28/03/2024 lúc 20:30 (GMT+7)
Breaking News

Kỳ 1: Trắng đêm thông tuyến giao thông

VNHNO - Trận lũ quét, sạt lở lịch sử tại huyện Văn Chấn ngày 20.7 gây thiệt hại nặng nề chưa từng có về người và của. Dù còn bộn bề khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái, của cộng đồng, người dân không còn cảnh “màn trời chiếu đất” - cuộc sống đang dần hồi sinh…

VNHNO - Trận lũ quét, sạt lở lịch sử tại huyện Văn Chấn ngày 20.7 gây thiệt hại nặng nề chưa từng có về người và của. Dù còn bộn bề khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái, của cộng đồng, người dân không còn cảnh “màn trời chiếu đất” - cuộc sống đang dần hồi sinh…
Nỗ lực thông đường nhanh nhất

5h sáng, chiếc xe hai cầu đưa chúng tôi rời trung tâm huyện Văn Chấn tới các xã Nậm Mười, Sùng Đô, Sơn Lương, An Lương - những nơi bị thiệt hại nặng nhất trong trận lũ ngày 20.7. Trời mưa xối xả, nước từ các khe vẫn tuôn ra ào ạt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chủ tịch HĐND huyện Cao Văn Khải nối máy tới cơ sở để cập nhật tình hình đi lại. Ngắt điện thoại, ông Khải đề nghị đoàn chuyển hướng ngược lên Suối Quyền – một trong ba xã bị “cô lập” 6 ngày liền và xe cơ giới chưa thể tiếp cận.

Từ Quốc Lộ 32C, phải mất hai giờ đồng hồ chúng tôi mới vượt qua quãng đường chưa đầy 7km đến thôn Thẳm Có, xã Suối Quyền. Thôn này đang là địa bàn trắc trở nhất trong việc thông tuyến, bởi lũ quét gây sạt lở taluy nghiêm trọng, phải khắc phục xong những điểm này xe cơ giới mới tiếp cận được xã An Lương phía trước. Người ướt sũng, mặt mũi lấm lem bùn đất, công nhân lái máy xúc Nguyễn Văn Mười cho biết: Sáng 21.7, nhiều người ngỡ ngàng vì khối lượng sạt lở quá khủng khiếp. Các vị trí sạt lở nối tiếp nhau kéo dài cả chục ki lo mét, đất đá trôi trên núi xuống kèm rất nhiều cây cối, bùn lầy cao hơn 1m, có nơi 2m. Giao thông toàn tuyến từ ngoài Quốc lộ 32 vào An Lương tê liệt hoàn toàn. “Suốt gần hai tuần qua, chúng tôi thi công trong điều kiện mưa lũ cực đoan và ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Nhưng khó thế này, chứ khó nữa cũng chỉ mong đường thông sớm nhất để công tác cứu trợ bà con bớt khổ hơn”, anh Mười buồn rầu nói.

Theo quan sát, các điểm sạt lở trên tuyến vào thôn Thẳm Có cơ bản được khắc phục, bảo đảm thông xe. Căng thẳng nhất là 3 điểm sạt lở nghiêm trọng từ thôn Thẳm Có qua thôn Vàng Ngần đến trung tâm xã An Lương. Ngay khi tiếp cận địa bàn, đoàn công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu chính quyền cùng nhân dân dùng gỗ keo bắc cầu tạm (dài khoảng 4m) để bà con từ thôn Vàng Ngần và xã An Lương đi lại, nhận hàng cứu trợ thuận tiện hơn. Tại vị trí này có một khe nước (vốn phình to từ chỗ sạt) vẫn chảy xiết kết hợp trời mưa, đe dọa sự an nguy của cây cầu tạm.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Suối Quyền Đặng Hữu Tài cho biết: Mưa lũ đã làm chia cắt đoạn đường thành nhiều khúc, các phương tiện không thể di chuyển vào xã An Lương. Lãnh đạo huyện đã huy động máy xúc công suất lớn hơn vào hiện trường để tăng tiến độ khắc phục. “Ngay cả chỗ máy xúc đang hoạt động, cũng vốn là nền nhà của hai hộ dân đã bị lũ cuốn trôi. Nhưng buồn hơn cả vẫn là cây cầu quà của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng thôn ở phía Quốc lộ 32 rẽ vào, vừa đưa vào sử dụng chưa được 1 năm đã bị lũ quét cuốn mất”, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Suối Quyền Hà Thị Yên xót xa nói.

Người dân xã An Lương phải di chuyển qua chiếc cầu tạm nối giữa thôn Thẳm Có và thôn Vàng Ngần 
để nhận tiếp tế lương thực. Ảnh: Chí Tuấn

Nhanh chóng tiếp cận các xã cô lập

Tạm chia tay cầu tạm Thẳm Có, chúng tôi bám theo người dân ra nhận hàng cứu trợ để vượt qua Vàng Ngần, đi sâu vào An Lương - xã xa nhất và là địa bàn cuối cùng xe cơ giới chưa thể tiếp cận. Càng lên cao, đường đi càng hẹp, trơn trượt giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Sau hơn 3 tiếng rưỡi lội bùn, leo dốc liên tục, chúng tôi mới tiếp cận được trung tâm xã An Lương.

Thi công khắc phục đường giao thông bị sạt lở hoàn toàn dẫn vào xã An Lương. Ảnh: Chí Tuấn 

Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cội bàng hoàng nhớ lại: Đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra nữa. Chỉ vài phút, nước lũ đổ về cuồn cuộn cuốn theo những tảng đá to bằng cái chiếu khiến toàn bộ xã bị cô lập 6 ngày liền. “Mặc dù đã chủ động di dời các hộ dân đến nơi an toàn nhưng mưa lũ đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, 7 ngôi nhà sập hoàn toàn, 18 nhà bị hư hỏng nặng, 57 hộ phải di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, mưa lũ đã khiến nhiều tuyến đường liên thôn, xã bị sạt lở nghiêm trọng... ước tính thiệt hại trên 30 tỷ đồng”, Chủ tịch Hoàng Văn Cội buồn rầu chia sẻ. Cũng theo ông Cội, hiện An Lương không bị cô lập nữa, nhưng đường vào xã rất khó khăn, chỉ có thể đi bộ. “Trước mắt, trong một vài ngày tới, chúng tôi tập trung giúp các gia đình có nhà bị sập và cuốn trôi hoàn toàn, đồng thời sẽ khắc phục những điểm sạt lở để người dân có thể đi lại, sớm ổn định cuộc sống. May mà ở kho của Trường Tiểu học bán trú An Lương vẫn còn gạo của năm học cũ nên nhân dân không phải lo lắng về lương thực”.

Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn Mai Mộng Tuân khẳng định nhiệm vụ trước mắt cần tập trung phương tiện, nhân lực thông tuyến đường bị sạt lở, thông các tuyến đến các thôn bản khó khăn để vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của huyện cũng tập trung khắc phục các hệ thống cơ sở hạ tầng khác như điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc…

 Ngay sau khi nhận được thông tin hoàn lưu cơn bão số 3 có thể gây ảnh hưởng đến tỉnh, Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành công văn về việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó yêu cầu UBND tỉnh nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bí thư các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm việc sơ tán người khỏi vùng nguy hiểm, chuẩn bị tốt phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, thủ trưởng các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ và địa bàn được phân công phụ trách, thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến thời tiết để chủ động chỉ đạo tốt công tác phòng, tránh thiên tai.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh PHẠM THỊ THANH TRÀ

Theo ĐBND