24/04/2024 lúc 14:01 (GMT+7)
Breaking News

Nhiều xã ở Nghệ An vẫn ngập sâu do nước lũ lên cao

VNHNO - Như đã đưa tin trước đó, từ ngày 20/8, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều vùng hạ du sông Lam bị ngập sâu. Trong đó, phải kể đến 2 huyện Đô Lương và Thanh Chương chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn tới một số xã ở Thanh Chương bị cô lập hoàn toàn.

VNHNO - Như đã đưa tin trước đó, từ ngày 20/8, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều vùng hạ du sông Lam bị ngập sâu. Trong đó, phải kể đến 2 huyện Đô Lương và Thanh Chương chịu ảnh hưởng nặng nề dẫn tới một số xã ở Thanh Chương bị cô lập hoàn toàn. 

Theo ghi nhận ban đầu của phóng viên, nhiều xã thuộc vùng hạ huyện Thanh Chương như Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Tùng… và một phần thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương) của tỉnh Nghệ An đã ngập sâu trong biển nước. Cuộc sống của người dân rơi vào cảnh “ không nhà, không cửa”, bị đảo lộn hoàn toàn và chịu nhiều thiệt hại về sản xuất nông, nuôi trồng thuỷ sản.

Nước dâng cao, ngập sâu kéo dài

Lũ lên nhanh, khiến bà con bất ngờ, trở tay không kịp. Nhiều nơi ngập sâu đến hơn 1,2m, nhà cửa của người dân bị chìm trong nước, người dân phải sơ tán và di dời đồ đạc đến nơi an toàn. Trong đó, xã Thanh Xuân bị cô lập hoàn toàn.

Xã Thanh Xuân là nơi tập trung nhiều trường học, chợ, khu dân dư bị ngập sâu và chia cắt, phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân bằng thuyền. Ông Nguyễn Khánh Thành - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương cho biết: tính đến thời điểm hiện nay, xã Thanh Xuân có 10/17 xóm trong xã bị chia cắt; 50 nhà, hàng quán đã bị ngập nước; 103ha lúa, 30ha sắn, 10ha rau màu các loại bị hư hỏng hoàn toàn.

Người dân di chuyển bằng thuyền bè rất khó khăn

Người dân nhanh chóng di chuyển đồ đạc, vật dụng trong nhà

Nước lũ từ thượng nguồn đổ xuống kết hợp cùng thuỷ điện xả lũ khiến hàng trăm gia đình rơi vào cảnh lao đao, tù túng, ngập sâu trong biển nước với rác thải bao vây khắp mọi nơi.

Rác thải trôi nổi khắp nơi, gây ô nhiễm nặng nề

Theo thống kê mới đây của UBND huyện Thanh Chương, tính đến chiều ngày 21/8 đã có 11 xã (trong đó có 4 xã bị cô lập hoàn toàn do lũ, là: Thanh Xuân, Thanh An, Thanh Mai, Thanh Lâm), 35 xóm bị ngập và 365 hộ dân phải di dời. Bên cạnh đó, hơn 3600 ha các loại cây trồng và thuỷ sản gần như mất trắng.

Trước tình hình lũ lụt kéo dài, lãnh đạo huyện Thanh Chương đã nhanh chóng phối hợp với các ban ngành tổ chức đi kiểm tra tình hình, thăm hỏi và động viên người dân vùng lũ. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng túc trực 24/24 nhằm nắm bắt kịp thời tình hình mưa lũ và có biện pháp ứng phó.

Lực lượng chức năng tích cực hỗ trợ người dân

Ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: "Huyện đã chỉ đạo tất cả các trường học đóng trên địa bàn ngập lụt, đi lại khó khăn phải cho học sinh nghỉ học". Do vậy, các em học sinh chưa thể nhập học mà phải đợi nước rút hẳn nhằm đảm bảo an toàn cũng như cơ sở vật chất đầy đủ cho các em vào đầu năm học mới./.