20/04/2024 lúc 17:19 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ nhân Phan Thị Thuận, người phụ nữ dệt lụa từ sen

VNHNO - Với vẻ đẹp của mình sen từ trước tới nay chỉ để ngắm hoặc là đem ướp trà nhưng có một người phụ nữ gần đây đã khám phá ra được cách dệt lụa từ những sợi tơ sen vô cùng độc đáo.

VNHNO - Sau gần hai năm nghiên cứu, tìm tòi, nghệ nhân Phan Thị Thuận ở làng dệt Phùng Xá đã thực hiện thành công cách dệt lụa từ những sợi tơ sen vô cùng độc đáo.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận sinh ra tại huyện Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội. Từ thời Pháp thuộc, Phùng Xá đã nổi tiếng bởi nghề chăn tằm dệt lụa, sản phẩm của làng làm ra không chỉ bán lên Hàng Ngang, Hàng Đào ở Hà Nội mà còn xuất khẩu nhiều nơi…Xuất thân từ làng nghề nên nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn tâm niệm phải tìm hướng đi mới cho bản thân để làng nghề có thể phát triển hơn nữa.

Đời đời, kiếp kiếp con tằm nhả tơ còn con người thì dệt lụa, quy luật đó tưởng không thể nào đổi thay được nhưng lại có một người con của đất Phùng Xá với tình yêu dành cho nghề dệt lụa không chỉ dừng lại ở các sản phẩm tơ tằm thông thường mà bà Thuận vẫn luôn ấp ủ ý tưởng mới lạ đặc biệt và chưa từng có ở trên thị trường Việt Nam.

Bà Thuận vẫn luôn ấp ủ ý tưởng mới lạ đặc biệt và chưa từng có ở trên thị trường Việt Nam (Ảnh: internet)

Hành trính ấp ủ ý tưởng mới

Một dịp tình cờ, khi bà Thuận vẫn tiến hành công việc với xưởng tằm tự dệt tơ của mình ở bờ Đáy, một buổi có chị Trần Thị Quốc Khánh - đại biểu quốc hội của Hà Nội đến thăm và kể câu chuyện về loại tơ sen độc đáo của người Campuchia, Myanmar. Chị động viên bà nên đi học hỏi kinh nghiệm của các nước đó về để cũng có thể sản xuất ra được loại tơ đặc biệt này. Nhưng bà từ chối lời mời và dự định sẽ tìm tòi làm ra sản phẩm mới rồi mới đi thăm các nước sau, để còn biết mình thua kém họ ở điểm nào và sửa sản phẩm của mình.

“Quê mình vốn lắm đầm, nhiều ao, sen mọc rất nhiều, tại sao không thể lấy tơ mà dệt lụa như ở nước ngoài được”, đó là những ý tưởng đầu tiên xuất phát trong tâm trí của bà. Vậy là từ tháng 1 năm 2017 bà Thuận bắt đầu suy nghĩ về cách lách lưỡi dao vào thân cuống sen sao cho rút sợi tơ ra mà không bị đứt, không bị mất sức. Không chỉ là ý nghĩ trong đầu, bà bắt đầu tiến hành hiện thực hóa, ghi chép, vẽ chúng ra sổ. Ý tưởng cứ thế nối dài như một sợi tơ tằm.

Quá trình thực hiện sản phẩm lụa từ sen

Tháng tư, mùa sen bắt đầu, nhưng phải đợi đến tháng 6, khi mùa sen đã trôi được quá nửa bà Thuận mới tiến hành thí nghiệm của riêng mình. Bà thử đủ loại cuống lá già, cuống lá non, sen hồng đơn, sen hồng kép cuối cùng mới đi đến kết luận cuống sen vừa tầm lá bánh tẻ sẽ cho ra sợi dai nhất và đẹp nhất còn cuống lá già sẽ gây khó khăn cho việc cắt cuống và rút sợi.

Cọng sen được cắt ngắn thành những đoạn dài 3-4 cm rồi bắt đầu kéo, miết qua mặt bàn dấp dính nước, bện từng sợi tơ lại với nhau cho đến khi chúng đủ dày. Cứ thế, những sợi tơ sau nối tiếp vào những sợi tơ trước thành một cọng tơ tưởng như dài bất tận.

Cọng sen được cắt ngắn thành những đoạn dài 3-4 cm rồi bắt đầu kéo, miết qua mặt bàn dấp dính nước, bện từng sợi tơ lại với nhau cho đến khi chúng đủ dày (Ảnh: internet)

Tất cả sợi sen bà Thuận hái và xử lý chúng trong ngày để tránh bị khô và mất độ dai của sợi. Một lao động một ngày trung bình có thể cắt và kéo sợi từ 300 cuống lá được một sợi tơ dài khoảng 300m. Tùy theo độ dày mỏng mà một chiếc khăn dệt bằng sợi tơ sen phải mất ít nhất 1.500 cuống lá. Thất bại rất nhiều lần cuối cùng thành công cũng mỉm cười với bà Thuận khi một chiếc khăn quàng cổ bằng sợi tơ sen được ra lò.

Sản phẩm độc đáo được dệt từ sen

Cũng trong một dịp tình cờ khi làm xong sản phẩm thì bà được tài trợ một chuyến đi thăm xưởng của anh Samamtoa ở tỉnh Siêm Riệp, Campuchia và nhận thấy sản phẩm ở nhà của mình còn đẹp hơn, tốt hơn. Ở đây, một chiếc khăn quàng cổ làm từ lụa sen có chiều ngang 20cm, dài 1,8m bán 130 USD, một chiếc áo cộc tay có giá gần 2.500 USD còn một chiếc váy có giá lên tới gần 4.000 USD.

Nhận ra giá trị của lụa sen lớn từ đó bà Thuận đã tâm niệm ngày nào đó hi vọng đất nước mình cũng mở rộng được nghề này như ở Campuchia, Myanmar để nông dân tăng thêm thu nhập.

Bà Thuận chia sẻ: “Mỗi khi sử dụng sản phẩm lụa sen khách hàng không chỉ thấy ấm, thấy thoáng, thấy nhẹ mà còn ngửi thấy hương sen phảng phất trên người. Bởi thế bên cạnh giá trị sử dụng lụa sen còn có giá trị tâm linh, như luôn luôn có Phật ở bên mình vậy”.

Bà Thuận bên cảnh sản phẩm của mình (Ảnh: internet)

Năm 2017 xưởng của bà đã làm ra được tổng cộng 10 chiếc khăn như thế, bán giá 150 USD (tương đương khoảng 3,5 triệu đồng). Không chỉ dừng lại ở khăn choàng, hiện nay sản phẩm của bà mỗi ngày càng đa dạng hơn như được may thành các sản phẩm quà tặng lưu niệm nho nhỏ như túi xách.

Thực tế cho thấy việc sản xuất sợi sen từ cọng lá và cọng hoa sen sẽ mở ra triển vọng nâng cao giá trị không chỉ ở nghề trồng sen mà còn là điều kiện để phát triển nghành nghề tạo ra sản phẩm có giá trị vươn tới các thị trường thế giới.