhớ mãi câu nói của một đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Thuận: “Thực tế, vùng đất cách mạng Bình Thuận vẫn luôn hiền hòa, mến khách và giàu tiềm năng phát triển. Điều quan trọng là chúng ta phải làm gì để xứng đáng với Bình Thuận hôm qua, hôm nay và mai sau mà thôi”. Vâng! Không ai mà không muốn xây dựng quê hương mình giàu mạnh. Không ai mà không muốn có cuộc sống bình yên, hạnh phúc cả. Nhưng để đạt được những mục tiêu đó, phải phấn đấu hết mình, phải tìm hướng đi đúng đắn và phù hợp. Điều quan trọng là phải phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và bảo vệ tốt những thành quả của cách mạng. Khi có khát vọng, có niềm tin và quyết tâm thực hiện, chúng ta sẽ đạt được những gì mình mong muốn./.

Theo QĐND Cuối tuần