20/04/2024 lúc 08:41 (GMT+7)
Breaking News

Huyện YênThành, Nghệ An - Sức hút từ những điểm đến

“Xác định xây dựng thương hiệu du lịch Yên Thành trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh. Phấn đấu đến 2020 đón và phục vụ 40.000 lượt khách; Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch 3.000 người... góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra” (Đồng chí Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành).

“Xác định xây dựng thương hiệu du lịch Yên Thành trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh. Phấn đấu đến 2020 đón và phục vụ 40.000 lượt khách; Tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch 3.000 người... góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra” (Đồng chí Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành).

 

Đồng chí Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành

Yên Thành là huyện đồng bằng bán sơn địa được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh đẹp cùng hệ sinh thái phong phú, đa dạng, là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hiến và khoa bảng. Được xác định là một trong sáu trọng điểm du lịch của tỉnh Nghệ An, hiện tại huyện Yên Thành đang tập trung đầu tư phát triển loại hình Du lịch tâm linh - sinh thái, từng bước khơi dậy tiềm năng, dần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Toàn huyện Yên Thành có 522 di tích, danh thắng, trong đó hơn 200 di tích đã được phân cấp quản lý, 74 di tích đã được xếp hạng (24 di tích xếp hạng Quốc gia, 50 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Nhiều di tích mang giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo như: Đền Đức Hoàng (Phúc Thành), Đình - chùa Bảo Lâm (Hoa Thành), Nhà thờ đá Bảo Nham (Bảo Thành), Đình Sừng (Lăng Thành), Đình Hậu (Bắc Thành), Đình Cả (Hoa Thành)... Một số di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa giáo dục cao như: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành .Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu (Hoa Thành), Di tích Tràng Kè (Mỹ Thành)...

Khu Di tích Đền Chùa Gám

Nét độc đáo trong các sản phẩm du lịch của huyện Yên Thành là lễ hội dân gian mang đậm sắc thái của cư dân nông nghiệp lúa nước. Tiêu biểu có các lễ hội: Lễ hội Đền Đức Hoàng (Phúc Thành), Đền - chùa Gám (Xuân Thành), Đền Cả (Nhân Thành), Đại điển - Đình Mõ (Hậu Thành), Đền Cả (Hoa Thành), Đền Canh (Đức Thành)...  Hoạt động lễ hội như một bảo tàng sống về văn hoá đặc thù của người dân Yên Thành đã được truyền giữ, kế thừa qua nhiều thế hệ. Lễ hội thể hiện nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư nơi đây; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau về sự giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của quê hương Yên Thành theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi đua tài, giải trí... Lễ hội cũng là nơi khởi nguồn cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian, nghệ thuật quần chúng. Tại Yên Thành, nhiều làng còn lưu giữ nét sinh hoạt văn hóa văn nghệ đặc sắc như: hát Tuồng (Xuân Thành, Vĩnh Thành), hát chèo (Lăng Thành), Dân ca Ví Giặm (Phúc Thành, Đồng Thành)... Ngoài ra, đến với Yên Thành, du khách còn được tham quan các làng nghề bún bánh Vĩnh Hòa (Hợp Thành), mây tre đan Yên Hội (Đô Thành), tăm hương Yên Bang (Phúc Thành), nồi đất (Viên Thành), chiếu cói Long Thành... Và được thưởng thức những đặc sản như cá tràu (cá quả), lươn đồng, cua đồng, bánh chưng (Vĩnh Thành), gạo thơm, gạo thảo dược (Vĩnh Thành), cam (Đồng Thành, Minh Thành), nấm (Nam Thành, Sơn Thành, Lý Thành, Long Thành), mật ong (Minh Thành, Quang Thành, Tây Thành)…

Thế núi, dáng sông đã tạo cho vùng đất lúa Yên Thành sự huyền bí thâm nghiêm. Người Yên Thành xa xứ khi nhớ về quê hương không ai không nhớ về Rú Gám - sông Dinh. Rú Gám (Xuân Thành) trở thành biểu tượng của hồn quê Yên Thành từ bao giờ không ai biết. Chỉ biết rằng từ đời này qua đời khác, không ai bảo ai người dân nơi đây vẫn thay nhau bảo vệ, giữ gìn sự linh thiêng cho nơi này. Cùng với Nhà thờ đá Bảo Nham, Khu du lịch tâm linh rú Gám là những công trình tín ngưỡng tôn giáo mang tính độc đáo, có một không hai. Trong không gian hùng vĩ, thơ mộng, chùa Gám (Chí Linh tự) tọa lạc uy nghiêm với kiến trúc hết sức tinh xảo, được xác định là kiểu kiến trúc Phật giáo Trúc Lâm thời Lý-Trần. Chùa Gám là công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thể hiện sự hồi sinh Phật giáo trên đất Yên xứ Nghệ.

Ngoài việc giành ưu thế về danh lam thắng cảnh, khu hồ đập Vệ Vừng còn có ý nghĩa trong việc điều hòa khí hậu cho cả vùng miền Tây Yên Thành, cung cấp nước tưới cho trên 2.000 ha lúa của các xã Đồng thành, Kim Thành, Phúc Thành, Tăng Thành. Khu hồ đập Vệ Vừng sẽ là điểm đến lý tưởng cho những du khách muốn tìm về thiên nhiên để nghỉ dưỡng sau những ngày bận rộn mưu sinh ở chốn phồn hoa đô hội.

Đền Đức Hoàng (Phúc Thành) tọa lạc ở vị trí đắc địa; dáng vẻ thâm nghiêm, linh thiêng và huyền bí. Đền tựa lưng vào khu rừng nguyên sinh có nhiều cây cổ thụ rậm rạp, mặt hướng ra đầm sen làng Diệu Ốc (đầm Thủy Ô) - một danh thắng đẹp nhất nhì huyện Yên Thành. Đền thờ Hoàng Tá Thốn, vị tướng có nhiều chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Mặc dù quy mô kiến trúc đền không lớn nhưng đền nổi tiếng rất linh thiêng. Bởi vậy, nơi đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo bà con nhân dân khắp vùng.

Có người nói rằng “Yên Thành vùng đất ấy còn cả một tầng văn hóa trong mỗi làng quê”. Quả đúng là vậy, ngoài những ngôi đền, chùa, những di tích cách mạng, danh thắng đẹp “như níu chân người”, Yên Thành còn có một kho tàng văn hóa phi vật thể thể hiện lối sống phong phú, giàu tình cảm của người dân nơi đây. Không tiêu biểu như những làng quê vùng Bắc bộ nhưng quê lúa Yên Thành mang đậm chất mộc mạc đặc trưng của người xứ Nghệ. Sự mộc mạc giản dị ấy chính là tác nhân khiến cho mỗi người qua đây, dừng lại nơi này đều cảm thấy như được trở về cố hương.