25/04/2024 lúc 06:57 (GMT+7)
Breaking News

Kinh kịch – Tinh hoa nghệ thuật truyền thống Trung Quốc

VNHNO - Kinh kịch Trung Quốc hay còn gọi là “ca kịch Phương Đông”, là loại hình sân khấu đặc sắc của Trung Quốc mang đậm nét văn hóa thuần túy Á Đông. Vào tháng 11 năm 2010, tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận Kinh kịch là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

VNHN - Kinh kịch Trung Quốc hay còn gọi là “ca kịch Phương Đông”, là loại hình sân khấu đặc sắc của Trung Quốc mang đậm nét văn hóa thuần túy Á Đông. Vào tháng 11 năm 2010, tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận Kinh kịch là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Kinh kịch (京劇/) hay kinh hí (京戲/) là một thể loại ca kịch được hình thành và phát triển mạnh tại Bắc Kinh vào thời vua Càn Long. Là kết quả của sự pha trộn giữa Huy kịch với Hán kịch.

Kinh kịch đã có lịch sử hơn 200 năm.  Kinh kịch được bắt nguồn từ các loại tuồng cổ địa phương, đặc biệt là “Huy Ban” tức “đoàn tuồng An Huy” lưu hành tại miền Nam Trung Quốc hồi thế kỷ 18. Năm 1790, “đoàn tuồng An Huy” đầu tiên đến Bắc Kinh biểu diễn chúc mừng sinh nhật nhà vua. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, qua hội nhập trong suốt mấy chục năm, Kinh kịch mới được hình thành, và trở thành loại tuồng sân khấu lớn nhất Trung Quốc.

 Kinh kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, bằng cả quá trình thể hiện hợp nhất giữa “Ca, nói, biểu hiện, đấu võ, vũ đạo”, để thuật lại các cốt truyện, khắc họa nhân vật. Sức hút của Kinh kịch Trung Quốc đến từ nhiều yếu tố, từ cốt truyện, nhạc cụ, trang phục, cách trang điểm, đến các vai diễn, tất cả đều mang trong mình một nét bí ẩn quyễn rũ vì vậy phải chú tâm đi thật lâu, thật xa mới thấy được cái hay, cái tinh túy của vở kịch.

Các nghệ sĩ đang biểu diễn một vở tuồng cổ lấy từ điển tích lịch sử

của Trung Hoa

Phần lớn các vở Kinh kịch đều có đời sống và cảm hứng từ các cốt truyện huyền thoại như cổ tích, truyền thuyết pha lẫn tính dã sử của tiểu thuyết Trung Quốc cổ điển. Chắc hẳn trong chúng ta đã quá quen thuộc với những tác phẩm như Mỹ Hầu Vương, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử,… là những tác phẩm điện ảnh quen thuộc cũng đều được tái hiện lại một cách hoàn hảo thông qua loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Vì vậy khi nghe và xem Kinh kịch cũng là chúng ta đang tìm hiểu về lịch sử cũng như văn hóa cổ xưa của đất nước Trung Hoa.

 Nhạc cụ để biểu diễn trong một vở Kinh kịch bao giờ cũng là sự kết hợp đồng bộ giữa bộ gió, bộ dây và bộ gõ, chúng tạo ra những tiếng đệm theo lời hát trầm bổng réo rắt vốn đã được xem là chuẩn mực, “quốc túy”, trong điệu hát Trung Hoa.

Cùng với các nhạc khí, nhân vật Kinh kịch còn sử dụng các loại đạo cụ khác như đao, thương, kiếm, gậy, quạt. . . để hỗ trợ cho diễn xuất và thể hiện tính cách riêng.

Các nhân vật trong Kinh kịch chủ yếu chia làm bốn vai chính: Sinh (vai nam), Đán (vai nữ), Tịnh (vai nam),Sửu (nam nữ đều có). “Sinh” () tùy theo tuổi tác và thân phận trong các vở kịch mà chia thành lão sinh, tiểu sinh và võ sinh. “Đán” 旦)bao gồm thanh y, hoa đán, võ đán, lão đán. “Tịnh” vào vai nam hào kiệt hoặc thư sinh, đặc trưng nổi bật là phải vẽ nhiều màu sắc trên mặt, vì vậy còn gọi là “hoa kiểm”. “Sửu(丑) là vai xấu xa hoặc hài hước lanh lợi.

Diễn viên kinh kịch thường xuất hiện trong vai những nhân vật lịch sử

Nghệ thuật hóa trang trong Kinh kịch rất đặc sắc.Vai “Sinh” và “Đán” phải vẽ lông mày, nâng lông mày và vẽ tròng mắt. Vai “Tịnh” và “Sửu” phải vẽ mặt nạ hay cụm từ mà miêu tả chính xác theo cách gọi của người Trung Quốc đó là Kiểm Phổ.

Kiềm phổ - Nghệ thuật đặc sắc nhất của Kinh kịch

 Kiểm Phổ là nghệ thuật đặc sắc nhất trong Kinh kịch, là hình thức hóa trang để diễn viên Kinh kịch nhập vai nhân vật định sẵn, cách vẽ và hình vẽ sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhân vật thể hiện. Qua Kiểm Phổ người xem có thể nhận biết các nhân vật trung thành hoặc gian trá, tốt đẹp hay xấu xa, lương thiện hay gian ác, cao thượng hay thấp hèn. Kiểm phổ chính là bằng chứng phát triển hoàn thiện của thủ pháp tả ý ước lệ trong Kinh kịch, hiểu rõ ý nghĩa tượng trưng mà Kiểm Phổ muốn thể hiện sẽ giúp ích cho việc tìm hiểu cốt truyện của tuồng kịch.

Qua lớp mặt nạ khán giả sẽ đoán được tính cách nhân vật là thiện lương hay tà ác

Gắn liền với vẻ mặt trí tuệ của vai diễn cũng như nghệ thuật vũ đạo, múa võ, kỹ xảo xiếc điêu luyện..., sự độc đáo của Kinh kịch còn nằm trong vẻ đẹp hoàn mỹ của những trang phục dân tộc. Xuất xứ từ trang phục của triều đại nhà Minh (1368 - 1644), sự lộng lẫy và tinh xảo trong trang phục của Kinh kịch đến nay vẫn làm cho mọi người phải ngạc nhiên; kết hợp với trang phục, vai diễn tự nhiên và hoàn hảo trong sự nhuần nhuyễn giữa thực tế, trí tưởng tượng cũng góp phần tăng sự hoành tráng trong vở Kinh Kịch.

Trải qua 200 năm thăng trầm cùng với sự phát triển của thời đại, Kinh Kịch được coi là một trong bốn quốc túy của Trung Hoa dân quốc ; là đỉnh cao trong nghệ thuật hát kịch của dân tộc Trung Hoa vẫn luôn lưu giữ được những nét truyền thống vô cùng đặc sắc. Ngày nay, đến với Trung Quốc, muốn tìm hiểu về Kinh Kịch các du khách đều được giới thiệu đến với Nhà hát kịch lớn Trường An nằm trên đường Trường An (con đường chủ đạo bắc ngang hướng đông và tây của Bắc Kinh), ở đây du khách sẽ được đắm chìm vào một không gian cổ xưa, tìm hiểu về lịch sử Kinh Kịch cũng như nghe và cảm nhận về loại hình nghệ thuật đắc sắc này./.