25/04/2024 lúc 22:30 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy vai trò giám sát, phản biện của mạng xã hội

VNHNO - Những sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được phát hiện tại hai tỉnh Hà Giang và Sơn La đang trong quá trình điều tra làm rõ, là tiếng chuông cảnh tỉnh về công tác quản trị giáo dục ở nhiều địa phương.

VNHNO - Những sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được phát hiện tại hai tỉnh Hà Giang và Sơn La đang trong quá trình điều tra làm rõ, là tiếng chuông cảnh tỉnh về công tác quản trị giáo dục ở nhiều địa phương.

Sau công bố kết quả, nhận thấy sự bất thường về điểm thi tại Hà Giang và Sơn La, dựa trên thống kê bảng điểm và thông tin từ những học sinh, một nhóm giáo viên tại Hà Nội đã quyết tâm nêu vấn đề trên mạng xã hội Facebook. Dấu hiệu tiêu cực thu hút sự quan tâm của báo chí. Nhiều tờ báo vào cuộc. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra kết quả, đã phát hiện những vụ việc gian lận thi cử nghiêm trọng tại hai tỉnh trên. “Sự cố” này đã, đang và sẽ cho chúng ta nhiều bài học, trong đó có khía cạnh đáng quan tâm là sự xuất hiện vai trò của mạng xã hội trong phát hiện gian lận. 

Ảnh minh họa

Mạng xã hội đã và đang trở thành kênh thông tin quan trọng đối với người dân. Với độ mở cao, thông tin trên các mạng xã hội có sức lan truyền rất nhanh, diện bao phủ rộng lớn. Công chúng luôn lo ngại trước thực tế một bộ phận người sử dụng nhận thức sai lệch cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo khó kiểm chứng, xác thực cho nên có thể tự do phát ngôn, tự do thông tin mà không phải chịu trách nhiệm. 

Từ đó, trong dòng chảy này, đã xuất hiện nhiều hành vi tung tin giả mạo, phát tán tin xấu độc, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ tổ chức và cá nhân..., cần kịp thời lên án và ngăn chặn, xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành. Mặt khác, cần thấy rằng tính tích cực của mạng xã hội gắn liền ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng của một bộ phận người sử dụng đã không ngừng được nâng lên. Thực tế đó đặt ra vấn đề cần phát huy vai trò giám sát, phản biện và phát hiện tiêu cực của mạng xã hội. 

Muốn dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cần phát huy vai trò giám sát, phản biện của nhân dân, trong đó mạng xã hội cần được xem là một kênh quan trọng. Người dân, với trách nhiệm công dân, tinh thần xây dựng, thông qua mạng xã hội biểu đạt nhanh chóng, trực diện những ý kiến của mình về những nội dung, nhiệm vụ, quyết sách về các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tình hình thực thi pháp luật; tham vấn về cải cách thủ tục hành chính của đất nước, địa phương; phản ánh việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

Thiết nghĩ, gắn liền với đó, các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí cần có “bộ lọc” tốt trong tiếp nhận, phản ánh và xử lý thông tin trên mạng xã hội theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhà nước cần tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực này. Tựu trung là bảo đảm phát huy, tăng cường trách nhiệm cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu cùng chung tay xây dựng mạng xã hội tại Việt Nam lành mạnh, an toàn, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội./.

Theo Nhandan.com.vn