29/03/2024 lúc 22:55 (GMT+7)
Breaking News

Phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường việc làm cần thiết

VNHNO - Nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật ở độ tuổi thanh thiếu nhi và học sinh như: Hoàn cảnh, môi trường sống, phương pháp giáo dục của gia đình thì nguyên nhân đáng lo ngại nhất chính là sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật.

VNHNO - Nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật ở độ tuổi thanh thiếu nhi và học sinh như: Hoàn cảnh, môi trường sống, phương pháp giáo dục của gia đình thì nguyên nhân đáng lo ngại nhất chính là sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật.

Nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh (ảnh minh họa)

Đối với Ngành Giáo dục và đào tạo, cả nước đang có sự gia tăng về bạo lực học đường ở một số địa phương. Học sinh, đặc biệt là các em học sinh nữ, đã có những hành xử với nhau rất tàn bạo, côn đồ, mất nhân tính; các trường mầm non có hiện tượng giáo viên hành hạ trẻ mầm non, mẫu giáo gây bức xúc trong xã hội.

Đánh giá về tình hình trên, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016 đã chỉ ra nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót; công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao.

Tại Vĩnh Phúc, Ngành Giáo dục và đào tạo hiện có 553 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên với 254.277 học sinh và 16.935 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong năm 2016, toàn ngành không có diễn biến phức tạp về vi phạm pháp luật của cán bộ, giáo viên và học sinh; số vụ cán bộ, giáo viên và học sinh vi phạm pháp luật nghiêm trọng hầu như không có.

Có được kết quả này là do Ngành Giáo dục và đào tạo đã tích cực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các nhà trường, cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh bằng một số biện pháp có hiệu quả.

1. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đều xây dựng kế hoạch PBGDPL và hướng dẫn các đơn vị triển khai đầy đủ các nội dung theo Điều 10 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Tỉnh như:

- Các văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, giáo dục, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành;

- Các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế, các vấn đề về biển, đảo, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam;

- Ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật.

2. Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa, thực hiện đầy đủ các nội dung giáo dục pháp luật trong nhà trường:

- Về giáo dục chính khóa: Đối với cấp mầm non thì thông qua các hoạt động giáo dục, cấp tiểu học thông qua môn học đạo đức để hình thành thói quen phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần tự giác, tạo tiền đề hình thành ý thức pháp luật; đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì thông qua môn học giáo dục công dân để trang bị kiến thức ban đầu về quyền, nghĩa vụ của công dân, rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa môn giáo dục công dân vào kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia đã tạo điều kiện cho việc giảng dạy bộ môn giáo dục công dân và công tác PBGDPL ngày càng có chất lượng và hiệu quả hơn.

- Về giáo dục ngoại khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp: Tổ chức tốt các giờ sinh hoạt, chào cờ đầu tuần; các hoạt động ngoại khóa trong dịp kỷ niệm các ngày lễ, phát động các cuộc vận động lớn của ngành. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật như: “Tìm hiểu pháp luật về đất đai”, ‘Tìm hiểu pháp luật về khiếu nại, tố cáo”, “Tìm hiểu Luật Xử lý vi phạm hành chính”, “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong Ngành Giáo dục và đào tạo. Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đã có hơn 46.588 bài dự thi của cán bộ, giáo viên và học sinh toàn ngành tham gia. Thường xuyên phối hợp với Công ty Hon đa Việt Nam và Ban An toàn giao thông tổ chức chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” tại một số trường học. Triển khai “Ngày Pháp luật” 9/11 hàng năm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng: Tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp tài liệu…; giúp cán bộ, giáo viên và học sinh dễ dàng tiếp cận, nắm bắt các quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức về vai trò của luật pháp trong đời sống xã hội và mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền của Đảng và Nhà nước; từ đó tuân thủ và thực hiện pháp luật một cách nghiêm minh.

3. Tổ chức tốt việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn giáo dục công dân và báo cáo viên, cán bộ phụ trách công tác PBGDPL của các đơn vị trường học, cụ thể:

 Năm học 2013 - 2014, tổ chức tập huấn cho 250 cán bộ quản lý, 165 cán bộ làm công tác pháp chế, bí thư đoàn thanh niên về Hiến pháp năm 2013, tập huấn cho 190 giáo viên dạy giáo dục công dân, giáo dục pháp luật ở các trường trung học phổ thông, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong toàn tỉnh pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, phổ biến Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho 66 cán bộ, nhân viên Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo.

Năm học 2015 - 2016, đã tổ chức PBGDPL cho 200 giáo viên là bí thư đoàn thanh niên các trường về công tác phòng, chống ma túy và tội phạm; PBGDPL cho 206 cán bộ quản lý khối trung học phổ thông, trung học cơ sở về công tác phòng, chống tham nhũng; PBGDPL cho 995 cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm các trường về an toàn giao thông; tuyên truyền, phổ biến Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo cho 358 hiệu trưởng các trường tiểu học, mầm non trong toàn tỉnh.

Hàng năm, báo cáo viên pháp luật của các đơn vị đều được tham gia bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng PBGDPL.

Để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, Ngành Giáo dục và đào tạo xác định cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, triển khai đến cán bộ, giáo viên, học sinh các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác PBGDPL như: Chỉ thị số      32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 14/7/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân; Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL trong nhà trường.

Thứ hai, tăng cường phối hợp và trách nhiệm của các ngành đặc biệt là Ngành Tư pháp, các tổ chức chính trị - xã hội, thông tin đại chúng, gia đình, nhà trường và xã hội trong việc thực hiện công tác PBGDPL ở nhà trường có hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở các nhà trường.

Thứ tư, đổi mới công tác tuyên truyền, PBGDPL trong nhà trường với nội dung, hình thức đa dạng, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin. Khuyến khích các đơn vị xây dựng nội dung tuyên truyền thông qua các tiểu phẩm ngắn do giáo viên, học sinh trong trường tự sáng tác gắn với điều kiện, hoàn cảnh, hoạt động của đơn vị mình thì tác dụng tuyên truyền sẽ cao hơn, hiệu quả hơn.

Thứ năm, tích cực xây dựng tủ sách pháp luật ở các nhà trường. Hàng năm, các nhà trường rà soát bổ sung, cập nhật các luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác cho tủ sách để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Thứ sáu, đổi mới phương pháp dạy, nâng cao chất lượng dạy học môn giáo dục công dân trong nhà trường, tiến tới tổ chức thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi môn giáo dục công dân ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Thứ bảy, thực hiện tốt yêu cầu về đổi mới phương thức tổ chức “Ngày Pháp luật” theo hướng phong phú, thiết thực và dành nguồn lực để thực hiện các công việc trọng tâm.

Thứ tám, khen thưởng kịp thời những đơn vị giáo dục thực hiện tốt công tác PBGDPL, “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; có biện pháp xử lý những đơn vị thực hiện không tốt công tác PBGDPL và để xảy ra hiện tượng vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong giáo viên, học sinh