20/04/2024 lúc 12:16 (GMT+7)
Breaking News

Nghệ An: Phát hiện 569 thương binh giả, lộ đường dây "chạy" chính sách

VNHNO - Những trường hợp thương binh được cho là giả trong kết luận đợt này sẽ bị đình chỉ hưởng mọi chế độ ưu đãi. Ngoài ra, đoàn thanh tra còn yêu cầu, phải truy thu toàn bộ số tiền đã cấp sai đối tượng từ trước đến nay. Tuy nhiên sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho rằng việc này gặp rất nhiều khó khăn. 

VNHNO - Những trường hợp thương binh được cho là giả trong kết luận đợt này sẽ bị đình chỉ hưởng mọi chế độ ưu đãi. Ngoài ra, đoàn thanh tra còn yêu cầu, phải truy thu toàn bộ số tiền đã cấp sai đối tượng từ trước đến nay. Tuy nhiên sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho rằng việc này gặp rất nhiều khó khăn. 

Đình chỉ chế độ của 569 thương binh giả

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc sở Lao độngThương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Nghệ An cho biết, đơn vị đã tạm đình chỉ chế độ đối với 569 trường hợp theo kiến nghị của thanh tra bộ LĐ-TB&XH tại công văn số 2259/TTr-NCC kể từ ngày 1/8. Các trường hợp trên được xác định là khai man, giả mạo giấy tờ hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương (bản gốc) lưu tại đơn vị.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An sẽ thông báo sai phạm hồ sơ bằng văn bản đến từng đối tượng, trường hợp cần thiết tổ chức đối thoại trực tiếp với đối tượng để giải thích rõ về sai phạm trong hồ sơ; Đồng thời làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận bị thương đối với 569 trường hợp trên. Theo ông Dương, động thái này được đưa ra sau khi có kết luận của đoàn thanh tra do bộ LĐ-TB&XH phối hợp với bộ Quốc phòng tổ chức thanh tra hơn hàng nghìn hồ sơ thương binh các loại trên địa bàn Nghệ An.

Theo đó, năm 2014, đoàn thanh tra của bộ LĐ-TB&XH tổ chức thanh tra ngẫu nhiên 1.500 bộ hồ sơ thương binh tại các huyện Đô Lương, Hưng Nguyên, TP.Vinh (tỉnh Nghệ An) đã phát hiện có 224 bộ hồ sơ bị làm giả, khai man để hưởng chế độ ưu đãi chế độ thương binh, trục lợi tiền Nhà nước. Tiếp đó, năm 2016, đoàn thanh tra tổ chức thanh tra 23.000 bộ hồ sơ thương binh trên địa bàn thuộc Quân khu 4 thì phát hiện 106 bộ hồ sơ không đảm bảo tính pháp lý, trong đó Nghệ An có thêm 90 trường hợp.

Đến tháng 11/2016, sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã ra quyết định đình chỉ trợ cấp thường xuyên và mọi chế độ ưu đãi đối với các trường hợp trên địa bàn tỉnh bị cho là thương binh giả. Trong đó, phần lớn hồ sơ thương binh được xác lập trên cơ sở bản sao quân nhân bị thương do các sư đoàn cấp. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho rằng trong danh sách quân nhân bị thương tại bản gốc vẫn còn lưu ở các đơn vị không có tên họ hoặc bị ghi chèn tên. Theo thống kê, 314 trường hợp giả mạo sau 2 đợt chủ yếu được xác lập hồ sơ từ năm 2004. Các trường hợp thương binh giả trên đã gây thất thoát tổng số tiền của Nhà nước 33 tỷ đồng.


Hồ sơ một vụ án đường dây chạy thương binh giả được cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh minh họa


Hiện đoàn thanh tra đang tiếp tục xem xét các hồ sơ khác. Theo một cán bộ trong đoàn, dự kiến sẽ còn nhiều hồ sơ thương binh giả bị phanh phui và con số chưa dừng lại ở 569 trường hợp vừa qua. Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An thông tin thêm, tính đến thời điểm hiện nay, địa phương này có tới 18/21 huyện, thành phố, thị xã có đối tượng hưởng sai trợ cấp ưu đãi thương binh, bị đình chỉ chế độ. Không những thế, đoàn thanh tra còn yêu cầu phải truy thu toàn bộ số tiền đã cấp sai đối tượng từ trước đến nay gửi về tài khoản của Bộ.

Truy thu hơn 100 tỷ đồng

Tính đến nay, số tiền đã truy thu của các đối tượng hưởng sai là trên 1,3 tỷ đồng, số tiền tiếp tục phải truy thu là trên 118 tỷ đồng. Theo đó, địa phương có nhiều đối tượng bị đình chỉ nhất là huyện Nam Đàn (87 đối tượng), Quỳnh Lưu (79 đối tượng), Diễn Châu (68 đối tượng)... Nhưng ông Nguyễn Đăng Dương cũng cho rằng, sẽ rất khó thu hồi tiền đã cấp cho các thương binh giả.

“Trách nhiệm chính là các cơ quan quân sự làm hồ sơ thương binh, chúng tôi chỉ là đơn vị tiếp nhận, chi trả sau khi phía quân đội chuyển sang. Việc truy thu số tiền này là rất khó vì thành phần được hưởng chế độ phần lớn đã già yếu, hoàn cảnh khó khăn. Nếu giờ thu lại, họ lấy đâu ra số tiền lớn như thế để trả cho Nhà nước. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, Nhà nước cũng chưa có chế tài để xử lý những trường hợp không giao nộp lại tiền”, Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH nói.

Trong số 569 đối tượng làm hồ sơ hưởng sai chế độ, sở LĐ-TB&XH cũng không loại trừ nhiều trường hợp là thương binh thật nhưng họ lại làm theo đường dây trên để đơn giản hóa thủ tục. “Chúng tôi sẽ tổ chức phân loại đối tượng bao gồm: Những đối tượng có điều kiện và khả năng thu hồi số tiền hưởng sai; Những đối tượng đã từ trần; Những đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo; Những đối tượng thuộc diện hộ nghèo gặp khó khăn trong cuộc sống. Trên cơ sở đó, Sở sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện thu hồi số tiền đã hưởng sai theo quy định của pháp luật”, ông Dương cho biết.

Liên quan đến sự việc, ông Trần Đình Lan, Phó Chủ tịch hội Cựu chiến binh Nghệ An cho rằng, nhiều người là thương binh thật nhưng không còn giấy tờ gốc, phải “chạy” theo các đường dây này. “Nhiều người làm nhiều năm nhưng không được, vì vậy đã nhờ các đối tượng “cò mồi” để hy vọng được công nhận thương binh. Hiện có nhiều đối tượng bị đình chỉ chính sách hỗ trợ nhưng họ là thương binh”, ông Lan cho biết.

Với cách làm rút hồ sơ ngẫu nhiên để kiểm tra, nhiều thương binh cũng cho rằng cách làm này chưa công bằng. Bởi trong số hàng nghìn, hàng vạn hồ sơ đang được hưởng các chế độ, ai dám chắc toàn bộ số này đều là hồ sơ thật? Mặt khác, hiện vẫn có không ít người đã hy sinh một phần cơ thể, tuổi thanh xuân cho đất nước, thế nhưng, do không còn lưu lại các giấy tờ, chứng cứ đầy đủ, họ vẫn chưa được hưởng chế độ nào.

Theo lãnh đạo sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, những trường hợp bị đình chỉ trợ cấp và thu lại tiền vẫn có thể tự minh oan cho mình bằng cách đưa ra được các giấy tờ để chứng minh. Trong trường hợp chứng minh được, nhà chức trách sẽ phục hồi lại mọi chế độ cũng như truy lĩnh lại số tiền trong thời gian bị đình chỉ.

Liên quan đến vụ 569 đối tượng làm hồ sơ giả mạo thương binh, Thứ trưởng bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: “Những đối tượng này đã làm hồ sơ giả, lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thương binh thật, khi làm hồ sơ, họ không trình giấy tờ gốc mà muốn làm tắt cho nhanh. Những trường hợp này phải bình tĩnh xem xét theo quy định của pháp luật.

Quan điểm của bộ LĐ-TB&XH, nếu là người có công thực sự là phải đảm bảo hồ sơ, thủ tục, chế độ chính sách, ưu đãi của Đảng và Nhà nước tới đúng đối tượng người có công với cách mạng. Đối với những trường hợp không có công nhưng làm hồ sơ để hưởng chế độ, thì kiên quyết thu hồi, xử lý. Kể cả các cấp, các ngành, cá nhân, tập thể nào có liên quan trong quá trình công tác làm sai hồ sơ này cũng xử lý trách nhiệm, chứ không phải chỉ tập trung vào hồ sơ sai để thu hồi”.

Theo ĐSPL